Nóng bỏng cuộc chiến trên sông (2)

Thứ bảy, 07/11/2015 11:33

* Bài cuối: Xử lý triệt để bằng cách nào?

(Cadn.com.vn) - 3 giờ 30 ngày 4-10, việc truy quét sa tặc trên tuyến sông Cẩm Lệ cơ bản kết thúc. Do lực lượng mỏng, người điều khiển phương tiện vi phạm tìm mọi cách chống đối để trốn thoát nên chúng tôi chỉ bắt quả tang được 2/3 thuyền vi phạm. Ngay trong rạng sáng 4-10, CAQ Cẩm Lệ tăng cường thêm lực lượng di chuyển phương tiện vi phạm về điểm tập kết để hoàn thiện hồ sơ xử lý. 4 giờ, biết tin có thuyền sa tặc bị bắt, lực lượng “chim lợn” chuyên cảnh giới và người thân của thuyền vi phạm kéo đến gây áp lực. Tuy nhiên, trước thái độ cứng rắn, cương quyết của lực lượng truy quét, kết cục mọi chuyện cũng đã được giải quyết thỏa đáng.

Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ khen thưởng CBCS Đội  CSĐTTP về QLKT-CV&MT CAQ Cẩm Lệ
về thành tích truy bắt thuyền khai thác cát trái phép.

Từ thực tế tham gia truy quét sa tặc và theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do thời gian gần đây, nhu cầu xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng ngày một gia tăng kéo theo vật liệu xây dựng, nhất là cát cung không đủ cầu. Có thời điểm, 1m3 cát trắng (loại cát tô) giá 300.000 đồng, cát xây là 180.000 đồng/m3 và cát đổ nền là 120.000 đồng/m3. Lượng cát từ địa bàn Quảng Nam chở ra Đà Nẵng tiêu thụ không đủ, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đang đẩy mạnh công tác xử lý các điểm khai thác cát trái phép nên sa tặc lén lút di chuyển từ Quảng Nam ra Đà Nẵng hút trộm cát. Như trường hợp thuyền khai thác của Nguyễn Thị Bé Thay bị chúng tôi phát hiện, bắt quả tang ngày 4-10, chủ sở hữu thuyền là ông Lê Văn Tươi (1968, trú khối 4, TT Vĩnh Điện, H. Điện Bàn, Quảng Nam). Thay chỉ là người khai thác thuê, vậy nên CAQ Cẩm Lệ đề xuất UBND Q. Cẩm Lệ ra quyết định xử phạt chủ thuyền với mức 40 triệu đồng.

Qua khảo sát của chúng tôi, hầu hết các đối tượng vi phạm đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí không biết chữ. Như trường hợp của vợ chồng Lê Thanh Minh-Nguyễn Thị Hà, khi cơ quan chức năng lập biên bản phạm tội quả tang, cả hai không thể ghi được tên của mình, phải điểm chỉ vào phần ký tên người vi phạm. Hà thừa nhận với chúng tôi là trước đây làm nghề chèo đò, gặp và kết hôn với Minh khi đó đang đánh cá thuê cho các chủ tàu ở Đà Nẵng. Cả hai từ nhỏ mưu sinh bằng nghề sông nước nên chưa có chỗ ở ổn định, thất học, sinh sống chủ yếu trên thuyền, vừa là nhà, vừa là phương tiện khai thác cát trái phép. Trước gia cảnh này, CAQ Cẩm Lệ đề xuất UBND Q. Cẩm Lệ ra quyết định xử phạt vợ chồng Minh 6 triệu đồng.

Trước đó, tối 9-8, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Đà Nẵng đã phát hiện bắt quả tang Nguyễn Thị Hà, Huỳnh Thị Sang (1972) và Lê Tú Mười (1979, cùng trú P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà) đang hút cát trộm trên đoạn sông Cái thuộc P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ). Trong số này, Huỳnh Thị Sang có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bà thuộc diện hộ nghèo, bản thân bị bệnh tim, chồng không có công việc làm ổn định. Trước đây bà đi buôn cá ở chợ, tích cóp, vay mượn được 95 triệu đồng mua lại chiếc thuyền cũ về gọi thêm một số lao động cùng đi hút cát trộm.



Hiện trường thuyền khai thác cát trái phép bị bắt quả tang.

Tại hội nghị sơ kết tình hình phát triển KT-XH Q. Cẩm Lệ 9 tháng của năm 2015, ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông chảy qua địa bàn Q. Cẩm Lệ vẫn còn hết sức phức tạp. Ông Sơn cảnh báo, nếu cơ quan chức năng không vào cuộc giải quyết triệt để thì rất có khả năng, sa tặc hút cát gây sạt lở đến SVĐ Hòa Xuân đang triển khai thi công. Ngoài việc sạt lở đất làm thay đổi dòng chảy và tạo ra những hố sâu dưới lòng sông, nhiều thuyền sa tặc lén lút sục vòi rồng vào bờ hút cát khiến hồ nuôi tôm của bà con ngư dân P. Hòa Xuân bị hư hỏng. Thêm nữa, do lén lút vận hành trong đêm tối nên rất nhiều ngư cụ của bà con ngư dân hành nghề trên sông bị thuyền sa tặc làm cho hư hỏng. Vậy nên, lãnh đạo Q. Cẩm Lệ yêu cầu lực lượng CAQ Cẩm Lệ tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công tác tuần tra mật phục, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Theo CAQ Cẩm Lệ, thực hiện theo yêu cầu của lãnh đạo địa phương, từ năm 2014, đơn vị xây dựng kế hoạch đấu tranh quyết liệt với tội phạm này. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, CAQ Cẩm Lệ triển khai nhiều đợt truy quét, phát hiện bắt quả tang 7 thuyền khai thác cát trái phép trên tuyến sông Cẩm Lệ thuộc địa bàn P. Hòa Xuân.

Việc khai thác cát trái phép gây sạt lở đất nghiêm trọng.

Về công tác xử lý sa tặc hiện nay, theo chúng tôi là rất khó khăn và phức tạp, chỉ mới xử lý được phần ngọn. Thứ nhất, hoạt động vi phạm thường diễn ra vào ban đêm, sông nước mênh mông, lực lượng chức năng không đủ phương tiện để có thể tuần tra, đẩy đuổi, xử lý thường xuyên. Trong khi đó sa tặc tìm mọi cách để đối phó, có bố trí người giám sát cơ quan chức năng trong quá trình hành nghề. Thứ đến, việc xử lý đối tượng vi phạm chỉ mới dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, phạt xong thả ra thì đối tượng lại tiếp tục tái phạm. Vì lợi nhuận thu lại hằng đêm rất lớn nên chỉ cần hoạt động 1 tuần là có dư tiền nộp phạt. Để giải quyết triệt để vấn nạn này, theo chúng tôi, ngoài việc trang bị thêm phương tiện cho cơ quan chức năng tuần tra, truy quét xử lý tại hiện trường còn cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển đổi ngành nghề cho các chủ phương tiện vi phạm có hoàn cảnh khó khăn. Thứ đến là phải tăng cường công tác quản lý, giám sát các điểm thu mua cát, sạn trên địa bàn TP Đà Nẵng, xử lý nghiêm các thuyền hút cát không rõ nguồn gốc chở đến tiêu thụ. Có như vậy thì việc khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát trên các tuyến sông ở địa bàn TP Đà Nẵng mới được xử lý triệt để.

Nguyên Thảo