Nóng bỏng cuộc chiến giữ rừng Tây Nguyên (Kỳ cuối: Giải pháp nào quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả)
Rất nhiều câu hỏi, vấn đề đặt ra đối với chính quyền, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắc Nông nói riêng nhằm khắc phục tình trạng mất rừng, rừng bị tàn phá, lấn chiếm trái phép. Thực tế cho thấy, tình trạng buông lỏng quản lý trong thời gian dài dẫn đến hệ lụy không chỉ mất rừng, mất cán bộ mà còn dẫn đến nguy cơ mất ổn định ANTT...
Hàng trăm héc-ta rừng giao cho các Cty lâm nghiệp ở Đắc Nông quản lý, bảo vệ bị người dân tàn phá, chiếm đất sản xuất. |
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Đắc Nông, trong 5 năm (2010-2015), diện tích rừng tự nhiên bị hủy hoại, tàn phá trên địa bàn tỉnh lên đến 26.000ha, diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, bao chiếm hơn 50.000ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp giao cho các doanh nghiệp (DN), Cty lâm nghiệp cũng bị bao chiếm tràn lan, với hơn 8.000ha bị chiếm giữ trái phép. Đáng nói hơn, tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân và các DN cũng rất phức tạp. Tại một số địa bàn đã xuất hiện các nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tổ chức biểu tình, khiếu kiện đông người vượt cấp tại trụ sở UBND tỉnh và các cơ quan T.Ư ở Hà Nội.
Thiếu tá Nguyễn Văn Chuyên - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh Đắc Nông cho biết, thời gian qua, qua công tác điều tra, nắm tình hình, CA tỉnh Đắc Nông đã xác lập nhiều chuyên án với quy mô lớn để điều tra, xử lý các đối tượng hủy hoại rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng và khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, thậm chí xuất hiện các băng, nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, bảo kê, chặt phá rừng, cướp đất... Đó là chưa kể, có một số phần tử phản động móc nối, lôi kéo người dân tụ tập đông người biểu tình, khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định an ninh nông thôn. Điển hình là Chuyên án TX 1212 (xác lập năm 2012), Chuyên án TX0613 (xác lập năm 2013) và TX 0916 (xác lập năm 2016) về điều tra, xử lý các băng, nhóm tội phạm hình sự và các đối tượng vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng đất đai, QLBVR tại xã Quảng Trực và xã Đắc Ngo (H. Tuy Đức). Liên quan đến các chuyên án này, trong giai đoạn 2012-2016, CA tỉnh Đắc Nông đã ra quyết định khởi tố hàng chục vụ án, hàng trăm đối tượng có liên quan về các hành vi cướp tài sản, hủy hoại tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái phép, vô ý làm chết người, vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, hủy hoại rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép... Đáng lưu ý trong các chuyên án này đã xuất hiện các băng nhóm tội phạm chuyên “làm dịch vụ giải tỏa” dân xâm canh cho các Cty, thậm chí bọn chúng còn có hành vi cướp đất, chiếm đất, lừa đảo bán đất, cưỡng đoạt tài sản của người dân.
Đại tá Lê Vinh Quy - Phó Giám đốc, Thủ trưởng CQĐT CA tỉnh Đắc Nông cho biết: “Trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn còn nhiều phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và phát triển KT-XH. Trong đó nổi lên nhất là tình trạng hủy hoại, lấn chiếm, mua bán đất rừng, khai thác lâm sản trái phép diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại hàng chục ngàn héc-ta rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và tác động xấu đến ANTT”.
Đại tá Lê Vinh Quy cho biết thêm, cùng với việc tăng cường công tác điều tra phá án, lực lượng CA tỉnh cũng tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương tiến hành các vụ cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi đất do phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Với phương châm kiên trì, cương quyết, khởi tố đúng người, đúng tội, nhiều chuyên án với hàng loạt đối tượng liên quan đến rừng, đất rừng đã được lực lượng CA đấu tranh đưa ra trước ánh sáng pháp luật, góp phần phòng ngừa, răn đe loại tội phạm này. Đồng thời, lực lượng chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành luật pháp cho người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ rừng và tài nguyên trên địa bàn.
Nói về nguyên nhân dẫn đến rừng Tây Nguyên ngày càng cạn kiệt, teo tóp, theo quan điểm của Thiếu tá Nguyễn Văn Chuyên - Phó Trưởng phòng CSKT CA tỉnh Đắc Nông, tác nhân chính gây ra thực trạng rừng bị “xẻ thịt” là do di dân tự do các tỉnh phía Bắc lên Tây Nguyên ồ ạt trong nhiều năm qua. Đơn cử tại Đắc Nông, theo số liệu thống kê cho thấy, số di dân tự do trước và sau khi chia tách tỉnh là gần 38.000 hộ với khoảng 173.000 nhân khẩu (cao điểm là từ năm 1997-2000). Ngoài yếu tố khách quan kể trên, có thể nói, trong một thời gian khá dài, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Tây Nguyên nói chung, Đắc Nông nói riêng hết sức lỏng lẻo cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng, đất rừng bị xâm hại nghiêm trọng.
Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng và đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên nói chung, Đắc Nông nói riêng, theo ý kiến của một cán bộ nguyên lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương thì cần phải có sự vào cuộc rốt ráo các bộ, ngành T.Ư trong việc chỉ đạo chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới Cty nông, lâm nghiệp trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh và có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành T.Ư cũng cần hỗ trợ kinh phí để tổ chức thực hiện việc rà soát, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với rà soát đất đai của các Cty lâm nghiệp với giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với diện tích đất lâm nghiệp đã bị người dân lấn chiếm lâu năm và đang sản xuất nông nghiệp ổn định, nhất là các khu vực dân di cư tự do đã ổn định thành cộng đồng đã nhiều năm, các bộ, ngành cần nghiên cứu, cho chủ trương rà soát, chuyển mục đích sử dụng đất và giao lại cho địa phương quản lý để bố trí đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất hoặc có cơ chế để các Cty lâm nghiệp hợp đồng giao khoán, cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuê đất để họ trồng rừng, trồng các loại cây công nghiệp và yên tâm sản xuất.
Đối với các địa phương, cần đổi mới và nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn, buôn, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm địa bàn. Đẩy mạnh việc giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã quản lý hiện nay, bởi diện tích rừng này đang bị phá và lấn chiếm nhiều nhất. Các tỉnh cần có giải pháp và lộ trình cụ thể hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới các Cty lâm nghiệp trên địa bàn, bởi hầu hết các Cty lâm nghiệp đều có đất tranh chấp, khiếu nại, nhiều Cty để xảy ra tranh chấp nhiều năm liền nhưng chưa giải quyết được, gây mất ANTT trên địa bàn. Tiếp tục tổ chức cưỡng chế, giải tỏa đối với các diện tích rừng bị phá, lấn chiếm rồi giao lại cho chủ rừng trồng, phục hồi và QLBVR, không để phát sinh tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Vấn đề quan trọng nữa là các tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, trên cơ sở đó kiên quyết đình chỉ, thu hồi, xử lý các dự án có sai phạm, để xảy ra phá rừng, không thực hiện dự án hoặc thực hiện nhưng hiệu quả kém. Đồng thời tính toán giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tại các dự án xảy ra phá rừng để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và buộc phải bồi thường thiệt hại do để xảy ra phá rừng...
D.Hùng - C.Hạnh