Nỗi lo mất rừng phòng hộ
(Cadn.com.vn) - Chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu làm khu vực ven biển P. Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng. Mới đây, UBND TP Hội An đã cho trồng mới nhiều diện tích rừng phòng hộ tại P. Cửa Đại với vốn đầu tư 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó TP cũng ra chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bền vững rừng phòng hộ ven sông, ven biển. Thế nhưng, bài học từ việc sạt lở bãi biển Cửa Đại sẽ còn tiếp diễn khi giờ đây với việc phát triển bãi biển An Bàng (P. Cẩm An) tình trạng lấn chiếm rừng phòng hộ làm du lịch diễn ra công khai. Từ bãi biển Cửa Đại dong xe theo tuyến ven biển đến An Bàng các nhà hàng khách sạn mọc lên như nấm. Thi thoảng lắm mới có thể nhìn thấy màu xanh nước biển lấp ló sau rặng dương liễu. Kể từ khi bãi biển Cửa Đại bị xâm thực, người dân P. Cẩm An nhanh chóng bắt lấy thời cơ biến An Bàng thành bãi biển đẹp nhất Hội An. Theo sau đó là các bãi tắm tự phát, các hộ dân đã tự cơi nới sau nhà để phục vụ du lịch...
Người dân cơi nới sau nhà để làm du lịch làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ. |
Dừng xe trước một lối đi nhỏ ra biển không khó để nhận thấy khu vực này nhà nào cũng xây dựng các chòi lá hướng ra biển. Khu vực này không phải là bãi tắm chính nên biển yên ả, bãi cát trắng sạch lại có rừng dương vi vút nên thu hút nhiều du khách muốn tìm sự yên bình. Những chòi lá dựng giữa những rặng dương liễu, những nhà tắm nước ngọt sát biển khiến diện tích dương liễu bị thu hẹp mỏng dần. Đây đó lô nhô những gốc dương liễu bị chặt nằm trơ dưới nền cát trắng. Từ đây nhìn ra biển cát trắng trải dài sóng biển lô xô có vẻ rất yên bình. Nhưng bất chợt tôi nhớ lại bãi cát trắng của bãi biển Cửa Đại nay đã trở thành vực nước sâu. Chẳng phải chỉ qua 1 mùa mưa lũ bãi biển Cửa Đại đã bị xóa sổ hay sao? Vậy sự yên bình nơi đây cũng chỉ là tạm thời nếu không muốn nói là đang bị đe dọa bởi sự phát triển du lịch chóng mặt. Trò chuyện với một gia đình mở chòi lá phục vụ khách du lịch ông này cho biết đã mở chòi từ năm 2014 khi khách du lịch bắt đầu đổ dồn về An Bàng. "Khách ăn uống ở đây thì ít thôi nhưng chủ yếu thuê ghế để tắm nắng. Tui còn phục vụ thêm dịch vụ tắm nước ngọt vì biển ở đây đẹp không ồn ào như bãi chính". Tôi hỏi thêm nhà sát biển lại không có gì che chắn về mùa mưa bão thì như thế nào vì nơi đây chỉ cách chỗ xâm thực vài trăm mét thì ông này cho biết các chòi lá dễ dàng tháo rời đem đi cất khi có bão còn chuyện xâm thực này nọ thì khi nào có hãy hay.
Khu đất ven biển đã được "xí phần" để triển khai các dự án du lịch. |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: "Trước tình trạng người dân tự ý chặt phá rừng ven biển, rừng phòng hộ thu hẹp dần do tác động du lịch TP đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các quy ước cộng đồng về bảo vệ rừng đồng thời ra chỉ thị về công tác bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. TP yêu cầu chủ tịch các xã, phường, các cơ quan ban ngành lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đồng thời thống kê rà soát toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ đã bị lấn chiếm trái phép để xử lý theo thẩm quyền". Không chỉ mất rừng vì người dân tự ý chặt phá mà việc các dự án du lịch "xí phần" cũng đã góp phần xóa sổ rừng phòng hộ. Ông Lê Tấn Việt - Chủ tịch UBND P. Cẩm An cho biết hơn 4km khu vực ven biển của phường đã có 11 dự án du lịch trong đó có 5 dự án đã đi vào hoạt động. Cũng theo thống kê vùng ven biển từ thị xã Điện Bàn tới Hội An hiện có khoảng 34 dự án, chủ yếu đầu tư vào loại hình du lịch. Riêng các tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê 6 dự án với tổng diện tích 124 ha. Điều này là nguyên nhân chính khiến diện tích rừng phòng hộ đang thu hẹp dần. Với sự phát triển chóng mặt của du lịch biển đi kèm với biến đổi khí hậu liệu giải pháp nào để có thể giữ rừng phòng hộ, hạn chế nguy cơ mất rừng đang là câu hỏi đặt ra mà các cấp, lãnh đạo ngành, chính quyền địa phương cần có chiến lược hoạch định lâu dài.
Đồng Dao