Nỗ lực thu hút đầu tư trong và ngoài nước

Thứ hai, 11/10/2021 10:42

Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 đã gây rất nhiều khó khăn, trở ngại cho các hoạt động phát triển kinh tế nói chung, thu hút đầu tư trong và ngoài nước nói riêng của TP Đà Nẵng.

Thu hút đầu tư trong và ngoài nước từ đầu năm đến nay của TP Đà Nẵng đạt kết quả tích cực. Trong ảnh: khởi công dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng (100% vốn của Nhật Bản) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng vào đầu tháng 10-2021.

Nhằm đảm bảo mục tiêu “kép” vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh vừa ổn định và phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt chủ trương của TP chọn năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và phát triển kinh tế”, trong thời gian qua, TP và các sở, ban, ngành hữu quan đã có nhiều nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Theo bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng: TP tiếp tục ban hành thêm các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, cải cách hành chính rút ngắn thủ tục cấp chứng nhận đầu tư...

Nhằm định hướng và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt nhanh cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng, UBND TP cũng đã ban hành Quyết định số 641/QĐ-UBND phê duyệt danh mục cụ thể 57 dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2025; Công văn số 950/UBND-SKHĐT chỉ đạo các sở, ban, ngành hữu quan rút ngắn thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án còn 5 - 7 ngày; Quyết định số 509/QĐ-UBND và Quyết định số 180/QĐ-UBND về việc thành lập 2 tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư xây dựng, đất đai, quy hoạch...

Bên cạnh đó, để khắc phục việc không thể đi lại, tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước để vận động và xúc tiến đầu tư do phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dich bệnh, nhiều sở, ban, ngành đã chủ động, sáng tạo thay đổi cách tiếp cận nhà đầu tư, chuyển sang phương thức xúc tiến thu hút đầu tư trực tuyến, thu hút đầu tư tại chỗ (vận động các doanh nghiêp trong và ngoài nước hiện đang hoạt động trên địa bàn TP tiếp tục mở rộng quy mô dự án hoặc đầu tư thêm dự án mới). Đơn cử, từ đầu năm đến nay, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã chủ động tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài qua hình thức trực tuyến đến các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thái Lan...; đồng thời tích cực tham gia các hội nghị trực tuyến về thu hút đầu tư nước ngoài do các bộ, ngành Trung ương tổ chức.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 9-2021, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã tham gia Hội thảo trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam – Nhật Bản” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản - JETRO tại Hà Nội, Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức. Tại hội thảo, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của TP đến các nhà đầu tư Nhật Bản và cho biết hiện nay cũng như trong thời gian đến, TP tiếp tục ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao, y tế, giáo dục, du lịch, bất động sản...

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết thêm: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc đi lại vận động, xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước. Cho nên, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã chủ động triển khai các giải pháp tiên tiến và hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là công tác xúc tiến đầu tư trực tuyến, xúc tiến thu hút đầu tư tại chỗ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu, quyết định đầu tư vào Đà Nẵng hoặc tiếp tục mở rộng đầu tư, triển khai thêm các dự án mới.

Đại diện Cty TNHH Fujikin Đà Nẵng (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) – chủ đầu tư Dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, chia sẻ: Do dịch COVID-19 nên chủ đầu tư dự án này không thể trực tiếp sang Đà Nẵng để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, thông qua hình thức xúc tiến đầu tư trực tuyến, công tác nghiên cứu, đánh giá, phân tích cơ hội đầu tư cũng như lập hồ sơ xin cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, triển khai dự án trên của chủ đầu tư này vẫn diễn ra theo kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng được Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 2-2021, khởi công xây dựng vào ngày 5-10 vừa qua và dự kiến hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động trong tháng 6-2022. Trung tâm này chuyên nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực robot, thiết bị bay không người lái, thiết bị năng lượng hydro, thiết bị nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hệ thống lọc nước, hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới, thiết bị y tế...

Với những nỗ lực trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước, kết quả thu hút đầu tư của TP trong 9 tháng đầu năm nay rất đáng khích lệ. TP đã cấp chứng nhận đầu tư cho 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 2.370 tỷ đồng; 29 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư gần 150 triệu USD và 15 dự án đầu tư nước ngoài khác tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư tăng thêm hơn 10 triệu USD.

PHÚ NAM

Doanh nghiệp Đà Nẵng cần tuyển 5.000 lao động trong trạng thái “bình thường mới”

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng vừa cho biết: sau một thời gian dài tạm ngưng hoạt động để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hiện các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã dần trở lại hoạt động, sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đăng ký tuyển dụng lại lao động với nhiều vị trí như: lao động phổ thông, nhân viên văn phòng, lập trình viên, công nhân...

Theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn An, hiện nay các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 lao động mới để đáp ứng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sở đã có các thông báo tuyển dụng cho các doanh nghiệp để kết nối với người lao động trên các trang web tuyển dụng của thành phố và tại Trung tâm dịch vụ việc làm của đơn vị, nhằm giúp người lao động sớm nắm bắt thông tin để tìm kiếm, lựa chọn việc làm thuận lợi hơn. Nhưng hiện nay mới có khoảng hơn 800 lao động đăng ký tìm việc, chưa đáp ứng được nhu cầu. Sự thiếu hụt lao động là do đợt dịch vừa qua đã có khoảng hơn 20.000 lao động về quê tránh dịch và chỉ mới có một số ít quay trở lại làm việc. Theo ông An, nhiều lao động chưa trở lại làm việc có các nguyên nhân từ gia đình, vấn đề thủ tục khi quay trở lại làm việc chưa được thuận lợi...

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã chủ động đăng tải các thông tin tuyển dụng trên trang web của doanh nghiệp với nhiều hoạt động hỗ trợ, ưu đãi cho người lao động nhằm khuyến khích người lao động nhanh chóng trở lại làm việc như Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) đã có các chính sách hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR trước khi vào làm tại Tổng Công ty; được hưởng các mức hỗ trợ nhà trọ, hỗ trợ con đi trẻ, được hưởng tháng lương thứ 13...

Ông Lê Văn Học ở tỉnh Quảng Nam hiện là chủ thầu đang xây dựng hai công trình nhà ở tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết, sau khi thành phố Đà Nẵng từng bước khống chế được dịch COVID-19, chính quyền thành phố đã tạo điều kiện cho công nhân xây dựng ở các tỉnh, thành vùng xanh được vào thành phố để làm việc; giúp bổ sung nguồn lao động và người lao động được đi làm để có thu nhập, kéo theo các hoạt động của các ngành vận chuyển, xây dựng sớm trở lại bình thường. Các công nhân lao động tại công trình đều tuân thủ các quy định phòng dịch của thành phố.

Hiện nay, chính quyền thành phố Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động các tỉnh, thành được quay trở lại đây làm việc.

T.T