Những thầy thuốc quân hàm xanh
Để đánh đổi bình yên cho nhân dân, những chiến sĩ biên phòng vẫn không ngại gian lao, vất vả ngày đêm đi sương về gió, nếm mật nằm gai, tập trung cao độ đấu tranh quyết liệt, không nhân nhượng với tất cả các loại tội phạm. Không chỉ làm tốt trên mặt trận an ninh, nhiều cán bộ chiến sĩ biên phòng cũng đã ghi dấu ấn đậm sâu trong lòng dân khi vào vai những người thầy thuốc quân hàm xanh.
Quân y Khánh (thứ 2, phải qua) được khen thưởng thành tích suất sắc trong công tác. |
Dân yêu, dân mến
Hơn 20 năm khoác áo lính biên phòng, hình ảnh Thiếu tá - quân y Ninh Công Khánh - Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng quá đỗi thân quen với nhân dân tuyến biển Liên Chiểu, bởi hơn 50% tuổi quân anh đảm đương nhiệm vụ tại đồn BP Hải Vân. Không chỉ giỏi về chuyên môn, quân y Khánh còn luôn tận tâm điều trị bệnh miễn phí cho nhân dân, tô đẹp thêm hình ảnh người thầy thuốc quân hàm xanh trong lòng dân...
Chúng tôi gặp quân y Khánh những ngày cuối tháng 2 - thời điểm anh vừa được điều động từ đồn Hải Vân về Sơn Trà khoảng hơn 1 tháng. Dù chuyển đơn vị, nhưng anh còn nặng lòng lắm với nhân dân tuyến biển Kim Liên, Liên Chiểu. Vừa tan ca trực, anh vội vàng xách ba lô phóng xe xuống "bệnh viện làng" (điểm nhà sinh hoạt cộng đồng Kim Liên 9) khám bệnh cho dân. Suốt 10 năm qua anh vẫn vậy, hết việc đồn là anh xắn tay áo đo huyết áp, châm cứu, phát thuốc miễn phí cho người bệnh nơi đây. Nhờ "mát tay", đã có hàng ngàn người được anh chữa khỏi bệnh. Cũng ngần ấy thời gian, sự tận tụy của anh ngày càng làm tình quân dân dưới chân núi Hải Vân thêm khăng khít, gắn chặt.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Nhíp - một trong số gần 10 người thường xuyên đến đây nhờ anh Khánh điều trị châm cứu, bấm huyệt, thổ lộ: "Chú Khánh nặng tình với bà con lắm, chăm người bệnh hơn cả chăm con. Tôi bị tê vai mấy tháng rồi, nhờ chú Khánh châm cứu chừ thấy đỡ lắm". Như bà Nhíp, cụ Nguyễn Thị Gia ở gần nhà sinh hoạt cộng đồng anh Khánh hay khám bệnh cho bà con cũng gần như dứt căn bệnh nhức mỏi "kinh niên" thường xuyên nhờ mỗi buổi chiều được anh Khánh châm cứu. Bà bảo, chú Khánh thì thôi khỏi nói, tốt bụng lắm, được dân yêu, dân mến vô cùng. Người già ở vùng đất này mà lâu nay không có chú thì lo lắm. "Tôi cùng hàng trăm người già khác đã đỡ bệnh nhờ kinh nghiệm và bàn tay châm cứu, bấm huyệt của chú. Chúng tôi vẫn hay gọi chú là người "thầy thuốc của dân" đó nhà báo" - bà Gia ngợi khen.
Một số cụ cao niên nơi đây kể rằng, thời điểm cuối năm 2015, quân y Khánh nhận công tác mới tại Bệnh xá BĐBP Đà Nẵng. Hay tin này, bà con làng biển kéo về chật kín cả phòng khám để chia tay anh. Lúc đó anh hứa sẽ tranh thủ sắp xếp thời gian để về khám chữa bệnh cho bà con. Như lời hứa, hằng ngày sau giờ làm việc ở bệnh xá, anh lại chạy xe máy vượt hơn 20km về với bà con. Có đợt, anh phải mượn sân và hiên nhà của người dân để làm chỗ khám, điều trị bệnh. Nhìn thấy tấm lòng của quân y Khánh, chính quyền địa phương đã cho mượn một ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng của P. Hòa Hiệp Bắc làm nơi khám bệnh. "Thấy anh Khánh quá nặng tình với nhân dân, năm 2016 bà con khu vực Kim Liên làm đơn đề nghị Bộ Chỉ huy BĐBP điều động anh về lại Trạm quân dân y kết hợp Kim Liên. Nguyện vọng của bà con đã thành, từ đó anh trở lại khám chữa bệnh cho bà con nơi đây ngày nào cũng tới khuya mới về. Cuối năm 2019 vừa qua anh được điều động qua đồn Sơn Trà, nhưng một hai ngày anh lại về khám cho bà con Kim Liên" - ông Nguyễn Lợi kể.
Bác sĩ, Đại úy Lê Anh Đức cùng đồng đội đang cứu chữa cho một trường hợp người dân ăn lá ngón. |
Khám bệnh "lưu động"
Đằng đẵng hơn 10 năm ở Kim Liên, không chỉ khám chữa bệnh miễn phí cho người dân tại "bệnh viện làng", anh Khánh còn tranh thủ đi khắp các khu dân cư biển khám bệnh "lưu động" cho người dân không có khả năng đi lại. Nhiều người nói vui rằng, "ngày xưa có chiếu bóng lưu động, giờ có cả chữa bệnh lưu động"... Không chỉ bà con tuyến biển Liên Chiểu, Sơn Trà, rất nhiều người cao tuổi, trung niên từ Hòa Liên, Hòa Sơn (H. Hòa Vang) hay Q. Cẩm Lệ cũng tìm đến nhờ anh Khánh trị bệnh.
Theo anh Khánh, từ khi thành lập Trạm quân dân y kết hợp tại Kim Liên, bản thân anh đã khám, điều trị bệnh cho hàng nghìn lượt bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh thoái hóa xương khớp, tai biến mạch máu, nhức mỏi "kinh niên". Công tác điều trị được anh sử dụng chủ yếu bằng phương pháp kết hợp Đông-Tây y. Anh tâm sự: Từ khi nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Sơn Trà cuối năm 2019, bản thân anh tiếp tục làm công việc khám bệnh cho người dân ở khu vực mới, xong vẫn dành thời gian đều đặn về với bà con Liên Chiểu. "Thú thật, làm xong việc trong giờ hành chính cũng thấm mệt, nhưng thấy nhu cầu điều trị bệnh của người dân còn nhiều mà mình chỉ khám và điều trị tại phòng quân - dân - y thì không đáp ứng yêu cầu. Mong muốn của mình là còn sức khỏe là còn đồng hành cùng với bà con, sẵn sàng tình nguyện chữa trị cho mọi người. Có lẽ cuộc đời tôi gắn bó với người bệnh tuyến biên giới biển như một cái duyên rồi. Mỗi khi thấy các cụ ông, cụ bà đỡ đau nhức, sức khỏe khá lên là tôi thấy vui, thấy có động lực để tiếp tục công việc" - anh Khánh trải lòng.
Quân y Khánh bấm huyệt, điều trị bệnh cho người dân Liên Chiểu. |
Bác sĩ quân y vùng biên bắt "ma lá ngón"
"Vợ chồng giận nhau tìm đến lá ngón, mâu thuẫn với bố mẹ, anh em cũng tìm đến lá ngón. Trường hợp được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời thì còn cứu chữa được. Còn khi chất độc của thứ lá này đã ngấm sâu vào nội tạng, thì hết đời" - Bác sĩ, Đại úy Lê Anh Đức - Đồn Biên phòng Tri Lễ BĐBP Nghệ An chia sẻ.
Xã Tri Lễ, H. Quế Phong, Nghệ An là nơi tập trung đông dân tộc như Thái, Khơ Mú, Mông sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào người Mông. Do trình độ dân trí thấp nên mỗi khi gặp chuyện buồn trong cuộc sống, hay mâu thuẫn với gia đình, nhiều người dân đã tìm đến lá ngón để kết liễu cuộc đời. Chính vì vậy, câu chuyện bắt "ma lá ngón" của anh Đức cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ đã không còn xa lạ đối với người dân nơi đây.
30 năm gắn bó với nghề cũng là chừng ấy thời gian anh Đức gắn bó với xã vùng biên Tri Lễ. Chứng kiến nhiều cái chết của đồng bào người dân tộc do ăn phải lá ngón đã thôi thúc anh tìm ra phương thức để cứu người. Với trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc, anh và đồng đội đã cố gắng tìm tòi, học hỏi nghiên cứu tài liệu, sách vở. Bên cạnh những kiến thức được học, anh đã áp dụng các kinh nghiệm dân gian và đưa ra bài thuốc cứu người ăn lá ngón hiệu quả.
Bài thuốc mà anh Đức và đồng đội sử dụng để cứu chữa người ăn lá ngón là dùng thân cây chuối đập dập vắt lấy nước kết hợp với nước giã từ cây rau má tươi. Sau đó, thả 1-2 con nhái sống vào hỗn hợp nước này tầm 1-2 phút rồi vớt nhái ra trước khi cho bệnh nhân uống. Việc cứu người phải sử dụng hoàn toàn nước được lấy từ thân cây chuối và rau má tươi, tuyệt đối không sử dụng thêm nước lạnh hay nước sôi bởi khi có nước, chất độc sẽ ngấm nhanh hơn vào nội tạng của người bệnh. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc kháng sinh Histamine (Dimedron), thuốc trợ tim, trợ sức, Coticoid (Hydrococtison).
Theo anh Đức, trong nước thân cây chuối hoặc nước rau má tươi có chất ức chế chất độc của lá ngón. Khi đổ hỗn hợp nước này vào dạ dày bệnh nhân thì phải nhanh chóng kích thích cho bệnh nhân nôn ra hết. "Khi vắt nước thân cây chuối, tôi thả vào một con nhái sống để lấy chất tanh, kích thích cho bệnh nhân nôn. Trong trường hợp không tự nôn được thì phải dùng tay hoặc sử dụng thiết bị y tế để rửa ruột, dạ dày cho người bệnh. Việc cứu sống bệnh nhân tùy thuộc vào việc chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể hay chưa. Quan trọng nhất là loại bỏ được chất độc trong cơ thể bệnh nhân càng sớm càng tốt", anh Đức cho biết thêm.
Năm 2016, khi bài thuốc này được áp dụng đã cho thấy hiệu quả chữa trị ở ca ăn lá ngón đầu tiên. Đó là trường hợp của anh Lô Văn X. (bản Yên Sơn) được người thân đưa đến Trạm quân dân y kết hợp lúc chập choạng. "Thấy bệnh nhân đã tím tái, tôi và mọi người đã sử dụng bài thuốc trên. Sau 2 tiếng nỗ lực cấp cứu tích cực thì bệnh nhân đã ổn định, không còn nguy kịch tính mạng, sau đó được tiêm thuốc kháng sinh, trợ tim, trợ sức rồi về nhà. Chỉ tính riêng năm 2019 đã có 7 trường hợp ăn lá ngón được cứu sống", anh Đức kể.
Tính từ năm 2016 đến nay, anh Đức và đồng nghiệp tại Trạm quân dân y kết hợp phối hợp với Trạm y tế xã Tri Lễ đã cứu sống 16 trường hợp ngộ độc lá ngón. Thậm chí, có nhiều trường hợp sau khi được cứu sống, gia đình và chính người có ý định tự tử đã mang tiền và nông sản của gia đình đến để cảm ơn nhưng anh Đức và anh em trong đơn vị đều từ chối.
Mặc dù phương pháp chữa "ma lá ngón" đang mang lại hiệu quả nhưng điều mà anh Đức và đồng đội luôn trăn trở đó là thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao. Không phải cứ gặp khó khăn, mâu thuẫn là tìm đến lá ngón để giải quyết. Chính vì vậy, hàng năm các chiến sĩ bộ đội biên phòng thường kết hợp với chính quyền địa phương, thôn, bản... tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của cây lá ngón đối với đồng bào. "Hiện tôi đang hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học về phương pháp cứu người bị ngộ độc lá ngón. Bài thuốc này cũng đã được phổ biến đến các Trạm quân dân y trên toàn tuyến biên giới tỉnh Nghệ An và đã phát huy hiệu quả trong việc xử lý, cấp cứu các trường hợp ngộ độc do ăn lá ngón", anh Đức cho hay.
Công Hạnh - Dương Hóa