Ca khúc viết về Đà Nẵng:

Những "tiếng chim trong vườn nhà"

Thứ năm, 18/12/2014 09:40

(Cadn.com.vn) - Không phải đến bây giờ, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở Đà Nẵng mới đặt dấu chấm hỏi cho hơn 1.000 ca khúc viết về thành phố đã đi đâu, về đâu giữa đời sống âm nhạc còn nhiều bước thăng - trầm. Bởi so với số lượng ca khúc đếm trên đầu ngón tay may mắn xuất hiện trên sân khấu, thì đến nay - nói như ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố - đa phần các ca khúc "chưa được sống đời - sống - thứ - hai,  chưa đủ sức thăng hoa trong thế giới nghệ thuật âm thanh" tại mảnh đất này.

Trong đề dẫn Tọa đàm "Chắp cánh cho ca khúc Đà Nẵng đến với công chúng" vừa tổ chức tuần trước, nhạc sĩ (NS) Trần Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP rất gan ruột khi nói rằng: "Có phải đôi cánh của ca khúc Đà Nẵng bị mỏi, bị tàn tật, bị gãy rồi hay sao phải chắp? Vấn đề đặt ra không mới nhưng có lẽ mang nhiều ưu tư, trăn trở đối với NS Đà Nẵng và tọa đàm chính là tín hiệu SOS cho đời sống âm nhạc địa phương hiện nay". Theo NS Trần Ái Nghĩa, NS ai cũng mong muốn viết được ca khúc để đời, trả ơn mảnh đất nơi mình đang sống, luôn trăn trở làm sao có được những tác phẩm "xứng" với tầm vóc và sự phát triển của thành phố, luôn trong tâm trạng như mình đang mắc nợ với Đà Nẵng...

Ca khúc Huyền diệu sông Hàn (nhạc Nguyễn Đình Thậm, thơ Đỗ Quý Doãn) biểu diễn
trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương. (Ảnh H.L)

Đây là lần đầu tiên, Hội Âm nhạc TP tổ chức một tọa đàm với mục đích đưa ca khúc viết về Đà Nẵng đến gần hơn với khán giả, có sức sống đủ lâu như "Quảng Nam yêu thương" một thời của người dân xứ Quảng. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP  cho rằng, sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi khắc nghiệt về tính độc đáo, dị ứng với sự lặp lại-nhất là sự lặp lại của chính các tài năng. Đà Nẵng ca và nói chung là địa phương ca dễ tạo nên sự lặp lại, nhất là ca từ, do vậy mà có nhiều khả năng gây phản cảm. Hãy hình dung ca khúc nào viết về Đà Nẵng cũng đều vang lên những sông Hàn, Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà, Non Nước... sẽ rất nhàm chán. Đối với địa phương ca, khác biệt không nằm ở chỗ ca khúc có địa phương hóa được các địa danh hay không mà nằm ở chỗ ca khúc có giúp khán giả nghe hát hình dung được hồn - đất - hồn - người đặc trưng của từng địa phương hay không.

Từ sau khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương đến nay, Đà Nẵng không dưới 5 lần phát động cuộc thi "Sáng tác ca khúc hay về thành phố Đà Nẵng", trung bình mỗi cuộc nhận từ 200 đến 250 tác phẩm tham gia. Tuy nhiên, không hiểu vì sao rất ít ca khúc đạt giải từ các cuộc thi được dàn dựng, biểu diễn sau đó. NS Phan Văn Minh đã rất thẳng thắn khi thừa nhận hiện nay, phần lớn các ca khúc viết về địa phương chỉ lòng vòng trong môi trường "hát cho nhau nghe". Nhiều NS Quảng Nam, Đà Nẵng gọi đó là những "tiếng chim trong vườn nhà". Tâm lý "thỏa mãn non" này còn biểu hiện ngay ở các nhà tổ chức. Chẳng hạn lâu nay trong các cuộc thi, vận động, trại sáng tác, sau khi đã hoàn thành việc "tổng kết, trao giải và báo cáo tác phẩm" thì Ban tổ chức ít khi có kế hoạch nuôi dưỡng, nâng cánh cho những ca khúc mà trong một chừng mực nào đó chúng đã được thẩm định giá trị.

Từ ngày giải phóng đến nay, Đà Nẵng chỉ phát hành một đĩa VCD ca khúc mang tên Sông Hàn tình yêu của tôi số lượng 10 bài do Sở VH-TT tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) ấn hành. Chia sẻ về điều này, NS Nguyễn Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương nói, thời gian qua ca khúc viết về Đà Nẵng được vinh danh tại các cuộc thi sáng tác sau đó bị... lãng quên là thực tế đáng buồn. Thiếu kinh phí, Nhà hát thành phố cũng khó tổ chức các hoạt động biểu diễn ca khúc viết về Đà Nẵng dù điều kiện sân khấu, con người đều đảm bảo.

Nhiều ca khúc được NS chủ động thu âm nhưng không có điều kiện phát sóng trên các phương tiện công cộng như hệ thống loa dọc sông Hàn, bãi biển Phạm Văn Đồng, các Trung tâm văn hóa... Mặt khác ở Đà Nẵng, phòng thu phối âm phối khí chỉ có Minh Trà, Minh Kỳ Studio, Cao Minh Đức, Rainbow còn hầu hết những phòng thu khác ca sĩ hát thu âm trên nền nhạc đệm có sẵn. Thành phố không có các hãng chuyên sản xuất băng đĩa nhạc như Sài Gòn, Hà Nội. Đây thực sự là một thiệt thòi lớn cho các NS, ca sĩ cùng tác phẩm của họ. Hoạt động biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng đang thiếu một sân chơi chuyên nghiệp, thường xuyên. Bởi một ca khúc dù hay cũng cần thời gian đủ lâu để người nghe cảm thụ, thưởng thức về giai điệu trước khi ghi nhớ ca từ. Nếu chỉ xuất hiện một đôi lần trên sân khấu thì rất khó tạo  điều kiện để công chúng đón nhận.

Truyền thông cho ca khúc chỉ thật sự hiệu quả khi nó xuất hiện thường xuyên trên sóng phát thanh truyền hình, trên sân khấu ca nhạc chuyên, không chuyên hoặc trên hệ thống loa phát thanh công cộng, đưa vào karaoke. Bên cạnh đó, để ca khúc viết về Đà Nẵng gần gũi hơn với thị hiếu âm nhạc của thành phố, trong các cuộc thi ca múa nhạc do sở, ban, ngành tổ chức tại Đà Nẵng, cần quy định thêm bao nhiêu phần trăm  tiết mục biểu diễn viết về Đà Nẵng để khuyến khích, tạo điều kiện cũng như bắt buộc thí sinh tham gia tìm hiểu...

Xét cho cùng, việc đưa ca khúc đến gần công chúng không khó, cái khó là làm sao để nó thực sự thăng hoa trong thế giới nghệ thuật âm thanh. Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng cần phải đầu tư không chỉ trong quảng bá tác phẩm mà quan trọng hơn là ngay trong quá trình sinh thành tác phẩm. Chúng ta chỉ có thể chắp thêm cánh, cắm chói, bắt giàn cho những ca khúc có khả năng giúp khán giả nghe hát hình dung được nét đặc trưng của Đà Nẵng; còn với ca khúc không có được khả năng ấy thì đành phải nói lời chia tay như một quy luật khắc nghiệt trong không gian nghệ thuật nghe-nhìn hiện nay.

H.Lê