Nông dân trẻ yêu nghề trồng hoa

Thứ hai, 09/01/2017 10:32

(Cadn.com.vn) - Từ một mảnh đất cằn cỗi với những gốc sắn, ngọn khoai, nay vùng đất Gò Giảng (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đã khoe sắc các loài hoa. Gặp chúng tôi, nhiều cư dân địa phương hồ hởi cho biết: “Từ khi ở đây có dự án trồng hoa, chính quyền các cấp đã đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, hệ thống điện và nước tưới để phục vụ cho việc trồng hoa với diện tích gần 2ha. 32 hộ dân trong thôn đang tích cực chăm sóc hoa để kịp phục vụ Tết Nguyên đán. Chỉ riêng vụ Tết năm ngoái mỗi hộ dân trồng hoa nơi đây đã kiếm được 10-15 triệu đồng”. Năm nay, ngoài trồng các loài cúc kim truyền thống, nhiều người còn mạnh dạn đầu tư các sản phẩm có giá trị hơn; trong đó, phải kể đến vườn cúc đại đóa, cúc pha lê của anh Ngô Đoàn Phương Lịnh (trú Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang) tìm qua thuê đất trồng gần 5.000 chậu cúc đại đóa, pha lê đa dạng kích cỡ, đến thời điểm này, vườn cúc của anh hầu hết đã có người tìm đến mua và đặt hàng. Anh Lịnh nhẩm tính, nếu thời tiết thuận lợi, trừ các khoản chi phí, vụ hoa Tết này, anh ước tính thu nhập hơn 250 triệu đồng…

Anh Lịnh đang chăm sóc vườn cúc Tết của mình.

Mới ở tuổi 30 nhưng anh Lịnh đã có 6 năm trong nghề kinh doanh hoa. Anh tâm sự, xuất phát từ suy nghĩ ban đầu là cần có một nghề kiếm tiền đong gạo, thay thế cho nghề làm công nhân ở các khu công nghiệp. Từ năm 2003, cứ đến ngày rằm, mồng 1 âm lịch hằng tháng là anh ngược xuôi ở các vùng hoa lân cận tìm mua các loại cúc, vạn thọ nhỏ về bỏ các chợ, hoặc cho vào chậu nhựa rồi chạy xe bán lẻ dọc đường, các khu nghĩa địa… Sau đó, anh thấy cây hoa ngày càng gắn bó với mình nên tìm đến các ông chủ trồng hoa ở P. Hòa Thọ Tây (Q. Cẩm Lệ) để vừa làm thuê, vừa học kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là anh Lịnh chưa bao giờ nghĩ hoặc coi việc trồng hoa là thú vui, mà anh luôn tâm niệm, đó là một nghề. Năm 2011, anh quyết định chuyển sang kinh doanh, ban đầu chỉ dám đầu tư khoảng vài trăm chậu/năm, rồi con số ấy cứ tăng dần. Số tiền lãi thu được tính ra nhiều hơn những việc khác mà anh đã từng làm. Sau những năm tháng vất vả, gắn bó với cây hoa cúc, bây giờ anh đã trở thành một trong những người kỳ cựu trong nghề. Tuy nhiên, theo anh, để có được những thành quả như hôm nay là nhờ quá trình đam mê học hỏi và chịu khó áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất và thêm một chút may mắn.

Anh Lịnh nói vui: Người xưa có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” thì nghề trồng hoa như anh phải ăn cơm… chạy! Tiền không nói mà tốn công quá nhiều, ngoài việc thuê 10 lao động phụ giúp, suốt ngày anh tối mặt tối mũi ở ngoài vườn. Thời điểm này hoa phát triển nhanh, cành lá xum xuê nên rất vất vả cho khâu chăm sóc. Trời nắng một ngày phải tưới đến hai lần nước. Thỉnh thoảng có những cơn mưa bất chợt, mà mỗi khi bị mưa trôi thuốc, trôi phân, người làm vườn phải tốn chi phí bơm lại từ đầu mới mong cây sinh trưởng và phát triển đúng tiến độ. Đêm đến phải điều tiết ánh điện phải đều, nếu không hoa sẽ đóng búp. Đối với hoa cúc, điện có tác dụng kích thích cây phát triển chiều cao, công đoạn quan trọng như nhặt những búp ra sớm, hái đọt phải làm dứt điểm không để kéo dài sợ cây mất sức, chất lượng kém. Chủ vườn thay phiên canh giữ ngày đêm, kịp thời phát hiện bệnh…

Với anh Lịnh, ngành nghề nào cũng quý. Tuy nhiên, khởi nghiệp là con đường đầy gian nan, thử thách có thể thành công hoặc ngược lại. Song, điều quan trọng trong anh là phải đi sâu tìm hiểu thực tế, học hỏi kinh nghiệm. Làm gì cũng phải có quyết tâm, phải biết yêu quý một nghề, đừng theo kiểu “đứng núi này trông núi nọ” mà hỏng cơ sự.

Vy Hậu