Nơi các anh nằm lại

Thứ bảy, 22/12/2018 16:00

Từ nhiều tháng nay, khu vực bờ đập Ông Đà xã Quế Trung (Nông Sơn, Quảng Nam) sôi động hẳn lên khi đón nhiều CCB đến thắp hương các liệt sĩ Trung đoàn 31 (Sư đoàn 2) anh dũng hy sinh trong trận đánh giải phóng Trung Phước.

Bia đá khắc tên các liệt sĩ Trung đoàn được đưa về khu tưởng niệm trước khi được áp tường.

Trung đoàn 31 tiền thân là Trung đoàn 44 (đơn vị 2 lần Anh hùng LLVTND) được thành lập tháng 1-1946 chiến đấu trên nhiều chiến trường trong nước và làm nhiệm vụ quốc tế. Tháng 10-1966, trong đội hình Sư đoàn 2, Quân khu 5, Trung đoàn được giao nhiệm vụ tiến công, bao vây tiêu diệt cứ điểm Trung Phước, mở rộng vùng giải phóng và hỗ trợ phong trào cách mạng ở địa phương. Để tiêu diệt cụm cứ điểm này, Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn 8 và 9 tập trung lực lượng đánh diệt gọn. Đêm 17-10, toàn đơn vị ào ạt tấn công. Tiểu đoàn 8 nổ súng vào đồi A1 có sở chỉ huy tiểu đoàn Mỹ và một đại đội bảo an ngụy số 708. Bị bất ngờ, sở chỉ huy Mỹ và đại đội bảo an bị tiêu diệt. Sau Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 9 xuất kích  ở đường 104 làm địch chạy cuống cuồng. Vậy là liên tục trong 3 ngày (17 - 19/10/1966) chiến đấu ác liệt, Trung đoàn đã loại khỏi vòng chiến gần 1.000 tên địch, bắn rơi 4 máy bay và giải phóng Trung Phước. Với chiến công này, Trung đoàn đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

CCB Phạm Văn Quyết ở thành phố Hải Dương, nguyên chiến sĩ quân y, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 nhớ như in 3 ngày đêm chiến đấu trên đồi Bà Lẫm. Địch dùng pháo kích chi viện tối đa hòng cố thủ nên anh em bị tổn thất lớn. Từ sau 1975 đến nay, ông luôn vào Quảng Nam tìm đồng đội. Cách đây 3 năm, Ban liên lạc Truyền thống Trung đoàn 31 đã quyên góp và vận động sự hỗ trợ của các địa phương với kinh phí hàng trăm triệu đồng xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ đơn vị ngã xuống ở Hốc Thượng. Nơi chôn cất trước đây là con suối, giờ huyện đã xây dựng đập Ông Đà rộng cả ngàn héc-ta, vì vậy việc vận chuyển vật liệu vô cùng khó khăn. Tất cả đều đưa lên xuồng qua nơi tập kết. Ngày bia tưởng niệm hoàn thành, hơn 100 CCB từ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng và Sư đoàn 2 về đây dự lễ, mừng vui trong nước mắt. Đã đạt được mong ước, nhưng nguyện vọng của các CCB Trung đoàn 31 còn hơn thế nữa. Đó là làm bia đá khắc tên các liệt sĩ, làm tường bao, chỉnh trang khuôn viên, đường xuống bờ đập. Vậy là các CCB tiếp tục huy động 60 triệu đồng, trong đó có 40 triệu đồng từ CCB khu vực Đà Nẵng giao cho địa phương xây dựng công trình. Ngày Đại tá Nguyễn Hữu Chỉnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 và CCB Nguyễn Trấc, Nguyễn Tiến Đãi -  Ban liên lạc Trung đoàn 31 về Nông Sơn bàn giao số tiền cho Hội CCB huyện trang trải kinh phí, ai nấy đều xúc động. Đặc biệt, thời điểm tấm bia khắc tên 140 liệt sĩ Trung đoàn được chuyển bằng xuồng lên khu lưu niệm, mọi người thấy ấm lòng khi bao công sức đã dần hiện diện. Ông Nguyễn Sanh, Chủ tịch Hội CCB Quế Trung là người sát cánh với công trình từ nhiều năm nay, xúc động cho biết: "Từ năm 1985, khi được thông báo về liệt sĩ hy sinh ở Hốc Thượng, nhân dân Quế Trung đã tích cực cùng cơ quan chức năng tìm kiếm hài cốt. Ai cũng thương các anh bộ đội miền Bắc lạ nước lạ cái lần đầu về đây đánh Trung Phước. Khu vực này đồi núi, cây cối rậm rạp, hiểm trở, chiến sĩ dễ lạc hướng nếu không nắm chắc địa hình. Thêm nữa pháo kích địch phản công ác liệt, dồn dập hòng chiếm lại cứ điểm đã mất nên hài cốt liệt sĩ khó còn nguyên vẹn. Vì thế khi quy tập, nhân dân chia làm nhiều hướng, không bỏ sót khu vực nào. 115 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Tuy nhiên không làm sao tìm hết được, có thể các anh còn nằm đâu đó dưới lòng hồ này".

Tri ân các liệt sĩ Trung đoàn 31, Hội CCB xã phối hợp với Đoàn thanh niên của H. Nông Sơn tích cực đóng góp công sức chặt cây, khuân đá, san ủi mặt bằng. Hội bỏ tiền làm nhà vòm, xây cổng, bê tông lối đi. Hàng năm đều đến thắp hương khu tưởng niệm vào các dịp 27-7, 22-12 và trước tết Nguyên đán. Còn những người lính Trung đoàn không bao giờ quên Hốc Thượng. Một thời cầm súng, mang bao thương tật, nay họ lại không quản ngại đường sá xa xôi, tuổi cao sức yếu thường xuyên về đây thầm thì với đồng đội đã mất. Họ yên lòng khi được biết cán bộ, nhân dân Quế Trung không những giữ gìn và tôn tạo mà còn xây dựng khu tưởng niệm thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau hiểu về giá trị của độc lập tự do.

HỒNG VÂN