Nơm nớp nỗi lo sạt lở trong mùa mưa bão

Thứ hai, 20/09/2021 20:09

Nhiều hộ dân tại các huyện Phú Lộc, Nam Đông và A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế đang sống trong cảnh bất an vì nguy cơ sạt lở núi khi mùa mưa bão đến. 

Vết nứt trên ngọn núi sau lưng nhà người dân tại thôn Phú Gia xã  Lộc Tiến (ảnh người dân cung cấp).

Bất an mùa mưa bão

Tại thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, H. Phú Lộc, 14 hộ dân sống dưới chân đèo Phú Gia lo lắng bởi ngọn núi sau lưng nhà họ đang có dấu hiệu sạt lở, nhất là khi Huế đang bắt đầu vào mùa mưa bão. Có mặt tại thôn Phú Gia, chúng tôi lên ngọn núi mà người dân phản ánh để “mục sở thị”. Tại đây, một rãnh nứt lớn như chia cắt  1/3 quả đồi, với chiều ngang ước chừng hơn 10 mét, các điểm bị sạt lở tạo thành bức tường đất cao chực chờ ập xuống các hộ dân dưới chân núi. 

Nỗi lo của 14 hộ dân đang sinh sống dưới chân đèo Phú Gia khi mỗi mùa mưa bão đến họ luôn trong tình trạng đứng ngồi không yên bởi nguy cơ sạt lở. Được biết, khu vực này đã từng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng trong trận lũ lịch sử năm 1999, vùi lấp đi 1 căn nhà. Trong những năm tiếp theo tình trạng sạt lở đất vẫn tiếp tục diễn ra làm thiệt hại nhiều hoa màu, tài sản của người dân. 

Tại thôn Lập, xã Thượng Nhật, H. Nam Đông hiện có 78 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu vẫn đang sống trong vùng “nguy hiểm” của Thủy điện Thượng Nhật; 21 hộ dân thị trấn Khe Tre vẫn kẹt giữa giữa 2 tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan và Tỉnh lộ 14B.

Theo ông Hồ Văn Vang, trú thôn Lập, xã Thượng Nhật, bà con nơi đây rất lo lắng bởi đang sinh sống dưới chân núi còn phía trên vẫn đang tồn tại công trình thủy điện Thượng Nhật. Mỗi khi có mưa lớn bà con trong thôn phải sơ tán đến nơi an toàn. “Chúng tôi rất mong được chính quyền các cấp xem xét di dời, giúp bà con yên tâm sinh sống”, ông Vang nói.

Mong chờ kinh phí

Theo ông Phan Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến (H. Phú Lộc): “Qua nhiều cuộc họp, vừa rồi Nhà nước đã bố trí tái định cư, hỗ trợ 20 triệu đồng theo quyết định của Chính phủ về việc di dân ở vùng thiên tai, sạt lở. Nhưng những hộ dân này chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, điều kiện khó khăn vì thế họ chưa di dời. Những lúc mưa bão, chính quyền xã luôn vận động, hỗ trợ người dân đến nơi ở an toàn. Vừa rồi, UBND tỉnh có chủ trương khảo sát, tiến hành đền bù tài sản để đưa dân đến nơi ở mới, UBND xã đang chờ quyết định phân bổ vốn để tiến hành đưa bà con đến nơi tái định cư”.

Tại H. Nam Đông, ông Lê Thanh Hồ- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để bảo đảm an toàn cho người dân, địa phương vận động và thực hiện sơ tán tạm thời các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng khi mưa lớn kéo dài; cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét. Về lâu dài, địa phương triển khai rà soát, xác định những vị trí có nguy cơ sạt lở để xây dựng phương án bố trí tái định cư, di dời các hộ ở các vị trí nguy hiểm đến nơi an toàn. “Nguyện vọng của người dân là đề nghị huyện có dự án di dời các hộ dân này. Về trách nhiệm của huyện và của tỉnh cũng đã có rồi nhưng nguồn lực hiện vẫn còn khó khăn. Mong muốn là trong đầu tư trung hạn của tỉnh nên có phần đầu tư cho các khu tái định cư để di dời người dân đến nơi an toàn”, ông Hồ nói.

Nguy cơ sạt lở từ việc khai thác đất

Ghi nhận tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế, nguyên nhân tác động làm lở núi một phần từ việc khai thác đất của các doanh nghiệp và cá nhân dưới hình thức trái phép. Theo người dân tại thôn Phú Gia (xã Lộc Tiến) nguyên nhân đứt gãy, sụt lún gây sạt lở núi Phú Gia là do các đơn vị thi công đường cảng Chân Mây khai thác đất đá ở khu vực núi làm đường công vụ và hệ thống đường giao thông. Sau khi khai thác xong, đơn vị thi công đã không chịu hoàn trả mặt bằng, trong khi núi cao và có độ dốc lớn, gây nên tình trạng sạt lở.

Hiện trường điểm khai thác đất trái phép ở thôn Pa Hy (xã Hồng Hạ, H. A Lưới).

Giữa tháng 8 vừa qua, dọc tuyến Quốc lộ 49 dẫn lên huyện miền núi A Lưới, tại khu vực thôn Pa Hy (xã Hồng Hạ) xuất hiện điểm khai thác đất với quy mô lớn, một quả đồi sau lưng nhà của nhiều hộ dân đã bị máy xúc nạo vét một khoảnh đất sâu, nguy cơ sạt trượt cả quả đồi xuống nhiều nhà dân đang nằm chênh vênh bên tuyến quốc lộ. Ngay sau đó UBND xã Hồng Hạ tiến hành lập biên bản, đình chỉ khai thác đất tại địa điểm thôn Pa Hy trên.

Theo Trung tá Lại Phước Lợi- Trưởng CAH A Lưới, liên quan đến hành vi khai thác khoáng sản (tài nguyên đất) trái phép xảy ra trên địa bàn, Công an huyện cũng đã ra quyết định xử phạt rất nhiều trường hợp vi phạm, chủ yếu là các hộ dân sinh sống ở địa bàn huyện.

Mới đây nhất, tại khu vực rừng sản xuất ở khoảnh 6, tiểu khu 287 xã Hồng Hạ, H. A Lưới, UBND xã Hồng Hạ đã phát hiện bà Hồ Thị Liệu (trú thôn A Rom, xã Hồng Hạ) đang có hành vi khai thác đất rừng sản xuất. UBND huyện A Lưới ra quyết định   xử phạt hành chính bà Liệu 27,5  triệu đồng.

HOÀI NHÂN