Nơi phát tích những làn điệu dân ca bài chòi đặc trưng
Cùng với Hát xoan Phú Thọ, nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ kể từ 15 giờ 10 phút, ngày 7-12-2017 đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó Bình Định tiếp tục được Bộ VH-TT&DL chọn làm đơn vị chủ trì xây dựng củng cố di sản bài chòi trong thời gian đến...
Một buổi biểu diễn bài chòi cổ tại TP Quy Nhơn vào dịp Tết. |
Bài chòi trong đời sống người dân Bình Định
Bài chòi là nghệ thuật dân gian đặc sắc, là món ăn tinh thần của nhân dân Trung Bộ. Hàng trăm năm qua ở miền Trung đâu đâu cũng có hô hát và diễn xướng bài chòi. Đối với người dân Bình Định thì bài chòi gắn liền với đời sống, là một phần không thể thiếu của cuộc sống người dân. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, người dân Bình Định cảm nhận được âm điệu ngọt ngào của làn điệu bài chòi trong lời ru tha thiết của mẹ, của bà. Đến khi trưởng thành, trong cuộc sống hằng ngày, trong lao động, bài chòi theo suốt, gắn bó với con người Bình Định qua điệu hò kéo lưới, hò giã gạo, hò kéo pháo hay những điệu lý vọng phu, lý chiêu quân, những câu hát ru con...
Trong tâm thức người dân Bình Định thì bài chòi như người bạn tri kỷ của mỗi người, nó có thể giúp giãi bày tâm sự, giúp bày tỏ niềm vui, nỗi buồn hay thổ lộ tâm tình. Từ bao đời nay những làn điệu bài chòi đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Bình Định, nuôi dưỡng đời sống tinh thần nhân dân bởi cái chất mộc mạc nhưng trữ tình đằm thắm sâu sắc. Bình Định được xem là cái nôi của nghệ thuật Tuồng và dân ca bài chòi, là nơi phát tích của những làn điệu dân ca bài chòi đặc trưng, nét tinh túy của những làn điệu bài chòi không ngừng được phát huy, hòa quyện tạo nên nét đặc sắc của nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhiều câu chuyện dân gian đã quen thuộc trong nhân dân, nhưng chúng trở nên hấp dẫn khi thông qua nghệ thuật biểu diễn của các nghệ sĩ bài chòi cổ. Họ hóa thân vào mỗi cuộc đời của nhân vật, bên cạnh đó họ còn tìm cách hát bài chòi để người nghe cảm nhận được sự mượt mà và có cái "nhụy" của bài chòi đặc trưng Bình Định. Người dân đất võ Bình Định từ xưa đã xem Hội bài chòi là thú vui dân gian vào các dịp hội hè, lễ tết. Bài chòi trước hết là một cuộc chơi bài, nhưng chắc chắn đây không phải các tụ điểm đỏ đen, sát phạt nhau bằng tiền bạc. Bài chòi là một dạng lễ hội dân gian - một trò chơi dân gian. Người chơi không ngồi trong nhà hay trên chiếu mà leo lên chòi dựng tại một bãi đất rộng nào đó để... hô, hát, và chơi bài...
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu văn hóa cổ thì hội bài chòi xuất hiện trong thời kỳ các cư dân phía Bắc bắt đầu di cư vào miền Nam tìm vùng đất mới để canh tác. Theo suy đoán của các nhà nghiên cứu, lúc đầu những nông dân dựng các chòi này chỉ để canh rẫy, bảo vệ sản xuất, mùa màng của mình. Tuy nhiên khi nhàn rỗi hoặc cao hứng, họ đã tạo ra trò một chơi để giết thời gian, người ta đã nghĩ ra trò chơi này và lâu dần trở thành một loại nghệ thuật đánh bài chòi dân gian, tồn tại kéo dài đến nay như một loại di sản văn hóa cổ xưa. Đó chính là lý do loại hình trò chơi bài chòi chỉ thấy xuất hiện ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ - nơi trước đây đều là những miền đất mới được người Việt đến khai phá, canh tác và lập nghiệp.
Tại tỉnh Bình Định, hằng năm từ khoảng 30 tháng Chạp cho đến rằm tháng Giêng ở nhiều địa phương như H. Tuy Phước, thị xã An Nhơn, H. Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn... thường tổ chức trò chơi Hội bài chòi ngày xuân. Các chòi nhỏ dựng bằng tre nứa, có cầu thang dẫn lên chòi được người dân dựng lên từ ngày 29 đến 30 Tết để có thể vui chơi từ ngày mồng một trở đi. Khoảng 2 năm trở lại đây để khôi phục một di sản phi vật thể có nguy cơ bị mai một, Sở VH-TT&DL Bình Định đã khuyến khích tổ chức thường xuyên Hội chơi bài chòi ở các tụ điểm văn hóa trong phạm vi thành phố Quy Nhơn và một số huyện, thị xã trong tỉnh. Hiện nay ở TP Quy Nhơn, trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, nằm đối diện khu Siêu thị Co.opmart có một khu vực dành riêng cho trò chơi dân gian hô bài chòi được tổ chức vào các ngày cuối tuần. Ngày xuân du khách đến thăm chợ Gò Tuy Phước - một năm nhóm một lần sẽ được mời tham dự Hội bài chòi dân gian đầy lý thú, hấp dẫn và không kém phần hồi hộp như khi xem một trận bóng đá vậy.
Bảo tồn và phát triển
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020 ngoài việc tổ chức Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn những giá trị tiêu biểu của Bài Chòi, ngành văn hóa Bình Định sẽ triển khai Dự án truyền dạy nghệ thuật bài chòi vào cộng đồng và trong trường học. Khuyến khích thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên trong tỉnh tìm hiểu và luyện tập các loại hình nghệ thuật cổ truyền này. Tổ chức truyền dạy, phổ biến hát bội, bài chòi trong cộng đồng; hỗ trợ các câu lạc bộ, tổ nhóm, các nghệ nhân bài chòi tập luyện, trao truyền nghệ thuật bài chòi dân gian nhằm kế tục bền vững sự nghiệp gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Tổ chức các hình thức truyền dạy trực tiếp, nghe băng hình, băng nhạc cho học viên câu lạc bộ, nhóm; Xây dựng chuyên mục bài chòi dân gian trên sóng truyền hình và phát thanh của tỉnh... Đoàn Dân ca kịch bài chòi Bình Định hiện đang sở hữu hàng chục làn điệu bài chòi vừa tân vừa cổ rất độc đáo. Từ cách hô phôi thai để đánh bài trên chòi, điệu "bài chòi cổ" khi lên sân khấu hiện đại đã được các nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp phát triển thêm và đó là điều kiện để hình thành các giai điệu bài chòi mới ngày nay như các làn điệu "Xuân nữ mới"; "Xàng xê dựng"; "Xàng xê lụy"; "Cổ bản" và "hò Quảng"... Tuy nhiên do sáng tác ngẫu hứng từ sinh hoạt hội hè của quần chúng, nên điệu bài chòi cổ thường mang đậm nét dân gian. Nó có khá nhiều ưu điểm mà các điệu bài chòi mới sau này không sao sánh kịp.
Ngoài những ưu điểm nói trên người diễn viên khi hô bài chòi cổ thường có đặc điểm là nhả từng câu, từng chữ và lặp từ. Nhạc nhồi theo từng câu hát của diễn viên rất êm, gây hiệu quả hấp dẫn cho người nghe. Bài chòi cổ, tự thân nó đã mang nhiều ưu điểm. Ngày xưa khi sân khấu bài chòi còn ở dạng sơ khai, các đoàn nghiệp dư chỉ cần một điệu bài chòi cổ đã có thể diễn những vở kịch dân gian dài mà người xem không cảm thấy chán. Bình Định hiện đang triển khai đề án "Phục hồi, bảo tồn các vở diễn dân gian, các làn điệu bài chòi để truyền dạy trong cộng đồng và trong trường học", đáp ứng công tác bảo tồn và phát triển bài chòi cổ. Điều đó sẽ giúp cho cộng đồng và lớp trẻ nhận ra được những giá trị tinh thần vô cùng to lớn kết tinh trong các làn điệu dân ca bài chòi, hiểu được các giá trị, biết trân trọng, yêu quý các giá trị những làn điệu dân ca bài chòi và có ý thức, trách nhiệm giữ gìn và bảo tồn những di sản tinh thần to lớn đó. Ở Bình Định từng có rất nhiều gánh hát bài chòi cổ nghiệp dư, tuy nhiên dần bị mai một, giải tán. Chỉ còn gánh hát "Bà Lợi" ở H. Hoài Nhơn, nhưng do sự khó khăn về tài chính của loại hình sân khấu truyền thống, cuối cùng gánh hát bài chòi "Bà Lợi" cũng giải thể. Rất may vài năm gần đây ngành văn hóa tỉnh Bình Định đã tổ chức nghiên cứu đề tài Phục hưng nghệ thuật bài chòi cổ trên phạm vi một số địa phương như H. Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn...
Nguyễn Tấn Tuấn