Những sự thật ít ai biết đến mang tên Taliban

Thứ sáu, 20/08/2021 11:16

Len lỏi để tồn tại bằng mọi giá trong suốt 20 năm qua, Taliban đã giành lại được những gì đã mất trong sự ngỡ ngàng của cộng đồng quốc tế. Vậy Taliban là ai mà có thể khiến cả thế giới kinh ngạc như vậy?

Các thủ lĩnh của Taliban bên bàn làm vệc của Tổng thống Afghanistan sau khi chiếm được Kabul.  Ảnh: AP

Hình thành từ các chiến binh Mujahideen

Taliban theo ngôn ngữ Pashto có nghĩa là "học sinh". Taliban nổi lên như một phong trào Hồi giáo vào đầu thập niên 1990.

Tuy nhiên, nguồn gốc của Taliban có thể bắt đầu từ thập niên 1970, khi hàng nghìn tay súng Afghanistan được Pakistan đào tạo để quay về nước chống lại quân đội Liên Xô. Trong số này có Mulla Mohammed Omar, người sau này trở thành thủ lĩnh của Taliban. Được Mỹ chống lưng, các nhóm thánh chiến (phong trào Mujahideen) cuối cùng đã buộc Liên Xô phải rút khỏi Afghanistan.

Ban đầu Taliban hình thành từ một nhóm nhỏ Madrassa (một trường tôn giáo của đạo Hồi), những sinh viên tức giận trước sự phế truất các lãnh chúa trong cuộc nội chiến, sau khi Liên Xô rút quân vào năm 1989. Tầm nhìn về công lý mà Taliban rao giảng giúp lực lượng này nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng, thâu tóm quyền lực. Taliban phát triển rất nhanh chóng và chiếm thủ đô Kabul năm 1996.

Tư tưởng của Taliban khi đó được có nhiều điểm tương đồng với tổ chức khủng bố Al-Qaeda của Osama Bin Laden, điểm khác là Taliban chỉ tập trung vào sự cai trị ở trong nước. Al-Qaeda sát cánh với Taliban tấn công các nhóm vũ trang liên kết với quân đội chính phủ. Đổi lại, lãnh đạo Taliban cung cấp địa điểm trú ẩn và rèn quân cho Al-Qaeda.

Cai trị bằng luật Sharia hà khắc

Trong giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996-2001, Taliban áp dụng cách giải thích hẹp về luật Sharia của Hồi giáo. Taliban đưa ra cách giải thích khắc nghiệt và đôi khi là bí truyền riêng của họ về đời sống Hồi giáo, được truyền cảm hứng từ quy tắc sống được gọi là Pashtunwali của người Pashtun.

Taliban thực thi luật Hồi giáo Sharia cực kỳ hà khắc như hành quyết công khai, chặt các bộ phận cơ thể. Phụ nữ phải mặc đồ kín từ đầu đến chân, không được phép học tập hay làm việc và cấm ra ngoài một mình nếu không có đàn ông đi cùng. TV, âm nhạc và các ngày lễ không theo đạo Hồi bị cấm, và cấm bé gái đi học. Taliban vào thời điểm đó, sẵn sàng tử hình phụ nữ ngoại tình, những người thể hiện quan điểm không theo đạo Hồi. Ngoài ra, đồng tính luyến ái cũng bị xem là tội và bị xử tử. 

Bị Mỹ hất cẳng như thế nào?

Nhưng sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 do tổ chức khủng bố Al-Qaeda thực hiện, kẻ cầm đầu tổ chức này là Osama bin Laden trú ẩn ở Afghanistan. Chưa đầy một tháng sau cuộc tấn công khủng bố, Mỹ và đồng minh phát động chiến dịch Tự do bền vững Afghanistan.

Taliban bị đánh bật khỏi thủ đô Kabul. Mục đích của Mỹ muốn ngăn chặn Taliban cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho al Qaeda và sử dụng Afghanistan làm căn cứ cho các hoạt động khủng bố. Trong 2 thập kỷ sau khi bị Mỹ lật đổ, Taliban đã tiến hành cuộc nổi dậy chống lại lực lượng an ninh Afghanistan do Mỹ và đồng minh hậu thuẫn.

Làm thế nào để thắng Mỹ?

Báo New York Times ngày 17/8 dẫn các báo cáo đánh giá phân loại của các cơ quan gián điệp Mỹ cho biết, từ đầu mùa hè năm nay, giới tình báo từng cảnh báo về một bức tranh ngày càng ảm đạm về viễn cảnh Taliban sẽ sớm tiếp quản Afghanistan và cả sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội quốc gia Nam Á này. Nhưng Nhà Trắng phớt lờ.

Và rồi, sau hai thập kỷ, lực lượng phiến quân Taliban mà Washngington đã từng đánh đuổi, trừng phạt sau loạt khủng bố nhắm vào nước Mỹ 11-9, giờ trở lại nắm quyền ở Kabul của một người chiến thắng.

Về mặt thực lực, Taliban rõ ràng không đủ khả năng để đối đầu trực diện với Mỹ, thậm chí là lực lượng an ninh chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn. Taliban hiểu rõ rằng khi nào còn quân đội và không quân Mỹ trên đất Afghanistan, họ khó có thể giành lại quyền kiểm soát.

Vì vậy, các thủ lĩnh mới cùng các cộng sự trong hội đồng lãnh đạo tối cao gồm Mullah Abdul Ghani Baradar và 4 nhân vật quan trọng khác đã áp dụng một chiến lược mới, tìm cách để Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Tổ chức này nắm được điểm yếu rằng, người Mỹ đã trở nên chán nản với các cuộc chiến tranh nước ngoài. Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump đã thể hiện quan điểm muốn rút quân về nước, chấm dứt sự can dự ở nước ngoài. Năm 2017, Taliban gửi một thư ngỏ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đắc cử đề nghị rút quân đội Mỹ về nước. Tổ chức này hiểu rằng mục tiêu của Mỹ là ngăn Afghanistan trở thành cái nôi của khủng bố.

Và khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, việc rút quân được ông đặt ra ưu tiên hàng đầu. Nhưng có lẽ ông không thể ngờ rằng, quyết định rút những binh lính Mỹ còn lại về nước, 300.000 binh lính Afghanistan đã nhanh chóng gục ngã. Thay vì chiến đấu chống lại Taliban, họ bị đánh trả và nhiều lúc phải sớm rút lui dù không có cuộc giao tranh nào.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ và chiến thắng nhanh chóng của phong trào Taliban đã cho thấy rõ rằng những nỗ lực của Mỹ trong việc biến quân đội Afghanistan thành một lực lượng chiến đấu độc lập, mạnh mẽ đã thất bại.

Các thành viên Taliban.  Ảnh: AFP

Taliban 2.0, giờ đã khác?

Ngay sau khi nắm quyền trở lại, Taliban tuyên bố họ đã rất khác với 20 năm nhưng các động thái của Taliban những ngày qua dường như lại cho thấy viễn cảnh không gì sáng sủa.

Sau vài ngày nắm quyền, Taliban đã nỗ lực thể hiện rằng họ một nhóm tiến bộ, hòa nhập và kiềm chế hơn là hình ảnh một lực lượng từng gây ra nỗi khiếp sợ với người dân 20 năm trước. Taliban tuyên bố sẽ không trả thù các đối thủ chính trị, và phụ nữ sẽ đóng vai trò quan trọng trong xã hội và được đi học…

Tuy nhiên, mọi lời cam kết của Taliban đều ẩn giấu một thông điệp về "giá trị cốt lõi" - chỉ luật Sharia, bộ luật Hồi giáo nghiêm khắc. Nhiều chuyên gia hoài nghi về việc liệu Taliban sẽ áp dụng Sharia ở mức độ như thế nào khi lãnh đạo Afghanistan và rõ ràng đây vẫn là một cam kết mơ hồ.

Đây là đạo luật có từ 1.400 năm trước và chỉ các học giả tôn giáo mới có thể sửa đổi hoặc cập nhật. Tuy nhiên, quá trình thay đổi cũng đòi hỏi sự cẩn trọng tuyệt đối. Và những hành động ban đầu của Taliban trong những ngày qua dường như đã phần nào làm mờ hy vọng của người dân Afghanistan về việc nhóm vũ trang này có thể đã thực sự thay đổi.

Một cuộc biểu tình đã nổ ra ở thành phố Jalalabad, và các nhân chứng cho biết, các tay súng Taliban đã nã đạn vào đám đông, cũng như đánh đập người xuống đường phản đối nhóm vũ trang.

KHẢ ANH