Nóng bỏng cuộc chiến giữ rừng Tây Nguyên (Kỳ 1: Nhận quản lý, bảo vệ rừng để... phá rừng!)
Trong những năm qua, hàng trăm ngàn héc-ta rừng, đất rừng ở Tây Nguyên đã được chính quyền địa phương giao khoán cho các doanh nghiệp (DN), Cty lâm nghiệp để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp, trồng thêm rừng để tăng độ che phủ. Tuy nhiên, nhiều DN, Cty lâm nghiệp đã lợi dụng chính sách này nhận đất, nhận rừng nhằm trục lợi và đua nhau phá rừng. Hậu quả nhãn tiền là hàng chục DN, Cty lâm nghiệp bị giải thể, phá sản, kéo theo chừng ấy cán bộ quản lý rừng bị khởi tố, bắt giam. Đó là những con số có thể định lượng, đo đếm được, nhưng về định tính, hậu quả còn nặng nề, khốc liệt hơn rất nhiều... Tại Tây Nguyên, Đắc Nông được xem là địa phương đứng đầu trong việc giao khoán rừng, đất rừng cho các DN, Cty lâm nghiệp; đồng nghĩa, đây cũng là địa bàn “nóng” nhất về tình trạng để mất rừng nhiều năm qua.
Hiện trường một vụ phá rừng năm 2017 tại xã Trường Xuân, Đắc Song, Đắc Nông. |
Một trong những DN “điển hình” cho tình trạng để mất rừng, mà nguyên nhân chính là do đội ngũ cán bộ chủ chốt của Cty đã “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp (LN) Trường Xuân (viết tắt là Cty LN Trường Xuân), đóng tại xã Trường Xuân, H. Đắc Song, tỉnh Đắc Nông. Theo tài liệu của CQĐT CA tỉnh Đắc Nông, Cty LN Trường Xuân tiền thân là Lâm trường Trường Xuân được giao gần 16.000ha, trong đó có hơn 14.000ha rừng tự nhiên, 239ha rừng trồng, gần 1,3 ngàn ha đất không có rừng.
Ngày 7-11-2011, UBND tỉnh Đắc Nông ban hành Quyết định số 1706/QĐ-UBND về việc phê duyệt, công bố số liệu hiện trạng rừng năm 2010 của tỉnh Đắc Nông bằng công nghệ viễn thám. Theo đó, tính đến ngày 31-12-2010, Cty LN Trường Xuân có tổng diện tích hơn 6.877ha, hiện trạng gồm hơn 2.287ha rừng tự nhiên; hơn 329ha rừng trồng sản xuất và hơn 4.260ha đất không có rừng. Theo Quyết định của UBND tỉnh Đắc Nông, kể từ ngày 31-12-2010, Cty LN Trường Xuân có trách nhiệm bảo toàn và phát triển bền vững diện tích hơn 2.287ha rừng tự nhiên đã được UBND tỉnh cho thuê; tổ chức bảo vệ không để rừng bị phá; khai thác hợp lý tài nguyên rừng, thường xuyên cập nhật diễn biến 2.287ha rừng tự nhiên báo cáo các cơ quan chức năng để có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng để bảo toàn và phát triển bền vững diện tích rừng được giao quản lý nói trên.
Tuy mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp tổ chức quản lý bảo vệ rừng được xác định đầy đủ trong Phương án QLBVRTT hằng năm cũng như các văn bản chỉ đạo cụ thể của các cấp chính quyền, nhưng trên thực tế công tác QLBVR của Cty LN Trường Xuân không làm đúng như các nội dung quy định trong phương án đã được phê duyệt và nội dung tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định. Hậu quả là với hơn 6.877ha rừng được giao năm 2011, thì đến năm 2014 đã có hàng ngàn héc-ta rừng đã biến mất, trong đó có gần 77ha rừng tự nhiên bị hủy hoại, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tương tự Cty LN Trường Xuân, Cty TNHH MTV LN Quảng Đức (gọi tắt là Cty LN Quảng Đức), xã Quảng Phú, H. Krông Nô (tỉnh Đắc Nông) cũng là ví dụ điển hình. Tháng 12-2010, UBND tỉnh Đắc Nông có quyết định giao cho Cty TNHH MTV LN Quảng Đức quản lý gần 14.000ha rừng, với 19 tiểu khu, trong đó có gần hơn 7,3 ngàn héc-ta rừng tự nhiên, 771ha rừng trồng sản xuất và hơn 5,7 ngàn héc-ta đất không có rừng... Qua kiểm tra cho thấy, kể từ ngày 31-12-2010 cho đến khi giải thể vào tháng 7-2016, công tác QLBVR của Cty LN Quảng Đức đã không thực hiện đúng như các nội dung quy định trong phương án đã được phê duyệt và nội dung tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định. Hậu quả là trong tổng số 7,3 ngàn héc-ta rừng tự nhiên được giao quản lý, bảo vệ từ năm 2011 thì đến năm 2014, Cty này đã khiến cho gần 1,7 ngàn héc-ta rừng bị hủy hoại.
Cty TNHH MTV LN Đức Hòa (viết tắt là Cty Đức Hòa), H. Đắc Song (Đắc Nông) cũng là DN “góp phần” làm cho rừng ở Tây Nguyên thêm cạn kiệt. Trong tổng số gần 14.000ha rừng được giao quản lý từ năm 2010, trong đó có hơn 12.000ha rừng tự nhiên thì đến tháng 12-2014, có tới hơn 1,4 ngàn héc-ta rừng tự nhiên đã bị hủy hoại...
Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Nông, trong khoảng 10 năm trở lại đây, địa phương này đã mất hơn 15.000ha rừng tự nhiên khi giao cho các Cty LN quản lý, đó là chưa kể hàng chục ngàn héc-ta đất sản xuất, đất không có rừng cũng rơi vào cảnh tương tự. Rừng mất, đất lâm nghiệp bị xâm canh, tình trạng mua bán đất rừng diễn ra tràn lan... đó là hệ lụy khôn lường mà các Cty LN để lại cho địa phương.
Tại Gia Lai, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được UBND tỉnh giao hơn 9.000ha rừng và đất lâm nghiệp vào năm 2011, đến đầu năm 2017 chỉ còn hơn 6,6 ngàn héc-ta, tức 30% diện tích đã mất quyền sử dụng hoàn toàn. Để che giấu trách nhiệm, khi làm mới và chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lãnh đạo Ban cố ý đã bỏ ra ngoài hơn 1.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Dấu hiệu thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái của đội ngũ lãnh đạo BQL và chính quyền một số địa phương liên quan cũng đã được CA tỉnh điều tra, làm rõ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.
Theo kết quả kiểm tra của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên năm 2017 cho thấy, UBND các cấp và BQL rừng phòng hộ là 2 chủ thể để mất rừng nhiều nhất. Cụ thể, UBND các cấp để mất hơn 209.000ha; các BQL rừng để mất hơn 112.000ha; DN nhà nước để mất hơn 87.000ha; hộ gia đình để mất hơn 25.000ha. Cũng theo kết quả kiểm tra của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tại 5 tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng cho thấy, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên hiện có là hơn 3,3 triệu héc-ta, trong đó diện tích có rừng là gần 2,6 triệu héc-ta, chiếm 76,21% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn vùng Tây Nguyên đã được giao cho các BQL rừng đặc dụng, phòng hộ; DN nhà nước; DN tư nhân; lực lượng vũ trang; hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư; UBND các cấp và các tổ chức khác quản lý sử dụng...
Ngoài nguyên nhân làm cho diện tích rừng bị biến mất, thất thoát lớn là tình trạng di dân tự do dẫn đến phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất, làm nương rẫy... thì một nguyên nhân quan trọng khác được xác định là một số đơn vị, tổ chức, DN, cá nhân được giao QLBVR và đất lâm nghiệp với diện tích lớn nhưng thiếu năng lực, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ.
(còn nữa)
D.Hùng - C.Hạnh