Nơm nớp lo núi lở

Thứ bảy, 18/11/2017 06:50

Những ngày mưa dầm vừa qua, hàng trăm người dân ở Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) phải thức trắng đêm để dọn dẹp đất đá từ trên núi tràn vào nhà cửa, đường sá, nơm nớp lo sợ tình trạng lở núi xảy ra. Tổ 4 thôn Quan Nam 3 xã Hòa Liên là một trong những điểm sạt lở nặng nhất dọc tuyến đường cao tốc La Sơn- Túy Loan đang thi công. Tuyến đường vắt vẻo lưng chừng núi, phía dưới là làng mạc bên dòng Cu Đê. Đứng trên mặt đường nhìn đất đá theo dòng nước mưa tràn xuống làng, bà Ngô Thị Định, Tổ trưởng tổ 4 thở dài bảo, mấy chục năm qua sống ở đây chưa bao giờ phải lo cảnh lở núi, đất đá tràn vào nhà. Vậy mà những ngày mưa vừa qua, nửa đêm dân làng phải thức dậy để dọn dẹp, ngăn đất đá. Có nhà đất tràn vào ngập mắt cá chân.

Theo bà Định, kể từ khi tuyến cao tốc thi công ngang qua thôn đã để lại nhiều hệ lụy. Lúc đầu thì nổ mìn phá núi ầm ầm làm nứt nhiều nhà dân. Sau thì bụi bặm, sình lầy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Và đến giờ thì phát sinh thêm tình trạng sạt lở, uy hiếp tính mạng người dân. “Cả quả núi bạt thẳng, lởm chởm đất đá, không có một gốc cây giữ lại, nếu cứ mưa dầm liên tục, đất đá cứ tràn xuống, dân làm sao yên tâm sống được. Thực sự chúng tôi rất hoang mang, cứ trời mưa là không ai dám ngủ, sợ đất đá tràn xuống vùi lấp lúc nào không biết”- bà Định nói.

Học sinh đến trường trên con đường làng sình lầy do bùn đất tràn từ trên núi xuống.

Để thi công đường cao tốc La Sơn- Túy Loan qua địa phận tổ 4 thôn Quan Nam 3 sẽ phải làm cầu vượt, đồng thời bạt núi để lấy mặt bằng. Tuy vậy, việc bạt núi mà không có gia cố bằng kè, phun bê tông, dẫn tới tình trạng mưa lớn kéo theo đất đá tràn xuống làng. Ông Phan Thanh Dũng- Bí thư chi bộ thôn Quan Nam 3 cho biết, trong quá trình thi công cao tốc, một số đơn vị tư nhân đã lợi dụng múc đất chở đi san lấp mặt bằng các khu dân cư. Vì số lượng đất múc nhiều dẫn tới hổng dưới chân, nguy cơ sạt lở sẽ lấp cả làng. Cũng theo ông Dũng, khi bạt núi đúng ra phải tính toán khối lượng đất múc đi cụ thể vừa đủ, phải làm taluy dương gia cố thì sẽ không lo sạt lở. Tuy vậy, ở đây do không được gia cố, số lượng đất múc nhiều, trên núi xuất hiện nhiều vết nứt, chỉ cần mưa liên tục vài ngày là đất thấm, bở ra và theo nước mưa tràn xuống làng. “Bây giờ đơn vị thi công đang làm cao tốc, mưa đất đá tràn xuống làng kêu họ tới khắc phục nhanh, nhưng vài bữa nữa họ làm xong đi nơi khác, trời mưa lại sạt lở, chúng tôi biết kêu ai? Người dân đang rất lo lắng”- ông Dũng nói.

Nhiều người dân mệt mỏi, lo lắng và mong muốn phải có hướng khắc phục tình trạng sạt lở núi để họ yên tâm sinh sống. Ông Dũng cho biết, vừa rồi xã Hòa Liên họp cũng có chỉ đạo di dời dân trong trường hợp nguy cấp. Tuy nhiên phương án cụ thể như di dời đi đâu, ăn ở ra sao, di dời lâu dài hay tạm bợ thì vẫn chưa rõ ràng. Trao đổi với PV, ông Lê Văn Hoàn- Phụ trách gói 17 Dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan cho biết, trong vài ngày tới các đơn vị thi công, tư vấn, chủ đầu tư, BQL dự án…sẽ họp để thống kê các điểm sạt lở, đo khối lượng sạt lở cụ thể và đưa ra hướng khắc phục. Tại điểm sạt lở ở tổ 4 thôn Quan Nam 3, ông Hoàn cho biết trong thiết kế ban đầu không có gia cố, làm ta luy dương khu vực núi bị bạt mà tại đó có cầu vượt. Tuy không có giải pháp từ ban đầu, nhưng trong quá trình thi công, do mưa bão phát sinh điểm sạt lở, ảnh hưởng tới tính mạng, cuộc sống của người dân thì sẽ phải tính toán bổ sung. “Chúng tôi sẽ họp đưa ra giải pháp cụ thể làm sao đảm bảo sự an toàn nhất để người dân yên tâm sinh sống. Chúng tôi luôn suy nghĩ sẽ đặt trường hợp nếu mình là người dân sống ở đó thì sẽ thế nào để mà giải quyết mọi việc”- Ông Hoàn chia sẻ.

Điểm sạt lở ở công trình cao tốc “treo” trên đầu làng.

Núi bị bạt, múc đất và không được gia cố bằng taluy dương,
nguy cơ lở núi, ụp xuống làng bất cứ lúc nào.

Ông Trương Tấn Mạnh- Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, để chống tình trạng sạt lở từ chân cầu vượt trên tuyến cao tốc tràn đất đá xuống nhà nhân, TP đã có chủ trương cho xây dựng kè và hệ thống mương gom nước dọc khu vực sạt lở. Theo đó, sau khi kè, gom nước lại theo cống xả thì trời mưa sẽ không mang theo đất đá tràn xuống làng mạc. Hiện tại người dân mong muốn tình trạng sạt lở phải sớm được giải quyết dứt điểm, bởi lẽ trong mùa mưa bão hiện nay, cứ mỗi lần mưa là người dân lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

HẢI QUỲNH