Nỗi lo rớt chuẩn nông thôn mới

Thứ hai, 06/08/2018 12:13

Đây là thực tế khiến chính quyền các xã trên đại ngàn tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt. Với hơn 30/184 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016 là kết quả đáng mừng mà chính quyền và nhân dân trong tỉnh đạt được kể từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ. Nhưng, từ khi áp dụng Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 từ năm 2017, nhiều xã tại tỉnh Gia Lai đã tụt giảm các tiêu chí đạt chuẩn, thậm chí có xã đã đạt chuẩn nay chỉ còn đạt 1/2 số tiêu chí.

Nhiều xã của tỉnh Gia Lai từng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng bị rớt nhiều tiêu chí khi áp dụng Bộ tiêu chí mới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 có 19 tiêu chí, trong đó: Nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí, nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội (8 tiêu chí), nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất (4 tiêu chí) và nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 6 tiêu chí. Quy định và chỉ tiêu của các tiêu chí cũng được chia theo vùng, tỉnh, điển hình như tại Gia Lai: Thu nhập bình quân đầu người phải đạt từ 41 triệu đồng/người trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 7% trở xuống... Đại diện nhiều xã cho hay, có rất nhiều chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí mới có độ khó tăng cao khiến các xã rất khó đáp ứng được. Chúng tôi tìm về làng Ngo Rông, xã Ia Krêl, H. Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Đây là vùng đất chủ yếu là bà con người Gia Rai, sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Theo bà Rmah H'Huy, Bí thư chi bộ làng, có những năm hồ tiêu, cà-phê, điều được mùa, được giá, thu nhập bà con tương đối ổn định. Nhưng mất mùa, giá thấp như hiện nay thì nhiều hộ thất thu, thậm chí còn thiếu đói, nên việc xây dựng nông thôn mới ở làng theo bộ tiêu chí mới khó mà đạt. Bà Rmah H'Huy, nói: "Chương trình thực hiện tiêu chí giảm nghèo theo bộ tiêu chí nông thôn mới là giảm nghèo đa chiều. Với con số hơn 40% hộ nghèo trong thôn như hiện nay, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn. Và tương lai, để đạt được tiêu chuẩn giảm nghèo theo tiêu chí nông thôn mới, ngoài sự nỗ lực của địa phương, chúng tôi phần lớn vẫn phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ cấp trên".

Theo tìm hiểu, cuối năm 2015 xã Ia Krêl đã được UBND tỉnh Gia Lai quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thời gian công nhận là giai đoạn 2015-2020. Nhưng khi đánh giá theo Bộ tiêu chí nông thôn mới (giai đoạn 2016 - 2020), xã chỉ còn đạt 9/19 tiêu chí, tụt hơn một nửa. Chủ tịch UBND xã Ia Krêl - ông Siu Luynh cũng khẳng định rằng, nếu theo bộ tiêu chí mới thì xã Ia Krêl khó mà đạt chuẩn nông thôn mới trở lại vì nhiều tiêu chí rất khó đạt, như: Giảm nghèo, thu nhập, nhà ở. "Chúng tôi khó mà tự thân vận động để đạt được chuẩn ở nhiều tiêu chí nếu không có sự hỗ trợ từ nguồn vốn Nhà nước, như tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, nhà ở, cơ sở văn hóa. Nên Nhà nước cần quan tâm, có sự đầu tư" - ông Siu Luynh nói.

Nhìn tổng thể tại H. Đức Cơ, từ khi thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, ngoài 2 xã đã từng đạt chuẩn là Ia Krêl, Ia Dom đang đối mặt với nỗi lo khó chuẩn trở lại, 7 xã còn lại của huyện cũng đều bị tụt giảm nhiều tiêu chí. Tất nhiên, lý do chính là bộ tiêu chí mới có độ khó cao hơn, trong khi đó có một số tiêu chí chưa phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Ngoài ra, chưa nói đến một số tiêu chí thường bị "chín ép" lúc được công nhận đạt chuẩn, nên khi áp dụng bộ tiêu chí mới, không thể ép thêm được nữa vì khoảng cách quá xa. Ông Ngô Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, H. Đức Cơ cho hay, trước đây đã đạt chuẩn rồi, nhưng chiếu theo bộ tiêu chí mới thì hiện xã chỉ đạt 15/19 tiêu chí mà thôi. Theo ông Thiện, đối với nhiều xã điểm, khi đã hoàn thành nông thôn mới trong đó vẫn còn một số tiêu chí "chín non". Nhưng do là xã điểm nên nâng lên một chút để kích thích tinh thần cán bộ, nhân dân và các xã còn lại. Cũng vì đó mà khi áp dụng bộ tiêu chí mới, có một số tiêu chí bị rớt sâu. "Hiện nay, quan điểm của chính quyền và cấp ủy địa phương xác định là thời gian tới sẽ có lãnh chỉ đạo, điều chỉnh làm sao cho nó phù hợp hơn nữa, từ đó phấn đấu đến năm 2020 các tiêu chí sẽ được công nhận đạt chuẩn đầy đủ và bền vững nhất" - ông Thiện bày tỏ.

Nhiều xã lo khi người dân mất mùa, chỉ tiêu đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới khó mà đạt.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, nếu áp dụng Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020 thì 30 xã đạt 19 tiêu chí vào năm 2016 hiện tại chỉ còn có 5 xã, trong đó có một số tiêu chí giảm rất nhiều, như: Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, y tế, tổ chức sản xuất, môi trường, an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Điều này không chỉ là cái khó của những xã từng đạt chuẩn bị rớt tiêu chí khi áp dụng bộ tiêu chí mới, mà là nỗi lo chung của các xã trong tỉnh, bởi điều kiện của các chỉ tiêu cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu các xã đã đăng ký thực hiện trước đó. Điều quan trọng lúc này là xử lý ra sao đối với những xã đã có quyết định công bố đạt chuẩn, nhưng bị rớt nhiều tiêu chí. Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai cho hay, hiện tại tỉnh đang tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các xã đã đạt chuẩn trên địa bàn. Do bộ tiêu chí mới đã áp dụng nên đối với những xã bị tụt giảm tiêu chí, chính quyền cấp huyện và xã có trách nhiệm tìm giải pháp để thực hiện và nâng cao lại các tiêu chí này, bằng không Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có thể thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn. "Trước mắt trong năm 2018 này, từng địa phương phải có kế hoạch nâng các tiêu chí bị tụt lên. Còn việc thu hồi thì cũng sẽ xúc tiến, nhưng Sở còn phải thảo luận kỹ để xác định thời điểm nào thu hồi là hợp lý, còn trước mắt đang động viên các xã quyết liệt nâng cấp" - ông Anh cho biết.

Với những gì chúng tôi ghi nhận được thì hiện nay việc thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã khiến rất nhiều xã của tỉnh Gia Lai bị tụt giảm tiêu chí. Cũng qua thực tế, việc xây dựng nông thôn mới tại đây vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, nên để có được cái chuẩn thực sự, cần thiết phải có những đánh giá khách quan, chính xác kết quả trong quá trình thực hiện chương trình, tránh để xảy ra tình trạng "chín ép" hay "bệnh thành tích". Vì để các xã có được trong tay quyết định xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí mới rất khó khăn do đời sống nhân dân nhiều xã vùng nông thôn của tỉnh này đang đối mặt với câu chuyện đói nghèo, lạc hậu.

Công Hạnh-Doãn Hùng