Nỗ lực ngoại giao con thoi hạ nhiệt khủng hoảng Ukraine

Thứ hai, 21/02/2022 09:11

Các bên liên quan vẫn đang chạy đua với những nỗ lực ngoại giao để có thể từng bước hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn đang diễn biến nóng lên từng ngày.

Người dân Kiev tham gia lớp tập huấn sử dụng súng trường ngày 13-2.

Chạy đua vì Ukraine

Tổng thống Joe Biden bắt đầu triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia trong ngày 20-2 để thảo luận về tình hình tại Ukraine.

Người phát ngôn Nhà Trắng (Mỹ) Jen Psaki cho biết, Tổng thống Biden tiếp tục theo dõi diễn biến tại Ukraine và những thông tin trên thực địa được Hội đồng An ninh Quốc gia cập nhật thường xuyên. Theo Nhà Trắng, ông Biden đã nhận được các thông tin từ các cuộc họp tại Hội nghị an ninh Munich (Đức), trong đó có các cuộc họp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken vào ngày 24-2 tới. Trước đó, theo thông tin từ Nhà Trắng, cuộc gặp này được lên kế hoạch vào ngày 23-2. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh sẽ nỗ lực tìm kiếm biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình liên quan Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã có cuộc điện đàm khẩn cấp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về các biện pháp làm giảm leo thang căng thẳng nhanh chóng cũng như giải quyết các vấn đề chính trị-ngoại giao ở miền Đông Ukraine. Tại cuộc điện đàm, ông Zelenskiy khẳng định sẵn sàng đối thoại với Moscow.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 20-2 thông báo Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã nhất trí hợp tác nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng liên quan đến Ukraine. Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị an ninh Munich, ông Hayashi cũng kêu gọi thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Về phần mình, ông Stoltenberg khẳng định Nhật Bản là một đối tác quan trọng của NATO trong nhiều lĩnh vực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo không nên phỏng đoán hoặc giả định các quyết định của Nga đối với Ukraine sau khi Mỹ cảnh báo về một cuộc "tấn công" sắp xảy ra. Bộ trưởng Baerbock phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich: "Chúng ta vẫn chưa biết liệu một cuộc tấn công đã được quyết định hay chưa. Lời kêu gọi khẩn cấp của tôi đối với tất cả chúng ta là hãy xem xét kỹ lưỡng các vụ việc trên thực tế, đồng thời cảnh báo nguy cơ "thông tin sai lệch có mục đích".

Trả lời câu hỏi liệu Đức có chia sẻ nhận định của Tổng thống Mỹ Joe Biden hay không, Bộ trưởng Baerbock nói: "Trong các tình huống khủng hoảng, việc làm không phù hợp nhất là phỏng đoán hoặc giả định". Trước đó, ngày 18-2, ông Biden cho biết ông "tin chắc" Tổng thống Nga Vladimir Putin đã "đưa ra quyết định" tấn công Ukraine trong những ngày tới, làm dấy lên lo ngại một cuộc xung đột lớn có thể nổ ra ở châu Âu.

Hy vọng cho hòa bình?

Tình trạng căng thẳng ở miền Đông Ukraine đã bùng nổ trong tuần này khi xảy ra hàng trăm vụ vi phạm lệnh ngừng bắn Minsk. Các nhà quan sát tin rằng, Mỹ là bên hưởng lợi chính từ cuộc xung đột và họ cần kéo Nga vào cuộc.

Ông Alexander Clackson, người sáng lập tổ chức cố vấn chiến lược Global Poli Insight, có trụ sở tại Anh, tin tưởng rằng mối ưu tiên của Mỹ và một số nước phương Tây khác là biến Nga trở thành kẻ xâm lược chính trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngay từ đầu. Ông Clackson giải thích việc lôi kéo Nga vào cuộc xung đột sẽ có lợi cho Mỹ vì điều này sẽ cho phép Washington áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Nga và cô lập đất nước này trong mắt cộng đồng quốc tế. Điều này cũng sẽ cho phép Washington giành được thị phần của Nga trong thị trường năng lượng châu Âu, cũng như gia tăng nhu cầu mua vũ khí của Mỹ.

Chủ tịch tổ chức tư vấn Tầm nhìn và Xu hướng Toàn cầu có trụ sở tại Rome, ông Tiberio Graziani cho hay lợi ích của các quốc gia châu Âu không phải là mối quan tâm đặc biệt đối với Washington. Về mặt khách quan, các quốc gia châu Âu đang phụ thuộc Mỹ về quân sự (thông qua NATO) và chính trị, bất chấp sức mạnh riêng về kinh tế và công nghiệp của họ. Nhà quan sát người Italia nhận định Mỹ và phương Tây đặc biệt không muốn nhượng bộ Nga, đặc biệt là về khả năng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine. Nhà quan sát lập luận rằng phương Tây không muốn bị coi là đồng ý với bất kỳ yêu cầu nào của Nga vì lý do này.

Đối với cuộc xung đột Donbass và hy vọng tránh được những hành động chiến tranh toàn diện thông qua các Hiệp định Minsk, chuyên gia Graziani nhận xét Mỹ và các đồng minh chưa bao giờ tin tưởng vào thỏa thuận hòa bình trên. Với chiến lược được cho là bắt chước từ "split et impera" (phân chia và cai trị) của người La Mã, Washington không muốn các bên đạt được thỏa thuận là để họ xây dựng các "vòng khủng hoảng" ở nhiều khu vực khác nhau trên hành tinh nhằm duy trì quyền bá chủ thế giới. Tuy nhiên, ông  Graziani tin mục đích của Washington đang bị đe dọa bởi sự kiên cường của Nga và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ngoài ra, chuyên gia này cáo buộc phương Tây đã cố tình che đậy thảm họa nhân đạo ở Donbass bởi vì mục đích chính của họ - do Mỹ dẫn đầu - là tạo ra càng nhiều rắc rối cho Nga càng tốt, thông qua một loạt các hành động.

KHẢ ANH

>> Những ngòi nổ âm ỉ gây căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine

>> Nga rút thêm binh sĩ và xe quân sự khỏi khu vực giáp biên giới Ukraine

>> Ai sẽ "tháo ngòi nổ" căng thẳng Nga và phương Tây?