Những sứ giả của tình hữu nghị

Thứ hai, 14/04/2014 10:00

(Cadn.com.vn) - Tết cổ truyền Chol Ch’nam Thmay (Campuchia) và BunPiMay (Lào)  năm nay, người dân 3 tỉnh Mônđônkiri, Stung-t’reng, Ratanakiri (Campuchia) và 4 tỉnh  Sê-kông, Atapư, Xalavan, Chămpasắc (Lào) đón 12 đoàn công tác của Quân khu 5 đến chung vui. 4.934 suất quà, hàng nghìn cơ số thuốc theo chân các cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ Việt Nam đến tận nhà người dân, thân thiết như ruột thịt...

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 trao quà
cho các hộ nghèo H. Tà Veng.

Tại H. Tà Veng, tỉnh Ratanakiri (Campuchia), Đoàn công tác gồm 22 cán bộ các cơ quan chức năng Quân khu 5 và các y, bác sĩ, điều dưỡng viên Bệnh viện Quân y 17 do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 làm Trưởng đoàn, đi thăm, tặng 400 suất quà và khám bệnh, cấp thuốc 1.100 người dân.

Tà Veng gồm 2 xã Tà Veng Lơ và Tà Veng Crôm, là huyện vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Ratanakiri. Buổi lễ tặng quà, khám bệnh, cấp phát thuốc được tổ chức tại trung tâm huyện trong không khí đầm ấm, thắm tình hữu nghị, với sự có mặt của Trung tướng Mông-Then, Phó Tư lệnh Quân khu 1 (Quân đội Hoàng gia Campuchia), đại biểu chính quyền tỉnh Ratanakiri, H. Tà Veng.

Ông Muông Pang, Chủ tịch H. Tà Veng xúc động: “Ân nghĩa của bộ đội Việt Nam chúng tôi không bao giờ quên. Trong chiến tranh, những người lính quân tình nguyện Việt Nam đã dùng máu đào để hồi sinh đất nước Chùa Tháp. Mới đây nhất, năm 2013, khi thiên tai ập đến gây thiệt hại nặng nề cho H. Tà Veng, bộ đội Việt Nam, bộ đội Quân khu 5 đã kịp thời có mặt, nhường cơm sẻ áo cho nhân dân giữa lúc ngặt nghèo. Tết này các anh không quản đường xa, đến đây trao tận tay những món quà ý nghĩa, bà con chúng tôi vui mừng khôn xiết”.

Nhận những món quà thiết thân với cuộc sống (gạo, cá khô, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt), được các thầy thuốc tận tình khám bệnh, cấp thuốc, nét mặt người dân ai cũng phấn chấn. Ông Thao Lươn, nguyên Huyện đội trưởng Tà Veng, hiện đã nghỉ hưu, đến khám bệnh đau cột sống, bảo: “Thầy thuốc bộ đội vừa giỏi, vừa tận tình nên bà con bảo nhau đi khám rất đông”. Biết tiếng Việt Nam khá rành, nên ông gác việc nhà, tự nguyện làm phiên dịch suốt mấy ngày liền cho các y, bác sĩ.

Chị Lin Oi mang theo con trai Xơ Ơ Pinh 3 tuổi cầm trên tay 2 gói thuốc, hồ hởi: “Thuốc này cho mình uống chữa bệnh đau lưng, còn thuốc này chữa viêm xoang cho Xơ Ơ Pinh. Hôm nay vừa được nhận quà, vừa được nhận thuốc, lại vừa được trò chuyện bộ đội Việt Nam vui vẻ nữa...”. Nghe các thầy thuốc hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng thuốc, bác Kui Dước bảo: “Thuốc của Việt Nam tốt lắm. Tôi bị đau bắp chân, vừa nhận thuốc xong là uống ngay tại chỗ. Về nhà tôi sẽ bảo vợ đưa 6 đứa con, 3 đứa cháu ra đây để cả nhà đều được khám bệnh”.

Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 17 khám bệnh cho bà con H. Tà Veng.

Vượt qua quãng đường dài, nhiều dốc đèo, bụi mịt mù, vừa đặt ba lô xuống, Đoàn công tác đã bắt tay ngay vào việc. Càng lúc số người đến khám bệnh càng đông, các thầy thuốc đã làm việc cả buổi trưa không ngơi nghỉ. Nhằm khắc phục rào cản ngôn ngữ, các y, bác sĩ, dược sĩ đều tranh thủ học cấp tốc những câu giao tiếp thông thường: Prức muôi (sáng uống một viên, chiều một viên), Prức pi (sáng uống hai viên, chiều hai viên), Bác (anh, chị, em, cháu) đau ở đâu? Đầu có đau không, Có tức ngực không...

Đại tá bác sĩ Lê Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 17 cho biết: “Ngoài phiên dịch của đoàn, chúng tôi nhờ thêm một số bà con ở đây biết tiếng Việt để hướng dẫn cụ thể cách sử dụng thuốc chữa bệnh, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh thông thường. Đi khám đa số là người già, phụ nữ và trẻ em, phần lớn mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, đau cơ khớp, dạ dày, giun sán, bệnh ngoài da, đau răng, đau mắt đỏ, bệnh phụ khoa... Khối lượng công việc nhiều, thời gian có hạn nên chúng tôi đã vận hành tối đa công suất, nhằm giải quyết công việc hiệu quả, tạo sự an tâm, tin tưởng cho bà con”.

Hoàn thành chuyến công tác trên đất bạn, trên đường về nước, chốc chốc lại bắt gặp hình ảnh người dân Tà Veng dừng lại bên đường vẫy tay chào lưu luyến. Tiễn Đoàn công tác đến tận cửa khẩu, Đại tá Ma Sô Văn Na, Phó chỉ huy trưởng trưởng Tỉnh đội Ratanakiri phát biểu: “Chỉ có bộ đội Việt Nam mới đến được những nơi khó khăn, gian khổ như thế này. Việc làm chí nghĩa, chí tình của các anh đã vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt Nam-Campuchia ngày càng khăng khít, bền chặt”.

Đỗ Thị Ngọc Diệp