Nơi ấy Trường Sa (2)

Thứ tư, 08/02/2017 09:35

* Bài 2: Thiêng liêng biển trời Tổ quốc

(Cadn.com.vn) - Trường Sa, Hoàng Sa từ trong lịch sử ngàn đời đã có dấu chân của những ngư dân Việt Nam đánh bắt khai thác sản vật biển; dấu chân của những người lính trong "Hải đội Hoàng Sa" vâng lệnh vua làm nhiệm vụ trên đảo... Nước biển Đông mặn không chỉ bởi muối, mà hòa tan trong đó có cả máu của bao thế hệ cha ông đã hy sinh để bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất đảo Tổ quốc.

Hát cho người ngã xuống...  

Đoàn công tác thăm chúc tết của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và các phóng viên đến điểm đảo cuối cùng trên hành trình tuyến phía bắc ở đảo Sinh Tồn, có dịp thắp hương tưởng niệm trước bia tưởng niệm, ghi công 64 liệt sĩ chiến sĩ trên đảo Gạc Ma trong sự kiện bi hùng ngày 14-3-1988. Bia tưởng niệm được đặt trong khuôn viên chùa đảo Sinh Tồn hướng ra phía biển. Đại đức Thích Minh Huy, trụ trì nhà chùa cho biết, Nhà bia tưởng niệm 64 liệt sĩ đảo Gạc Ma được các tấm lòng thiện tâm cung tiến hoàn thành năm 2016. Trước đó, từ khi phục dựng chùa, nhà chùa cũng đã lập bàn thờ linh vị ghi tên các liệt sĩ để cầu nguyện. Buổi tối đầu tiên trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi đã có một đêm văn nghệ mừng xuân mới ý nghĩa cùng với các chiến sĩ hải quân và các cháu nhỏ là những công dân trẻ của đảo. Mọi người đã hòa nhịp cùng hát vang những khúc tráng ca của biển: Mộ gió, Tổ quốc gọi tên mình, Khúc tráng ca biển... như muốn nói với anh linh các liệt sĩ Gạc Ma, với đất nước, khi Tổ quốc cần mỗi người dân Việt sẵn sàng hi sinh. Các cháu nhi đồng cũng hòa nhịp hát theo với các chú bộ đội bài ca "Em là mầm non của Đảng", như lời hứa của thế hệ tương lai với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, biển đảo quê hương.

Được biết, hàng năm, Ban Liên lạc Hội Cựu binh Trường Sa các địa phương đều tổ chức lễ tưởng niệm, thả vòng hoa trên biển hướng về Trường Sa. Năm 2016, khu di tích tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma mang chủ đề "Những người nằm lại phía chân trời" và biểu tượng Vòng tròn bất tử được xây dựng tại đồi cát rộng 2,5 ha- phía Bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 150 tỉ đồng từ  đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và kiều bào nước ngoài...



Đoàn công tác thắp hương tưởng niệm 64 chiến sĩ đảo Gạc Ma tại bia tưởng niệm
trên đảo Sinh Tồn.

Lớp cha trước lớp con sau...

Trước đó, đoàn công tác do Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn 146, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa dẫn đầu đã dâng hương, viếng mộ nghĩa trang liệt sĩ trên đảo Nam Yết. Nơi đây có 5 liệt sĩ tuổi đôi mươi, quê ở nhiều miền trên dải đất hình chữ S đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ đang yên nghỉ. Những nấm mộ "mãi mãi tuổi hai mươi" nằm lặng lẽ nghe thùy dương và sóng biển rì rào hát ngày đêm, càng tiếp thêm tinh thần cho những đồng đội đang tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng trên đảo. Cũng trên hòn đảo xinh đẹp này, tôi được gặp trung sĩ Nguyễn Thành Công, một chiến sĩ sinh ra trong một gia đình truyền thống, nhiều đời theo binh nghiệp. Ông nội của Công tham gia quân ngũ thời kháng chiến chống Mỹ, từng có thời gian dài chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Cha của Nguyễn Thành Công là Trung tá Nguyễn Trọng Đương, trợ lý xe tăng đảo Sơn Ca. Trải qua 31 năm gắn bó trong quân đội, Trung tá Đương đã có hai lần được công tác ở Trường Sa (lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ  hai từ tháng 7-2016 đến nay). Chính truyền thống gia đình đã hun đúc thêm lý tưởng cách mạng của chàng công dân trẻ Nguyễn Thành Công. Sau khi tốt nghiệp THPT, Công thi vào Học viện Hải quân, nhưng chưa đủ điểm đậu nên quyết định tình nguyện đăng ký thi hành nghĩa vụ quân sự tại Trường Sa để rèn luyện trước khi trở lại sự nghiệp đèn sách. Nguyễn Thành Công tâm sự: "Mặc dù cuộc sống ở Trường Sa còn khó khăn nhưng em rất vinh dự, tự hào vì được góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Trường Sa thân yêu. Mơ ước cháy bỏng và cũng là mục tiêu nhiệm vụ quan trọng của cuộc đời em là thi đỗ vào Học viện Hải quân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự".

Phút chia tay của cha con Thượng tá Vũ Duy Khánh và Vũ Duy Anh trên đảo Sơn Ca.

Đó cũng là câu chuyện của chiến sĩ Vũ Duy Anh quê xã Giao Thịnh (Giao Thủy, Nam Định). Duy Anh đã hun đúc ý chí trở thành người lính hải quân nối nghiệp cha là Thượng tá Vũ Duy Khánh từ khi còn bé. Khi ấy lâu   được gặp bố từ đảo trở về, cậu bé say sưa với những câu chuyện thú vị nơi đảo xa của Tổ quốc mà bố kể. Học hết phổ thông, Vũ Duy Anh viết đơn tình nguyện ra Trường Sa. "Lúc vào quân ngũ, em cố gắng rèn luyện để đủ tiêu chuẩn ra đảo. Cứ nghĩ đến việc sắp được trở thành đồng chí với bố, lòng em thấy lâng lâng, phấn khởi",  Duy Anh chia sẻ cảm giác những ngày đầu vào quân ngũ của mình. Rồi mơ ước ấy đã thành hiện thực khi chàng tân binh Vũ Duy Anh được biên chế ra đúng đảo Sơn Ca làm nghĩa vụ, nơi đồng chí "thượng tá bố" làm Chính trị viên. Mặc dù được ở cùng đơn vị với bố, nhưng Duy Anh luôn giữ ý thức tự lập trong học tập rèn luyện, không ỷ lại. Còn "đồng chí bố" càng thương con càng tỏ ra nghiêm khắc để  con trai rắn rỏi, trưởng thành hơn. Sau một năm ở đảo Sơn Ca, tết vừa rồi, Duy Anh đã hoàn thành nghĩa vụ trên đảo. Càng vui và tự hào khi chàng lính trẻ được kết nạp vào Đảng. Tết này Duy Anh sẽ về đất liền đón Tết cùng mẹ và em gái, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới sẽ nơi quyết định tấm vé cuộc đời, khởi đầu cho giấc mơ binh nghiệp của mình... Giây phút tiễn đưa con trai hoàn thành nghĩa vụ, rời cảng lên tàu về đất liền, Thượng tá Vũ Duy Khánh ôm chặt con, cố nén những giọt nước mắt xúc động, động viên con trai hướng đến những nhiệm vụ mới lớn lao hơn...

Các cháu thiếu nhi đảo Sinh Tồn cùng hát với chiến sĩ hải quân
trong đêm văn nghệ mừng Xuân.

Ký: Trần Quới
(còn nữa)