Nỗi ám ảnh ma lai, thuốc thư (3)
* Bài cuối: ĐI TÌM LỜI GIẢI
(Cadn.com.vn) - Từ những sự trùng hợp ngẫu nhiên trong cuộc sống bị các thầy mo, thầy cúng thần bí hóa, ma lai, thuốc thư đã trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ đối với người dân ở các bản làng vùng núi rừng Tây Nguyên. dân làng với những "quyền lực cao siêu vô hình". Qua những buổi kiểm điểm trước dân làng cũng như làm việc với chính quyền địa phương, những thầy mo đều thừa nhận không có thuốc thư, ma lai mà họ đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hủ tục để lừa bịp, trục lợi cá nhân…
Thầy mo... mò ra thuốc thư!
Khi chúng tôi trở lại, làng Đăk Yă (Mang Yang, Gia Lai) đã bình yên sau cơn mê muội về ma lai, thuốc thư vì người dân đã hiểu rõ trò lừa bịp của nhiều thầy mo, thầy cúng và sự cả tin đến mù quáng của mình. Thế nhưng, đám thanh niên, người già trong làng đi qua ngôi nhà bỏ hoang 4 năm nay của Kel cùng cha ruột là ông Hnhiêu vẫn không ai dám nhìn vào. Không phải vì sợ con ma lai, thuốc thư tiếp tục làm hại họ mà bởi sự xấu hổ, sự ăn năn khi đám thanh niên đã đánh chết Kel, ông Hnhiêu tại khu rẫy Đăk Ram. Nhớ lại, anh H'Lây - Trưởng CAX Đăk Yă cứ đăm chiêu nhìn ra xa: "Đó một phần từ mấy ông thầy bói, thầy cúng và sự cả tin của người dân làng. Cứ đau ốm là thầy mo phán bị thư và sau một hồi rờ mó, họ lấy trong người bệnh ra mảnh chai, rồi sỏi, rồi các thứ linh tinh. Nhưng làm gì có, họ chỉ lừa bịp thôi, dân mình kém hiểu biết thì mới tin thôi".
Thầy mo Alem (làng Wet, xã Chư Jô, H. Chư Păh) thừa nhận hành vi lừa bịp của mình. |
Để tìm lời giải về ma lai, thuốc thư, chúng tôi đến nhà những thầy mo, thầy cúng - những người tự cho rằng mình có thể chữa trị được thuốc thư. Người đầu tiên là thầy mo Wung (trú làng Trook, xã Đăk Yă, H. Mang Yang), được nhiều người khẳng định là có thể chữa bệnh cho những ai bị "dính" ma lai, thuốc thư. Thế nhưng, sự thực thì Cơ quan CAH Mang Yang đã vạch trần chân tướng của thầy mo này. Thì ra, chỉ cần giấu mảnh sành, hạt sỏi, miếng cao su hay mẩu xương cá vào kẽ chân, sau một hồi vuốt ve người con bệnh bị "dính" thuốc thư, thầy Wung tìm cách làm con bệnh mất tập trung rồi nhét vật mang theo vào ống trúc. Sau khi dọa con bệnh: Ngồi im để tao lấy vật thư trong người mày ra, Wung đặt ống trúc vào vị trí mà con bệnh bị đau hút ra... viên sỏi, mẩu xương cá...
Thầy mo H'Nheo cũng không biết ma lai, thuốc thư là gì. |
Tiếp đến là thầy mo H'Nheo (trú làng Đăk Trôk, xã Đăk Yă) cũng được đồn đại chuyên giải thuốc thư cũng thổ lộ "bài chữa thuốc thư" của mình: "Mình có biết thuốc thư là gì đâu. Dân làng ai đến nhờ cúng thì mình cúng thôi. Mỗi lần cúng xong, mình cho người ốm uống một cốc nước và ăn một quả trứng luộc, có người thì khỏi, có người không".
Kher (làng Jơ Long, xã Hra, H. Mang Yang) phải xin ở tạm tại trụ sở UBND xã vì sợ bị dân làng đánh chết. |
Giữa tháng 2-2013, tại làng Wet, xã Chư Jô (H. Chư Păh) xảy ra vụ việc liên quan đến thầy mo Alem lừa người dân để trục lợi. Bởi trước đó, AYam (1990), Siu Tuân (1989) và 6 người khác cùng trú xã Chư Jô ngồi uống rượu. Tối đến, Tuân bị đau bụng dữ dội nên bà Siu Hnhơr (mẹ của Tuân) cho rằng Ayam đã bỏ thuốc thư con bà. Bà HNhơr đã huy động một số người trong làng kéo đến đập nhà và buộc gia đình Ayam phải thừa nhận mình bỏ thuốc thư Siu Tuân, phải viết cam kết bồi thường 12 triệu đồng. Để chứng minh con mình bị bỏ thuốc thư, bà HNhơr đã đưa Tuân đến thầy mo Alem. Sau này Tuân kể lại: "Bà Alem thấy mình đau bụng nên bảo mình bị bỏ thuốc thư rồi. Sau một hồi sờ mó, bà Alem lấy ống trúc hút vào bụng mình rồi lấy ra một viên sỏi và bảo đó là thuốc thư!". Dù đã được lấy "thư" ra khỏi người nhưng Tuân vẫn không hết đau. CAH Chư Păh đã phải vận động gia đình đưa Siu Tuân đến bệnh viện khám, siêu âm và được bác sĩ kết luận Tuân bị phù nề dạ dày và sự việc nhanh chóng được làm sáng tỏ. Khi biết mình đã sai, đứng trước dân làng, thầy mo Alem thừa nhận: "Tôi biết việc tôi làm là sai trái, lừa phỉnh bà con, tôi mong bà con dân làng tha thứ cho tôi, tôi hứa từ nay không làm những việc sai trái, lừa phỉnh mọi người nữa". Được giải thích, Siu Tuân cũng nói rõ trước dân làng: "Lúc đầu mình tin lắm, nhưng được các bác sĩ giải thích mình biết rồi, chứ trong bụng mình làm gì có viên sỏi! Bà Alem lừa mình để lấy tiền uống rượu thôi!".
Cần loại bỏ hủ tục
Trò chuyện với Trung tá Nguyễn Minh Hải - Phó trưởng CATP Pleiku về những ngày đêm cùng ăn, cùng ngủ trong một ngôi nhà với các đối tượng bị người dân nghi là có thuốc thư, chúng tôi mới hiểu được những khó khăn trong việc phá bỏ hủ tục này. Ma lai, thuốc thư chỉ là những đồn thổi truyền miệng về một loại phép thuật vô hình nhằm đánh vào tâm lý cả tin và sự thiếu hiểu biết của người dân. Không ai biết hình thù, đặc điểm của nó thế nào, nhưng vì nỗi sợ hãi đã ăn sâu vào tâm trí của những người dân tộc thiểu số Ba Na, Gia Rai nên ai cũng khiếp sợ.
Bằng chứng là sau sự việc xảy ra tại làng Ktu, làng Wâu, dù được chính quyền địa phương vận động, giải thích nhưng một số cán bộ người Ba Na của làng vẫn lo sợ khi bắt tay với đối tượng tự xưng có ma lai thuốc thư, và đó là điều khó khăn nhất trong việc loại bỏ hủ tục này. Trung tá Nguyễn Minh Hải trăn trở: "Để bài trừ dứt điểm hủ tục ma lai, thuốc thư không phải việc có thể giải quyết trong một sớm một chiều mà chúng ta cần phải có sự bền bỉ, kiên trì, không ngừng nâng cao nhận thức cho bà con. Không chỉ có lực lượng CA ngăn chặn, giải quyết kịp thời các vụ việc mà phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các cấp và đoàn thể khác. Nếu cùng làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho bà con hiểu ma lai, thuốc thư chỉ là trò lừa bịp của một số đối tượng thì mới có thể đưa đến kết quả khả quan".
Buổi tuyên truyền loại bỏ ma lai, thuốc thư do CATP Pleiku tổ chức cho người dân xã Chư Á. |
Cùng chung trăn trở này, Đại tá Trần Văn Thọ - Trưởng CAH Mang Yang chia sẻ: Thực tế, mỗi lần nhắc đến chuyện ma lai, thuốc thư thì chính quyền địa phương ở đây lại đau đầu. Dù lực lượng CA, chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền, giải thích, nhưng sự mê tín, quan niệm lạc hậu của người dân đã tạo điều kiện cho nó tồn tại âm ỉ. Cách đây hơn 1 năm, tại làng Jơ Long, xã Hra (H. Mang Yang) cũng xảy ra vụ việc liên quan đến ma lai, thuốc thư. Kher đã bị dân làng đuổi đánh và dọa giết khi cho rằng mình có thuốc thư để ép buộc quan hệ bất chính với các phụ nữ trong làng. Hay cách đây vài tháng, Chưi (1990, trú làng Plei Bông, xã Ayun, H. Mang Yang) bị dân làng phạt vạ hơn 30 triệu đồng vì nghi bỏ thuốc thư chết người trong làng và bị đuổi khỏi làng.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Y tế H. Mang Yang, hiện trên địa bàn có 23 nạn nhân của hủ tục ma lai, thuốc thư đang phải sống trong cảnh bị xa lánh, bị xua đuổi khỏi cộng đồng. Do vậy, để loại bỏ hủ tục này, rất cần sự vào cuộc rốt ráo của các cấp chính quyền, ban, ngành và đoàn thể xã hội, trong đó đặc biệt là nâng cao nhận thức cho các cán bộ cơ sở ở mỗi buôn, làng.
Minh Tân