“Nội chiến” khuấy đảo Zimbabwe
Số phận của chính quyền Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe dường như đã được định đoạt vào ngày 16-11 sau một cuộc tiếp quản quân sự. Trong khi đó, theo Reuters các nỗ lực để thành lập một chính phủ chuyển tiếp đang diễn ra.
Quan đội Zimbabwe triển khai xe tăng trên đường phố thủ đô Harae. Ảnh: CNN |
Ngày 16-11, một ngày sau khi quân đội Zimbabwe chiếm quyền kiểm soát đất nước, Tổng thống Robert Mugabe hiện vẫn đang bị quân đội giam giữ và không thể rời đi. Theo các nguồn tin, chính quyền của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe dường như đã kết thúc vào ngày 16-11 sau một cuộc tiếp quản quân sự và các nỗ lực để thành lập một chính phủ chuyển tiếp đang diễn ra.
Phát ngôn viên đảng đối lập Zimbabwe, Phong trào Thay đổi Dân chủ (MDC), đã kêu gọi tất cả các bên “tôn trọng đời sống con người”, cho rằng cuộc đảo chính là vụ việc không sớm thì muộn sẽ xảy ra. Trong nhiều năm qua, MDC đã nói với thế giới rằng “đây là một hệ thống không bền vững”.
Đường phố yên tĩnh
Ngay cả khi quân đội đưa xe tăng thiết giáp vào trung tâm, tình hình tại thủ đô Harare vẫn “khá yên tĩnh”.
Một người dân ở Harare nói: “Có nhiều xe tăng quân đội trên đường phố, điều mà chưa bao giờ xảy ra trước đây. Quân đội rõ ràng là người đang tiếp quản dù họ khăng khăng đây không phải là một cuộc đảo chính. Đại sứ quán Mỹ ở Harare hôm 16-11 kêu gọi các công dân Mỹ giữ bình tĩnh và “hạn chế các hoạt động không cần thiết”. Washington cho biết mặc dù chính phủ Mỹ “không đứng về bên nào trong vấn đề về chính trị nội bộ của Zimbabwe” nhưng rất quan ngại hành động của quân đội. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng kêu gọi quân đội “bình tĩnh, bất bạo động và kiềm chế”.
Theo Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, quân đội vẫn được triển khai bên ngoài Dinh tổng thống, Quốc hội, sân bay và tòa nhà chính phủ ở Zimbabwe. Ông Zuma không lên án hành động của quân đội, thay vào đó, ông kêu gọi Lực lượng Phòng vệ Zimbabwe kiềm chế, và hy vọng họ sẽ “không gây ra nhiều thiệt hại hơn”. “Tôi hy vọng rằng tình hình sẽ được kiểm soát và hòa bình, ổn định sẽ trở lại với Zimbabwe”, ông nói. Ông Zuma đã tổ chức cuộc họp của Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) tại Botswana, với sự tham dự của các Ngoại trưởng và các đại biểu từ Angola, Tanzania và Zambia, nhằm bàn cách giải quyết tình hình hiện nay tại Zimbabwe. Theo Bộ Hợp tác Quốc tế Nam Phi, hai bộ trưởng Nam Phi ngày 16-11 đã đến Zimbabwe để gặp các nhà chức trách nước này.
Tình trạng lấp lửng
Trong tuyên bố truyền hình hôm 15-11, phát ngôn viên quân đội Thiếu tướng S.B. Moyo phủ nhận việc quân đội tiếp quản đất nước và cho biết, quân đội đang mở chiến dịch nhắm mục tiêu “bọn tội phạm” thân cận với ông Mugabe, những người gây ra “đau khổ về xã hội và kinh tế”.
Đảng cầm quyền Zanu-PF đã cáo buộc lãnh đạo quân đội của Zimbabwe, tướng Constantino Chiwenga, có “hành động phản quốc” sau khi ông cảnh báo về việc quân đội có thể can thiệp vào chính trường. Tướng Chiwenga đã thách thức Tổng thống Mugabe sau khi ông này sa thải phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa và cho biết quân đội đã chuẩn bị để tiến hành chấm dứt các cuộc thanh trừng trong đảng Zanu-PF. Ngay lập tức, ông Moyo khẳng định phát ngôn của tướng Chiwenga là có “tính toán nhằm gây rối an ninh quốc gia... và kích động nổi dậy”. Lãnh đạo cánh trẻ của Zanu-PF, ông Kudzai Chipanga, cảnh báo "sẽ không khoanh tay ngồi yên khi có các mối đe dọa chống lại một chính phủ được bầu cử hợp pháp".
Người thay thế?
Cựu Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai, nhân vật chủ chốt của phe đối lập chống Tổng thống Mugabe đã trở về nước.
Trong khi đó, theo đảng Zanu-PF cầm quyền, cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa được cho là nhân vật sáng giá nhất lên thay ông Mugabe. Ông Derek Matyszak, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) ở Nam Phi, nhận định: “Ông Mnangagwa đã ở bên cạnh Tổng thống Mugabe trong 50 năm. Ông ấy được xem là người thay thế ông Mugabe”.
AN BÌNH