Nỗi nhớ Huế ngược chảy vào tim
(Cadn.com.vn) - Ở Huế gần mười năm. Nỗi nhớ trong tôi cũng đã kịp đọng lại trong từng nếp nghĩ. Để đến khi đọc tập tùy bút Đôi triêng gióng của Mạ của Hồ Đăng Thanh Ngọc vừa được Nhà xuất bản Văn học ấn hành, nỗi nhớ đó lại ùa về-trong và rất đậm. Như một mảnh hồn mình đã được neo đâu đó trong từng trang tùy bút thấm đẫm ân tình của một người con đất Huế. Tập sách nhỏ gọn với 28 tùy bút như những tâm sự trải lòng của người viết về chính quê hương mình với một tâm thế tĩnh tại, hoài niệm và cả những trăn trở đến xót xa khi nghĩ về những kỷ niệm đã đi theo thời gian, đã cuốn theo dòng Hương xuôi về với biển lớn.
Ngẩn ngơ, rồi chợt khóc, chợt cười, đó là cảm xúc khi đọc tập tùy bút Đôi triêng gióng của Mạ. Ngược dòng thời gian trở về những kỷ niệm ấu thơ, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc có cơ hội lọc tẩy lại phần thanh khiết nhất của một góc Huế sâu đậm ân tình. Tôi đã gặp lại ở đó quá nhiều đồng cảm: “Một trong những hình ảnh quá đẹp còn lưu lại trong trí nhớ là cảnh mạ trở đôi triêng gióng trên cái bao lơn giữa cầu Trường Tiền trong một chiều cả gió, tà áo mạ bay lên trong ráng chiều như một nét lãng mạn cuối cùng của một đời lam lũ vì đàn con thân yêu…
Sau này khi rời phố về làng, mạ tôi vẫn thủy chung với đôi triêng gióng, cho tới ngày hôm qua đó thôi, mạ lặng lẽ chùi nước mắt gác triêng gióng lên giàn bếp vì sức đã cùng kiệt rồi. Những đứa con khôn lớn do mạ nuôi từ đôi triêng gióng mòn vai đã bay đi, mạ ở lại chốn quê nghèo và đôi triêng gióng cũng không còn đung đưa trên nhịp bước đường quê được nữa... (Đôi triêng gióng của Mạ). Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lấy tựa tập tùy bút của mình là Đôi triêng gióng của Mạ.
Vì ở đó mang ký ức tuổi thơ của tác giả, ở đó có cả những kham khổ, nhọc nhằn mà mẹ nuôi anh khôn lớn. Và đôi triêng gióng là hình ảnh không thể quên của những ai đã từng yêu Huế, từng có những tháng ngày gắn bó với mảnh đất Cố đô bình lặng mà sâu thẳm. Từ tình mẫu tử nặng sâu với hình ảnh các mệ, các chị, các em ở Huế. Rồi đến những mối tình trong vắt như sương trăng, chỉ chạm vào đã nghe vọng ngân miền nhớ. Hồ Đăng Thanh Ngọc chở cảm xúc về lại trong một nền Huế. Có nắng, có mưa, có vui buồn lẫn trộn. Nhưng cách dẫn truyện của tác giả theo từng trường đoạn làm người đọc bị cuốn hút, chơi vơi.
Ở Huế, ngoài đền đài thành quách, lăng tẩm, ngoài hàng trăm loài hoa khoe sắc mỗi mùa, ngoài những con đường nượp bóng giai nhân trong thơ văn… thì Huế còn một dấu lặng ẩn sâu để rồi ai đó đến Huế, rồi đi, vẫn mãi muốn trở lại để lần tìm. Có những dòng tùy bút của Hồ Đăng Thanh Ngọc viết khá ý vị và kín đáo về tình yêu quê hương sâu nặng của mình: “Sống ở Huế thật lâu, tôi mới hồ như những ngõ Huế như một sợi dây nối tâm hồn Huế ra với cao rộng cuộc đời. Sợi dây ấy đan bằng lá cây và sương khói, bện vào đó những âm vang bình dị từ những khu vườn và cả ánh sáng khiêm nhường của những thời khắc cảnh sắc không gian Huế, tất cả được đan bằng bàn tay của một tâm thức đầy mẫn cảm vừa lặng lẽ rêu phong vừa sôi động như ngọn gió qua rừng tre trúc”. (Ngõ Huế)
Những trang văn mang nhiều tình cảm sâu nặng cuộc đời đó lại không phải là cái gì đó cao siêu, cách tân, hiện đại, mà đó là những dòng chảy buột ra từ sự biết ơn, từ cái nôi đã góp phần hình thành nên tính cách, con người anh. Nhiều trang viết của anh kéo người đọc về tận miền thẳm xa, như Đôi triêng gióng của Mạ, Ngõ Huế, Mưa biển nồng nàn, Màu yên tĩnh, Có một loài hoa chỉ nở lúc cuối đời, Mênh mông mùa thu,...
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc gửi tặng tôi tập sách này với lời đề tặng “Để nhớ Huế”. Mà đúng là tôi nhớ Huế thật. Không phải chỉ là lời nói suông mà bằng cả một tấm lòng đã từng nặng lòng với Huế. Như tôi đang sống lại cảm xúc một thời đầy kỷ niệm hoài nhớ Huế qua những trang tùy bút của anh.
Đà Nẵng, tháng 11-2011
Nguyễn Thị Anh Đào