Những thay đổi, những kỳ vọng

Thứ bảy, 21/04/2018 12:27

Thời đại Castro tại Cuba đã kết thúc khi Chủ tịch Raul Castro, em trai cố Chủ tịch Fidel Castro đã từ nhiệm và chính thức giao quyền lãnh đạo quốc đảo này cho  ông Miguel Diaz-Canel. Người Cuba, tất nhiên thật vui mừng khi chào đón một nhà lãnh đạo mới, với nhiều hy vọng mới. Nhưng vấn đề cần nói đến hơn nữa là phản ứng của Mỹ - quốc gia thù địch trong nhiều thập kỷ với Cuba - trước quá trình chuyển giao lịch sử này.

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách Chủ tịch Cuba, ông Diaz-Canel đã cam kết sẽ lãnh đạo đất nước trên con đường cách mạng cũng như trên con đường cải cách kinh tế - một quá trình mà ông Raul Castro đã bắt đầu kể từ khi lên nắm quyền. Tân Chủ tịch Cuba cũng nói rằng Cuba luôn sẵn sàng đối thoại với những nước đối xử công bằng với nước này.

Tuyên bố của ông tân Chủ tịch Diaz-Canel xem ra khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump không hề hài lòng. Phía Mỹ trước đó đã thúc giục tân Chủ tịch Cuba nên thực hiện các bước cụ thể để cải thiện cuộc sống của người dân Cuba, tôn trọng nhân quyền, chấm dứt đàn áp và cho phép tự do hơn nữa về kinh tế và chính trị. Nhưng có thể thấy, những lời kêu gọi này của Washington hoàn toàn xa rời thực tế, càng đẩy họ cách xa La Havana hơn nữa.

Cuba lâu nay vẫn chỉ trích Mỹ luôn tìm cách cô lập họ. Thậm chí, trong bài phát biểu sau khi chuyển giao chức Chủ tịch cho người kế nhiệm Miguel Diaz-Canel, ông Raul Castro cũng không quên nhắc lại cáo buộc này. Vì vậy, “nhiệm vụ” của ông Trump, với bối cảnh chính trị mới hiện nay ở Cuba, là nắm bắt cơ hội này để làm điều mà ông tránh né nhiều lần kể từ khi nhậm chức: phát triển một trong những câu chuyện thành công của người tiềm nhiệm Barack Obama - người đã mở cửa ngoại giao với đảo quốc này.

Chính sách “xích lại gần Cuba” dưới thời ông Obama đang chững lại dưới thời ông Trump. Vì vậy, Tổng thống Trump nên thúc đẩy cơ hội này. Nhà lãnh đạo Mỹ có thể phản ứng với sự khởi đầu mới này bằng một đề nghị tăng cường giao thương. Cuba thực tế đang ngập trong nợ nần cộng với việc tình hình kinh tế tiếp tục phát triển chậm chạp và thất nghiệp tăng cao. Mỹ có thể tận dụng những điều này như một cơ hội để làm rõ với lãnh đạo mới của Cuba và nhân dân đảo quốc này rằng, “chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ để Cuba vượt qua khó khăn”. Washington sẽ “ghi điểm” trong mối quan hệ với La Havana nếu có thể một tay giúp họ tái khởi động nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

Nhưng khó khăn vẫn ở trước mắt. Mỹ cho đến nay vẫn khăng khăng tuyên bố sẽ không thay đổi chính sách bất chấp Cuba có tân Chủ tịch.

THANH VĂN