Nỗ lực tìm kiếm 8 thuyền viên mất tích sau vụ tai nạn ở Khánh Hòa: Thời gian càng dài, hy vọng càng ít

Thứ sáu, 14/11/2014 10:58

* Điều thêm tàu SAR 274 từ Đà Nẵng hỗ trợ tìm kiếm

* Nhiều khả năng 8 thủy thủ mắc kẹt trong tàu l Khó thực hiện việc lặn tìm dưới đáy biển

(Cadn.com.vn) - Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã đưa tin, ngày 9-11, tại vùng biển ngoài khơi TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) xảy ra vụ tai nạn hàng hải giữa tàu Phúc Xuân 68 thuộc Cty TNHH vận tải biển Hoàng Hải (Thái Bình) và tàu vận tải Nam Vỹ 69 thuộc Cty CP Nam Vỹ Anh (Hải Dương). Vụ tai nạn làm tàu Phúc Xuân 68 chìm ngay sau 2 phút, trên tàu có 11 người và chỉ mới cứu được 3 thuyền viên. Sau 5 ngày tìm kiếm, hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích của 8 thuyền viên còn lại. Thời gian trôi, hy vọng về sự sống ngày càng mong manh, nếu không muốn nói là không còn. Thân nhân các thuyền viên cũng đã xác định tư tưởng cho trường hợp xấu nhất, nhưng nếu thi thể những người mất tích còn nằm lại trong tàu thì chuyện trục vớt cũng khó có thể thực hiện được vì vị trí tàu chìm có độ sâu đến hơn 80m.

Lực lượng TKCN tổ chức tìm kiếm các nạn nhân tại khu vực xảy ra tai nạn.

HY VỌNG MONG MANH

Thời tiết Khánh Hòa những ngày này thất thường, khi nắng, lúc mưa, biển luôn luôn ầm ào sóng lớn càng khiến cho công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Trung tâm phối hợp TKCN Khu vực IV cho biết: “Những ngày qua, lực lượng của Trung tâm đã làm việc liên tục, không kể ngày đêm để TKCN. Sau khi tìm kiếm tại khu vực tàu bị nạn và ven bờ tỉnh Khánh Hòa không có kết quả, chúng tôi đã chuyển khu vực tìm kiếm sang vùng biển thuộc tỉnh Ninh Thuận, vì dòng hải lưu ở khu vực này xuôi về phía Nam. Lực lượng của Trung tâm xác định sẽ làm hết sức mình để có thể tìm thấy những người bị nạn”.

Sau 5 ngày tìm kiếm, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ tìm thấy những đồ dùng sinh hoạt, phao bè, phao tròn... của tàu Phúc Xuân 68 chứ những dấu hiệu, tung tích của 8 thuyền viên chỉ là con số không. Trong chuyến đi cùng tàu cứu nạn SAR 27 - 01 của Trung tâm TKCN khu vực IV ra hiện trường, chúng tôi lặng người khi nhìn thấy những chiếc phao bè của tàu Phúc Xuân 68. Trên đó đầy đủ lương thực, thuốc men, nước uống... nhưng chẳng ai kịp bám vào. Khi thấy tàu Phúc Xuân 68 chìm nhanh, thuyền viên của tàu Nam Vỹ 69 đã ném tất cả 13 phao tròn, 1 phao bè và rất nhiều áo phao trên tàu mình để nếu có thuyền viên của tàu Phúc Xuân 68 nhảy ra khỏi tàu thì có cái bám vào. Nhưng qua lời kể của Đại phó Mai Văn Hoàng (tàu Nam Vỹ 69) khi đó đang quan sát ở mũi tàu thì “chỉ thấy có 3 người kịp nhảy ra khỏi tàu”. 3 người đó là Nguyễn Văn Hậu (1983, quê Thanh Hóa - sĩ quan radio), Hà Hồng Thái (1977, quê Thái Bình - máy trưởng) và Lê Xuân Rự (1964, quê Thái Bình - thủy thủ) được tàu Nam Vỹ 69 cứu ngay  sau đó.

Tàu Phúc Xuân 68 có tải trọng 1.970 tấn nên khi chìm tạo ra một lực hút rất lớn. Theo anh Trần Văn Hải - thuyền trưởng tàu Nam Vỹ 69 cho biết, “lực hút ấy rất mạnh, kéo cả một phần mũi tàu chúng tôi xuống”. Còn thủy thủ Lê Xuân Rự - một trong 3 người may mắn sống sót cho biết: “Khi nhảy xuống nước, lực hút theo tàu dìm tôi xuống sâu 4-5m nước, sau đó nhờ lực nổi của chiếc phao kéo ngược tôi lên tôi mới may mắn sống sót”. Trong lịch sử ngành Hàng hải Việt Nam, trường hợp sống sót lâu nhất sau khi bị rơi xuống biển là trường hợp của anh Nguyễn Ân Quang (thủy thủ tàu Phú Tân, bị chìm trên vùng biển tỉnh Hà Tĩnh tháng 12-2010). Anh Quang được tàu cứu hộ tìm thấy trong tình trạng kiệt sức sau 3 ngày trôi dạt.

Kể những câu chuyện trên để thấy, thời gian càng trôi qua, hy vọng về sự sống của 8 thuyền viên mất tích lại càng trở nên mong manh. Ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Giám đốc Trung tâm phối hợp TKCN Việt Nam cho biết: “Thời gian càng dài, hy vọng càng ngắn lại, nhưng dù có thế nào chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện việc TKCN hết khả năng có thể”. Thông tin mới nhất, Trung tâm phối hợp TKCN Việt Nam đã điều thêm 1 tàu cứu nạn SAR 274 từ Trung tâm TKCN Khu vực II (đóng tại Đà Nẵng) vào tăng cường việc tìm kiếm.

Nguyễn Đức Loan (em ruột thuyền trưởng Nguyễn Đức Khoa) bàn với các thân nhân thuyền viên khác về phương án tìm kiếm, trục vớt thi thể người thân.

NẾU CHẾT CŨNG PHẢI TÌM THẤY XÁC!

Trước đó, thân nhân của 8 thuyền viên mất tích đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm các khu vực ven bờ như bãi Dài, hòn Nội, hòn Ngoại... trên vùng biển Nha Trang. Chuyến đầu tiên 9 tiếng, chuyến thứ 2 kéo dài 6 tiếng... nhưng vẫn không tìm thấy dấu hiệu nào của người thân.

Theo nhận định của nhiều người, cũng như chắp nối những gì các nhân chứng kể lại, rất có thể 8 thủy thủ của tàu Phúc Xuân 68 không kịp nhảy ra ngoài khi tàu gặp nạn nên đã chìm theo tàu xuống đáy biển. Trong cuộc họp chiều 12-11, anh Nguyễn Đức Loan (em ruột của thuyền trưởng Nguyễn Đức Khoa - tàu Phúc Xuân 68) đã đề nghị cơ quan chức năng cho lặn tìm, trục vớt thi thể còn nằm trong tàu. Anh Phạm Minh Khang, thân nhân của 2 thuyền viên Phạm Văn Hội, Phạm Văn Nhân cũng chia sẻ: “Bây giờ chúng tôi không hy vọng các anh còn sống, chỉ mong tìm cho được xác, rất mong các cấp lãnh đạo xem xét tình huống các thuyền viên còn mắc kẹt dưới tàu. Anh em chúng tôi vào đây tìm kiếm trong vô vọng thế này thì biết ăn nói thế nào với cả trăm thân nhân đang mong chờ tin tức ở quê”.

Tuy nhiên, mực nước tại địa điểm tàu Phúc Xuân 68 bị chìm được đo bởi tàu SAR 27 – 01 sâu đến hơn 80m, các khu vực xung quanh đến gần 100m, vì thế phương án lặn tìm, trục vớt thi thể dưới nước rất khó có thể thực hiện, nếu không muốn nói là không thể vì Việt Nam không đủ điều kiện  thực hiện.

Chia sẻ với chúng tôi về nỗi đau mất người thân, anh Nguyễn Bá Khanh (anh ruột của thợ máy Nguyễn Bá Kha) nghẹn ngào: “Tôi cũng là người trong nghề, cũng từng đi biển, hiện đã lên bờ làm công tác khác. Rạng sáng hôm đó có người bạn đi tàu ngang qua khu vực này gọi điện cho tôi báo tàu Phúc Xuân 68 bị chìm. Tôi vội bỏ dở công việc ở TPHCM để bay ra Nha Trang tìm kiếm em tôi. Kể cả xác định trường hợp xấu nhất là em tôi không còn thì nguyện vọng của gia đình là tìm thấy thi thể của Kha về an táng”.

Những người như anh Loan, anh Khang, anh Khanh hiện đang là trụ cột tinh thần của hàng trăm con người ở các miền quê Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... đang từng giờ, từng phút trông ngóng những tin tức về 8 thuyền viên mất tích. Còn với chúng tôi và lực lượng TKCN, sau những chuyến ra khơi rồi lại trở về trong thất vọng, lòng ai cũng buồn. Nhưng, nói như ông Nguyễn Anh Vũ,  “dù thế nào chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện việc TKCN hết khả năng có thể”.

Hà Anh

8 thuyền viên tàu QNg 55985 TS đã lên tàu SAR 412

(Cadn.com.vn) - 16 giờ ngày 12-11-2014 Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Khu vực II  nhận được thông tin từ tàu QNg 55985 TS do Ông Nguyễn Văn Leo làm Chủ tàu kiêm Thuyền trưởng báo: Trên hành trình từ ngư trường vào bờ, tàu bị gãy bánh lái, không khắc phục được, trên tàu có 8 thuyền viên và tàu rơi vào tình trạng thả trôi từ 5 giờ ngày 11-11 tại vị trí 15053 N - 113057 E; kêu gọi các tàu gần khu vực đến hỗ trợ nhưng không có tàu nào, đề nghị cứu nạn khẩn cấp. Ngay sau khi nhận được thông tin, Danang MRCC đã kêu gọi tàu thuyền gần khu vực tìm biện pháp hỗ trợ tàu bị nạn, đồng thời báo cáo cho Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam và đề xuất cho tàu SAR 412 đi cứu nạn. Nhận tin báo, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo Cục trưởng CHHVN Nguyễn Nhật - Tổng Giám đốc Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam điều động khẩn cấp tàu SAR 412 từ Đà Nẵng đi cứu nạn. Sau gần 18 giờ, tàu SAR 412 đã tiếp cận tàu QNg 55985TS tại vị trí 15028 N - 112034 E, cách Đà Nẵng 260 hải lý lúc 15 giờ 45 ngày 13-11. Dự kiến, 20 giờ hôm nay, tàu SART 412 sẽ đưa ngư dân vào đất liền.

Thanh Phong