Nóng chuyện du học sinh không về nước, lừa đảo "việc nhẹ lương cao"
ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, việc bảo hộ công dân trên các lĩnh vực ở nước ngoài sau đại dịch COVID-19 được sự đồng tình của nhân dân cả nước, bà con Việt kiều rất cảm ơn Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, có không ít trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài rồi không về nước, làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác, đi học khó khăn. Vậy trách nhiệm của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự như thế nào, có biện pháp gì can thiệp, trục xuất các đối tượng này về nước để lập lại kỷ cương?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau đại dịch COVID-19, giao lưu giữa Việt Nam với quốc tế tiến hành rất mạnh mẽ. "Năm 2022 chỉ có khoảng 3,8 triệu lượt công dân Việt Nam ra nước ngoài, trong khi con số này năm 2023 lên tới hơn 10 triệu lượt người. Như vậy, số lượng lao động, du học sinh của chúng ta quay trở lại các nước học tập, lao động tăng lên rất nhanh" - Bộ trưởng dẫn chứng.
Về tình trạng xảy ra vi phạm pháp luật ở nước ngoài của lao động, du học sinh, Bộ trưởng cho rằng ảnh hưởng đến hoạt động giao lưu, hợp tác với các nước khác. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định, quy trình, quy chế để lao động chúng ta ra nước ngoài đảm bảo chấp hành tốt pháp luật nước sở tại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ hợp tác giữa hai nước. Du học sinh chúng ta ra nước ngoài rất đông, số ở lại đều có tâm tư, nguyện vọng về đất nước cống hiến, phục vụ, nhưng cũng băn khoăn, trong khi bên đó vẫn đang có các điều kiện để các em ở lại học tập, đóng góp.
"Vừa rồi, lãnh đạo cấp cao của chúng ta qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc kiều bào cũng có trả lời, nếu các cháu du học sinh cảm thấy việc ở lại có thể phát huy vai trò công việc của mình sau khi học xong ở nước sở tại thì rất tốt, vừa góp phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước. Đồng thời, tri thức của các bạn sẽ được trau dồi, thể hiện trên thực tế, sau này đóng góp tốt hơn" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay. Với những trường hợp trốn ở lại, Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành thông tin và làm việc với các đối tác để các bạn hiểu trong bối cảnh hiện nay.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã triển khai các biện pháp gì để nhằm bảo hộ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại các địa bàn xảy ra xung đột trong thời gian vừa qua? Những khó khăn và giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới?
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, thời gian qua xung đột xảy ra rất nhiều nơi và khó lường. Tại xung đột ở dải Gaza, chúng ta có khoảng 700 công dân ở Israel, với 500 người định cư lâu dài, 200 người sang học tập. Nhưng vừa rồi đã sơ tán ngay các gia đình về chỗ an toàn, mọi việc đều tốt. Hoặc ở Nga – Ukraine, chúng ta có 7.000 công dân thì vừa qua, cả 7.000 công dân đã được sơ tán đến nơi an toàn, trong đó 2.000 người về Việt Nam. Công tác bảo hộ công dân làm rất kịp thời.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung vào công tác dự báo tình hình, dự đoán xung đột xảy ra giữa các nước hoặc xung đột nội bộ. Tiếp tục cảnh báo, thông tin cho các địa phương về công dân ra nước ngoài, nhất là trước những lời mời "làm việc dễ dàng, lương cao" nhưng thực ra ở Philippines, Ủy ban chống tội phạm nước này từng phát hiện 800 người công dân nước khác, trong đó có mấy chục người Việt chủ yếu tham gia sòng bạc và buôn bán tiền điện tử.
ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề cập tình trạng người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân?
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tình trạng lừa đảo, dụ dỗ trẻ vị thành niên ra nước ngoài, trở thành nạn nhân cưỡng bức lao động, bắt cóc, mua bán người tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến... diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề hết sức phức tạp. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức giải cứu, đưa nhiều người về.
"Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân; hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật. Chặt đứt đường dây dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên" - ông nhấn mạnh.
Cùng với đó, chủ động hợp tác các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp, có tổ chức; ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Tiếp tục triển khai tổ chức công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ nạn nhân về nước; hợp tác các nước sở tại giải cứu hết số công dân bị cưỡng bức lao động ở nước ngoài...
Theo chương trình, nội dung chất vấn xoay quanh các vấn đề gồm: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Theo CAND