Nơm nớp nỗi lo đuối nước

Thứ bảy, 13/06/2020 20:33

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Gia Lai lại xảy ra hàng chục trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Dù các ngành chức năng đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp cảnh báo. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em hàng năm bị đuối nước vẫn là vấn đề nổi cộm trên địa bàn.

Một vụ đuối nước làm 4 em học sinh THCS tử vong tại Gia Lai.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 43 vụ đuối nước, làm tử vong 49 người. Trong đó, có 24 vụ khiến 29 trẻ em tử vong. Mới đây, chỉ riêng trong 3 ngày 22-5 đến 24-5, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 6 trẻ tử vong.

Cụ thể, vào khoảng 15 giờ ngày 24-5, 2 anh em ruột Trần Nhã (2010), Trần Hào (2011) và em Trần Văn Thắng (2011, cùng trú tại thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang, H. Chư Pưh) rủ nhau đến nhà bạn là em Mai Gia Bảo (2011, trú tại thôn Ia Ke, xã Ia Phang) chơi. 4 em nhỏ trên đã cùng với 2 em khác rủ nhau ra ruộng gần nhà em Bảo để bắt cá. Một lúc sau, các em Nhã, Hào, Bảo và Thắng xuống 1 hồ nước gần ruộng tắm. Hậu quả, 3 em Nhã, Hào và Bảo đã vử vong dưới hồ do đuối nước. Trước đó, vào ngày 22, 23-5, 2 em nhỏ ở làng Groi (xã Kon Thụp, H. Mang Yang) và cháu Blon (2015, làng Brông Groai, xã Ia Pết, H. Đăk Đoa) cũng tử vong vì đuối nước.

Trước tình hình trên, CA tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị, Công an các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn đuối nước ở trẻ em. Trong đó, tham mưu cấp ủy, các ngành chức năng rà soát, gắn các biển cảnh báo nguy hiểm và có biện pháp phòng ngừa đuối nước tại những khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương biên soạn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống khi đuối nước phát đến các trường học, gia đình giúp giáo viên, phụ huynh và các cháu nâng cao nhận thức, chủ động trong công tác phòng, ngừa đuối nước ở trẻ em. Vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát, quản lý con em mình đặc biệt trong kỳ nghỉ hè và mùa mưa bão sắp tới; chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Những ao, hồ tưới trở thành "cái bẫy" chết người khi các em nhỏ hiếu động, thiếu kỹ năng và không có sự trông coi của người lớn.

Tuy nhiên, nhìn lại những năm qua, tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn chưa có dấu hiệu giảm dù chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện. Mỗi năm, tỉnh Gia Lai hầu như đều xảy ra tình trạng đuối nước tập thể khi các em rủ nhau đi chơi, tắm ở khu vực sông, hồ nhưng không có người lớn trông coi cũng như không biết bơi.  Đơn cử, tháng 6-2017, 4 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 rủ nhau ra khu vực hồ tưới cà-phê của Cty cà-phê Ia Sao 2 (xã Ia Sao, H. Ia Grai) chơi thì bị đuối nước tử vong cả 4 em. Trước đó, vào tháng 3-2017, tại khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 (làng Dăng, xã Ia O, H. Ia Grai), cũng xảy ra vụ đuối nước khiến 4 học sinh Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O) tử vong.

Tình trạng trẻ em tử vong vì đuối nước đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại trên địa bàn tỉnh Gia Lai khi đây là tỉnh có tỷ lệ trẻ tử vong vì đuối nước hàng năm cao của cả nước. Theo thống kê của Sở LĐ&TB-XH tỉnh Gia Lai, từ năm 2016 đến nay đã có 263 trẻ em tử vong vì đuối nước. Đó là con số đáng báo động cũng như hồi chuông cảnh báo đối với gia đình có con nhỏ, sinh sống ở gần khu vực hồ, sông, suối nhưng thiếu sự trông coi của người lớn. Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm như: môi trường sống thiếu an toàn cho trẻ, đa số trẻ em chưa biết bơi và thiếu các khu vui chơi cho trẻ em, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Điều quan trọng, các em thiếu đi kỹ năng sống khi địa bàn tỉnh Gia Lai là khu vực nhiều sông, hồ. Đặc biệt, rất nhiều hồ nước nhân tạo do con người đào để lấy nước đã trở thành "cái bẫy" chết người khi nhiều em nhỏ xuống tắm, chơi đùa tại đây.

UBND tỉnh Gia Lai cũng đã phê duyệt đề án Tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2017-2020. Qua đó, nhằm tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành và đoàn thể trên địa bàn đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ. Nhiều vấn đề, mục tiêu đặt ra như: 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ và đến năm 2020 mỗi địa phương phải có ít nhất 2 hồ bơi để tổ chức tập bơi phổ cập cho trẻ em. Bên cạnh đó, 100% ao hồ, đập, hồ tưới... thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em như làm rào chắn, biển báo. Với các biện pháp đề ra, mục tiêu của đề án hàng năm giảm 15% tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm trước. Bên cạnh đó, hàng năm, UBND tỉnh Gia Lai đều có văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, mục tiêu vẫn chưa thể đạt được khi tỷ lệ trẻ em đuối nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn ở mức cao.

M.T