Nỗ lực có được đền đáp?

Thứ sáu, 19/06/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-6, Hạ viện Mỹ phủ quyết dự luật yêu cầu Nhà Trắng phải rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Iraq và Syria trong vòng 1 tháng, động thái cho thấy, cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Tổng thống Barack Obama đang nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Nhà Trắng và Quốc hội trong thời gian qua vẫn tranh cãi gay gắt quanh vấn đề này. Bởi nếu được thông qua, Nhà Trắng buộc phải ra lệnh rút hết binh sĩ khỏi Iraq trong vòng 30 ngày, hoặc trước cuối năm 2015 nếu  Tổng thống Obama cho rằng, khung thời gian 30 ngày để rút quân là không an toàn. Kết cục này chắc chắn không an toàn cho nước Mỹ, theo như nhận định của ông chủ Nhà Trắng, bởi lúc này nhóm khủng bố cực đoan IS đang nổi lên và hoành hành dữ dội khắp Iraq và Syria trong khi Lầu Năm Góc bị hạn chế sử dụng sức mạnh quân sự để truy quét IS.

Hiện nay, theo nhận định của Lầu Năm Góc, IS đang đứng trước cảnh cửa mở rộng quyền kiểm soát sang Afghanistan trong bối cảnh Taliban vẫn đang trên đà tìm đường phục hồi quyền lực tại quốc gia Tây Nam Á bị chiến tranh tàn phá này. Chính quyền Kabul và liên minh quân sự quốc tế do Mỹ đứng đầu thật sự rất lo ngại trước đà tiến công của IS sau khi tổ chức này liên tục giành được những chiến thắng lớn, giành quyền kiểm soát các khu vực trọng yếu ở Syria và Iraq bất chấp các cuộc không kích của Mỹ và liên quân.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu bắt đầu mở các cuộc không kích nhằm vào IS từ tháng 8-2014. Cho đến nay, người ta vẫn tranh luận gay gắt quanh kết quả chiến hay bại trong cuộc chiến này của Mỹ trước IS. Ngay ở trong lòng nước Mỹ, các nghị sĩ nước này vẫn chưa tranh luận và bỏ phiếu về một dự luật nào liên quan đến quyền hạn của chính quyền Tổng thống Obama đối với cuộc chiến này. Tâm lý lo ngại tại Quốc hội về sứ mệnh chống IS càng lên cao khi hồi đầu tháng này, ông chủ Nhà Trắng ra lệnh tăng cường 450 binh sĩ huấn luyện và cố vấn quân sự Mỹ tới Iraq để hỗ trợ các lực lượng của quốc gia Trung Đông này đảo ngược tình thế trên thực địa.

Cho đến nay, bất chấp nỗ lực của Mỹ, chiến trường ở Iraq và Syria vẫn mịt mù. IS vẫn kiểm soát những khu vực trọng yếu trong khi quân đội Iraq đang yếu dần. Cuộc chiến ở hai quốc gia này đẩy hàng triệu người phải sống trong cảnh tị nạn. Và lo ngại tăng cao khi có nguồn tin cho biết, các thành viên IS có vũ trang cũng đang tiếp cận ngày một sát đường biên giới nhằm tìm cách chặn dòng người chạy trốn.

Thanh Văn