Những tiết lộ mới về Rudolf Hess - “phó tướng” của Hitler

Thứ tư, 11/04/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Những ghi chép mới được công bố của một bác sĩ tâm thần quân đội đã tiết lộ những gì người Anh đã làm để có được những thông tin về Đức Quốc xã từ Rudolf Hess – “phó tướng” thân cận nhất của trùm phát-xít Adolf Hitler trong Thế chiến II.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Ngày 2-6-1941, Tiến sĩ Henry Dicks đến tòa nhà Trụ sở Cơ quan mật vụ của Anh (MI6) ở Surrey để kiểm tra sức khỏe tù nhân Rudolf Hess – một trong bộ ba quyền lực nhất của Đức Quốc xã thời bấy giờ, cùng với Quốc trưởng Hitler và Hermann Goring. Ông được dẫn vào tầng đầu tiên của tòa nhà và vào một căn phòng được bảo vệ nghiêm ngặt để gặp Rudolf Hess, được chẩn đoán bị bệnh tâm thần.

Trên các phương tiện truyền thông, Hess đã từng xuất hiện với khuôn mặt chữ điền mạnh mẽ, sải từng bước chân đầy uy quyền bên cạnh Hitler. Tuy nhiên, trong lần gặp này Hess không giống với những gì Dicks đã từng nhìn thấy. “Ấn tượng đầu tiên của tôi chắc chắn là y mắc chứng tâm thần phân lập. So với các bức ảnh trên báo chí, khuôn mặt của Hess giống như một con thú đói mồi. Khuôn mặt ấy làm người ta có cảm giác rất thú tính, rất giống khỉ hay chó sói, nhưng đôi khi lại khá duyên dáng như một người trẻ tuổi”, những ghi chép của tiến sĩ Dicks mới được gia đình công bố. Cuộc nói chuyện giữa Dicks và Hess tiến triển rất tốt, Dicks bị ấn tượng bởi sự ngưỡng mộ của Hess và Hitler đối với người Anh, mặc dù Đức đang giành thế chủ động trong cuộc chiến vào thời điểm đó. "Tôi tin rằng họ (Đức Quốc xã) đang cố gắng khiến chúng ta lo sợ nhưng chính họ lại sợ hãi chúng ta. Họ đã luôn luôn ghen tị với chúng ta và bắt chước chúng ta trong cách sống, ăn mặc...”.

 Adolf Hitler (trái) và Rudolf Hess. Ảnh: BBC

Sứ giả hòa bình?

Dicks nghĩ rằng, Hess dành một tình cảm rất lớn cho người Anh và đó có thể là lý do tại sao Hess một mình bay đến Scotland vào ngày 10-5-1941, để thực hiện những gì mà y cho là một sứ mệnh hòa bình. Hitler không biết về những gì Hess đã cố gắng làm và Đức Quốc xã sớm tuyên bố rằng, Hess bị mất trí.

Một số nhà sử học tin rằng, Hess luôn cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận với Anh theo lệnh của Hitler để Đức – đang dự tính xâm lược Liên Xô - sẽ không phải chiến đấu trên cả hai mặt trận. Và cơ hội tiếp cận Hess đã cho Anh một cơ hội để biết được những dự định của ban lãnh đạo Đức Quốc xã. Sau khi đến Scotland, Hess rất tức giận khi bị giam giữ như một tù nhân thay vì được đối xử như một sứ giả hòa bình. Y yêu cầu được gặp một quan chức cao cấp của Anh và cuối cùng chính phủ đồng ý. John Simon được cử đến gặp Hess ngày 10-6-1941. Dicks cho biết, Hess đã rất căng thẳng trước cuộc gặp và trong vô thức có cảm giác mặc cảm với người Anh. Sau khi Simon từ chối đề nghị về một thỏa thuận của Hess, Dicks lo lắng bệnh nhân của ông có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Nỗi sợ của ông là đúng.

Vài ngày sau đó, Hess đã cố gắng tự tử bằng cách nhảy qua lan can cầu thang trong tòa nhà nơi y bị giữ. Hess yêu cầu được gặp Dicks vào sáng hôm đó và sau khi Dicks xuất hiện, y chạy về phía ông, nhảy qua lan can. Hess may mắn sống sót. Lòng sùng kính với Hitler là lý do tại sao Hess có được một vị trí cao trong Đức Quốc xã. Vì thế, Dicks và các bác sĩ tâm thần khác muốn hình thành một chiến lược để ngăn chặn hiện tượng Đức Quốc xã hóa trong người Đức. “Giáo dục lại” là một ý tưởng mà Dicks đưa ra cuối cùng trước khi bàn giao trường hợp của Hess cho một đồng nghiệp khác vào ngày 15-7-1941. “Từ những tuyên bố của Hess với các quan chức khác được ghi lại trong các báo cáo của sĩ quan tình báo Foley, có vẻ như rõ ràng rằng sự ngưỡng mộ trong vô thức của Hess đối với nước Anh ngày càng được thể hiện rõ", ông viết.

Kết cục bi thảm

Tiến sĩ Jessica Reinisch ở Đại học London cho rằng, có thể giải phóng Hess khỏi nỗi ám ảnh của Hitler.

Năm 1942, Hess bị chuyển đến bệnh viện Tòa án quân sự Maindiff ở Abergavenny, nơi y đã ở đó cho đến khi Thế chiến II kết thúc. Cùng với một số tay chân khác trong đế chế Hitler, Hess phải ra trước Tòa án Nuremberg. Y đã phải nhận bản án tù chung thân cho những tội ác mình gây ra trong chiến tranh. Nhiều người vào thời điểm đó cho rằng, Hess là một bệnh nhân tâm thần và không thích hợp để đưa ra xét xử. Thậm chí, Thủ tướng Anh Winston Churchill sau này cũng thừa nhận rằng ông đã coi Hess là một bệnh nhân chứ không phải là một tội phạm. Đến năm 1966, trong khi những kẻ tay chân được thả tự do, Hess vẫn bị giam giữ và trở thành tù nhân duy nhất trong suốt 8 năm tại trại giam Spandau, một nhà tù quân đội của các nước Đồng minh dùng để giam giữ những tên phát-xít là tội phạm chiến tranh tại Berlin, Đức.

Hess đã chết trong nhà tù Spandau năm 1987, khi ở tuổi 93. Nguyên nhân chính thức được cho là tự tử. Tuy nhiên, xung quanh cái chết của y vẫn còn rất nhiều nghi vấn. Một báo cáo giải mật lần đầu tiên được công bố mới đây đã đưa ra kết luận “động trời”: Hess đã bị chính MI6 sát hại vì lo ngại sẽ tiết lộ nhiều thông tin mật liên quan đến "thỏa thuận" đáng xấu hổ của y với chính quyền của Thủ tướng Anh Churchill trước đây.

An Bình (Theo BBC)