Nóng mặt với vay nóng

Thứ bảy, 14/12/2013 10:29

* Bài 1: Vòng xoáy ngầm

(Cadn.com.vn) - Vay nóng, đòi nợ thuê - hai thực trạng đi liền với nhau đã đang đeo bám biết bao phận người và trở thành vòng xoáy nguy hiểm. Vay phải trả là chuyện tất yếu, nhưng vào thời buổi kinh tế chồng chất khó khăn, nhất là dịp "tổng kết" năm, khi rơi vào thế bế tắc, người vay lẫn kẻ đòi đối mặt với bao hệ lụy…

Vay ngân hàng vài trăm triệu đồng trả lãi trên 1% mỗi tháng đã là gánh nặng chồng chất với bao người, song vẫn có không ít người chấp nhận vay nóng với lãi suất 10-20%, thậm chí 30%, quả là quá liều lĩnh. Từ dân làm ăn lớn đến tiểu thương buôn bán nhỏ, khi đặt một chân vào vòng xoáy ngầm này đều lãnh đủ: còng lưng trả lãi. Chị Th., người cách đây 3 năm từng có tiếng kinh doanh vải ở một chợ lớn tại Đà Nẵng với số vốn khổng lồ nay trở thành con nợ "khủng" vì vay nóng. Giàu rồi muốn giàu thêm, nghề tay phải đang ăn nên làm ra với vài chục triệu tiền lãi mỗi tháng, nhưng chị lại "dài tay", ôm hơn 4 tỷ đồng có sẵn cộng thêm 2 tỷ đồng tiền vay để đầu tư vào bất động sản với hy vọng thành "đại gia" để bây giờ đứng trước vực thẳm.

Sau lần sụp đổ ấy, một năm trở lại đây chị quay về làm lại từ đầu, đành đưa đầu vào rọ vay nóng. Chị kể, vì khách hàng của chị chủ yếu mua sỉ nên bán buôn phải cần vốn lớn, bằng không mất mối. Vậy là, chị chấp nhận vay tiền lãi suất 10-15% (thời gian vay tùy đôi bên thỏa thuận). Mỗi lần vay 100 triệu đồng đầu tư lấy hàng thì 15-20 ngày sau chị phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 110-115 triệu đồng. Nếu xui xẻo chưa bán hết hàng, kéo dài thời gian vay 1 tháng thì số tiền phải trả trên 120 triệu. Tháng nào may mắn bán hàng nhanh thì ngoài nợ chị còn kiếm được trên chục triệu đồng, bằng không chỉ trả lãi cho chủ nợ cũng đủ mướt mồ hôi hột.

Tại nhiều chợ, không chỉ cánh ôm vốn lớn, nhiều tiểu thương buôn bán nhỏ cũng bị cuốn vào vòng xoáy nóng bỏng này. Từ bán hàng hải sản, trái cây đến rau củ quả..., mỗi buổi sáng cần vay 1-2 triệu đồng lấy hàng thì sáng ngày mai phải trả cả vốn lẫn lãi 1.050.000 - 2.100.000 đồng (lãi 5%/ngày). Ai khó quá, cần vay 15-20 ngày đều phải trả lãi 10%. Với họ, vẫn biết việc kinh doanh buôn bán của mình phải nuôi nhiều miệng ăn trong nhà mà phải trả lãi cao rất xót ruột, nhưng thiếu vốn và ngoài trả lãi vẫn lời nên chấp nhận.

Một trường hợp từng là đại gia tiền tỷ nhưng làm ăn thua lỗ dẫn đến phải viết giấy nợ vay nóng lãi cao ngất ngưởng.

Có lần, lãnh đạo Cty Quản lý các chợ Đà Nẵng kể với tôi rằng, sau cái vụ bể hụi nổi đình nổi đám tại một số chợ hồi tháng 9-2008, những năm gần đây chuyện vay nóng, hụi hè tại các chợ có phần lắng xuống, tuy nhiên chưa phải là hết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi ngày thức dậy, vẫn có một số trường hợp "ăn không ngồi rồi" cho tiểu thương vay nóng kiếm lãi. Hình thức cho vay có nhiều, nhưng thông thường có 2 cách. Hoặc là có tiền nhàn rỗi, mang cho vay thời hạn 5-10 ngày hoặc nửa tháng, 1 tháng mới đi thu hồi vốn và lãi. Còn không, họ sử dụng cách "buôn gió", tức cho vay trong ngày. Sáng sớm, họ mang vàng bán cho vay, chiều tối thu gốc lẫn lãi "đổ" lại vàng, ngày mai lại bán, lại cho vay tiếp… Với cách "sớm thả, chiều bắt" ấy, mỗi ngày dân "buôn gió" người vốn ít cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng lãi, nhiều thì kiếm tiền triệu là chuyện thường ngày ở chợ. Dù chúng tôi không thể thống kê cụ thể có bao nhiêu tiểu thương kinh doanh ở các chợ nằm trong vòng xoáy vay nóng, nhưng thực trạng là có, có không ít. Để tránh rủi ro lớn, thời gian qua Cty Quản lý các chợ vẫn thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời vận động nhiều nguồn quỹ khác nhau tạo điều kiện cho tiểu thương, nhất là tiểu thương nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Rộng ra trong cuộc sống muôn mặt, cơn lốc đen của vay nóng còn khủng khiếp hơn nhiều về mức lãi suất. Từng có tiếng tăm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản những năm 2007-2010, bà C. ở Q. Liên Chiểu bĩu môi khi nghe tôi hỏi đến chuyện vay nóng. Cho tôi xem tờ giấy vay nợ, dù nội dung không thể hiện lãi suất, nhưng theo bà thì số tiền bà vay 250 triệu đồng cách đây gần 1 năm để chuyển nghề kinh doanh khi giá đất đang "đóng băng" thì số lãi bà phải trả đã  gần 400 triệu đồng (mỗi tháng trên 30 triệu), còn tiền gốc vẫn y nguyên. Cũng may, ngoài thuê mặt bằng mở quán nhậu trên TP, bà C. thi thoảng còn kiếm thêm chút đỉnh từ nghề "cò" đất nên bớt đi gánh nặng trả lãi. Có điều, 3 tháng trở lại đây, quán ế khách, nhà đất ít người giao dịch nên chuyện trả lãi nặng vai hơn. Cũng may chủ cho vay là người quen biết lâu năm nên mới đây đồng ý cho bà bớt tiền lãi từ 15% xuống 10%/tháng. Bà C. bảo, nếu thực sự tới đây khó khăn nữa, chắc bà cũng phải sang rẻ lại quán nhậu để trả nợ, tính đường làm ăn khác chứ mọi lời lãi kinh doanh đều dốc hết vào tiền lãi vay nóng thì tương lai phía trước của bà cứ như "tiền đồ chị Dậu" mà thôi.

Bà C. từng là đại gia nhưng nay đang khốn đốn vì đã lao vào
vòng xoáy vay nóng.

Đúng là ở đời khó ai đoán trước chữ ngờ. Như bà C. cách đây 5 năm, trong tay có vài tỷ đồng là chuyện nhỏ. Thời đó, bất động sản bán chạy như tôm tươi, lúc nào bà cũng vi vu trên ô-tô, còn nay chấp nhận ngồi xe máy cùi vài triệu đồng làm phương tiện đi lại tìm mối bán đất kiếm huê hồng trả lãi vay. Kể chuyện vay nóng, bà C. cho hay, so với những bạn bè bà biết đang luẩn quẩn trong vòng xoáy này thì cỡ bà chỉ là "con sâu cái kiến" mà thôi. Hàng loạt người vì làm ăn thua lỗ, đang trả lãi vay nóng tiền tỷ là chuyện thường. Có người từng là tỷ phú, sở hữu hàng chục lô đất, vài cái biệt thự, nhưng nay gần như trắng tay vì ôm đất đón đầu dự án...

Nhiều trường hợp đang làm dịch vụ cho vay nóng nhỏ lẻ kể với tôi rằng, gần đây làm ăn khó khăn nên nở rộ thêm dịch vụ cho vay tiền đáo hạn ngân hàng. Báo đăng, đài đọc cả ngày với nội dung nghe rất hấp dẫn, rằng thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, thời gian đáo hạn nhanh nên không ít người có nhu cầu tìm đến. Quảng cáo là vậy, song sự thật phía sau chát chúa lắm. Theo U., người làm dịch vụ cho vay thì những dịch vụ đáo hạn lớn bây giờ… "ăn" vô hậu lắm!. Nói là đáo hạn nhanh, chỉ 2-3 ngày, tính tiền 5, tiền 10%, nhưng vào cuộc chơi, khách hàng bị vọc vẹo tùm lum. Nhiều khách hàng khi đã vào thế thì coi như đeo cùm vào cổ.

Ví như vay 1 tỷ đáo hạn chấp nhận mất 100 triệu/3 ngày, nhưng 3 ngày sau, dịch vụ đáo hạn đều hay sử dụng chung bài ca muôn thủa: "Ông sếp ngân hàng có công việc đi công tác gấp rồi, đành phải chờ thêm 2 ngày thôi". Tất nhiên, khách hàng phải ngậm đắng trả thêm lãi vài chục triệu theo thương lượng. Thậm chí nhiều dịch vụ vô đức, không có lương tâm kéo dài cả chục ngày vì lý do trên, nhưng thực chất lãnh đạo ngân hàng vẫn ở Đà Nẵng. Hậu đáo hạn, tiếng là lãi suất thấp nhưng nhiều người lãnh đủ tiền lãi "khủng" do chủ dịch vụ lươn lẹo... (còn nữa).

Phóng sự: Công Hạnh