“Nói không” với hủ tục rải vàng mã

Thứ hai, 26/02/2018 13:10

Sau hơn 3 năm triển khai cấm rải vàng mã trên đường đưa tang tuyến đường DH610 đã văn minh, sạch đẹp hơn.

     Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn số 31 đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Tuy nhiên, không chỉ Giáo hội Phật giáo đề nghị phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo mà tại nhiều địa phương trên cả nước những năm qua cũng đã tuyên truyền vấn đề này. Và tại Quảng Nam, sau 3 năm triển khai tuyên truyền vận động không rải vàng mã trên đường, với sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể đến nay đã có hàng loạt địa phương gương mẫu thực hiện. Đây là một điển hình trong việc xóa bỏ hủ tục mê tín mà Quảng Nam là một trong những địa phương đi tiên phong.

Nhắc đến tục rải vàng mã không thể không nhắc đến xã Duy Trung (H.  Duy Xuyên) khi đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai tuyên truyền và đem lại hiệu quả. Người dân sống ven nghĩa địa Nỗng Bồ vẫn nhớ những ngày phải chịu cảnh dọn dẹp sau mỗi lần có đám tang đi qua. Vào giữa năm 2014, nhận thấy phong tục rải vàng mã trên đường đưa tang ảnh hưởng đến nhiều nhà dân nên các đoàn thể đã tìm cách tuyên truyền cho người dân hạn chế việc này. Nhắc lại những ngày đầu tiên làm công tác tuyên truyền không rải vàng mã, ông Bùi Năm (cán bộ phụ trách mặt trận thôn 6 Duy Trung) chia sẻ: “Tôi còn nhớ trong buổi họp đầu tiên triển khai việc này chính quyền thôn gặp rất nhiều khó khăn. Một số người dân còn cho rằng chúng tôi “rỗi hơi” mới đi cấm những việc này vì họ cho rằng đốt vàng mã là chuyện riêng của gia đình họ”. Từ những ngày đầu tiên gặp vô vàn phản ứng của người dân nhưng nhờ “mưa dầm thấm lâu” đến nay người dân Duy Trung đã gương mẫu thực hiện. Hiện nay tại các thôn tổ trong xã, người dân đều đã ký cam kết không rải vàng mã trên đường đưa tang. Còn tại huyện Quế Sơn, trong dịp tết Mậu Tuất vừa qua không chỉ cảnh đốt vàng mã mà việc rải gạo muối, vứt hoa và vật phẩm tiến cúng cũng vắng bóng. Là “mặt tiền” của huyện nên nhân dân 2 xã Quế Xuân 1 và 2 đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường. Tết này, hầu hết gia đình vẫn còn thói quen đốt vàng mã nhưng không ai đổ tro ra đường làng nữa mà tự chôn lấp ngay trong khuôn viên nhà mình. Không ai bảo ai tình trạng đồ cúng vứt ở ngã ba ngã tư hay dưới gốc cây  trong làng cũng chấm dứt hẳn.

   Cùng với 2 huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, hướng đến việc xây dựng đô thị loại IV vào năm 2020 nên công tác tuyên truyền cấm rải vàng mã trên đường tại thị trấn Ái Nghĩa (H. Đại Lộc) được đặc biệt quan tâm. Sau 1 năm “hành động”, trên địa bàn thị trấn không còn hủ tục rải vàng mã, rải tiền âm phủ trên đường đưa tang. Ông Đoàn Công Nhị - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa cho biết trong năm qua nhiều con đường trên thị trấn đã được đặt tên nên công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong đó có việc loại bỏ tục rải đốt vàng mã được đặc biệt quan tâm. “Để thay đổi hủ tục này ngoài công tác vận động, tuyên truyền thì cũng cần thay đổi từng bước, hành vi thói quen chứ không thể ngày một ngày hai mà được. Đến nay, hàng chục đám tang trong năm qua trên địa bàn không còn xảy ra tình trạng rắc tiền, vàng mã trắng đường là nỗ lực lớn của thị trấn. Thành công này còn góp phần xây dựng đời sống văn minh lành mạnh, từ đó mà nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”, ông Nhị cho biết.

   Còn tại làng bích họa Tam Thanh, một khu du lịch mới của TP Tam Kỳ, chính quyền địa phương đã ban hành “lệnh” cấm rải giấy vàng mã nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và giữ vẻ đẹp của làng bích họa… Ông Nguyễn Thanh Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thanh  cho biết việc cấm rải giấy vàng mã ra đường không chỉ ở làng bích họa mà còn được triển khai trên toàn xã. Việc này cũng nhằm mục đích đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm trong ma chay cho người dân. Trước khi quyết định cấm rải giấy vàng mã ra đường, UBND xã đã tổ chức lấy ý kiến của người dân, họ rất đồng tình và ủng hộ chính quyền. 

Đồng Dao