Núi non vẫy gọi... (Kỳ 1: Điểm tựa Trường Sơn)
Ngày 9-7-1968, sau hơn 170 ngày đêm tiến công và vây hãm kiên cường, bộ đội Giải phóng đã cắm lá cờ chiến thắng lên trung tâm căn cứ Tà Cơn, gọi tên thắng lợi Chiến dịch Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa (Quảng Trị), là huyện đầu tiên của toàn miền Nam. Tròn nửa thế kỷ, câu chuyện lẫy lừng năm ấy vẫn lưu giữ, ngời sáng trong lòng dân nơi đây, trở thành động lực để nối dài những kỳ tích trên vùng cao đầy nắng gió này.
Hình ảnh dân công gùi cõng lương thực, đạn dược phục vụ Chiến dịch Khe Sanh (Ảnh: tư liệu trưng bày tại Bảo tàng chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh). |
Qua Tà Cơn, Khe Sanh, qua tiếp Làng Vây, chúng tôi rẽ vào con đường Lìa rộng thênh thang dẫn vào các xã phía nam H.Hướng Hóa giáp biên với Lào. Xã Thuận, xã Thanh trước mắt, có con sông Sê Pôn chảy qua, cỡ vài chục bước chân là đã sang tới đất bạn Lào. Đồng bào thiểu số Vân Kiều – Pa Cô nơi đây vẫn cứ nét chân chất, mộc mạc như thuở nào, luôn tự hào mỗi khi nhắc đến những năm trường kỳ kháng chiến, giải phóng dân tộc. “Còn nhớ năm 1966, 1967 đói lắm, bom đạn cũng ác liệt dữ, bản làng tan hoang hết”, mẹ Pỉ Thoong như trở lại thời niên thiếu của mình ở bản Dài, xã Thuận. Trong những năm “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ đã thả xuống Hướng Hóa một khối lượng lớn chất độc hóa học, chiếm gần 4/5 diện tích toàn huyện, tàn phá cây cối, mùa màng, gây ra nạn đói khủng khiếp cho đồng bào. Thế nhưng, để “tiếp sức” cho bộ đội Giải phóng, chỉ tính riêng các xã nam Hướng Hóa, đồng bào nhịn đói hoặc tìm củ rừng ăn thay cơm, để dành khoảng 200 tấn gạo, 2 triệu gốc sắn phục vụ cho Chiến dịch Khe Sanh. Hơn 3.000 người dân cũng đã tình nguyện đi dân công, mở đường, gùi xe tăng, tải đạn... “Xã Thuận có nhiều người gùi xe tăng ra trận địa lắm, tiếc là bây chừ họ qua đời hết rồi. Nhưng câu chuyện của họ cả bản ni, cả xã ni, cả tuyến Lìa không quên được, sẽ kể mãi cho con cháu”, mẹ Pỉ Thoong như muốn nói đến những anh hùng thầm lặng như Pả Cùm, Pả Máng, Pả Mo của vùng đất xã Thuận.
Theo lời mẹ, chúng tôi tìm gặp Hồ Ta Cô (1964), Chủ tịch UBND xã Thuận, con trai thứ 3 của “chiến binh” gùi xe tăng lẫy lừng Hồ Văn Sòng, còn gọi là Pả Cùm. Giọng trầm nhớ thương, anh Hồ Ta Cô cho hay sau lễ kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Khe Sanh- Giải phóng Hướng Hóa không bao lâu thì bố anh qua đời. Trước đó, nhiều đoàn cựu chiến binh, nhất là bộ đội Tăng - Thiết giáp mỗi năm nhiều bận thường đến xã Thuận tri ân đồng bào, gặp lại những người như bố anh Ta Cô, như ông La Hơi, Hồ Rã Ác, hay Pả Mo... để thế hệ trẻ hiểu thêm về lòng yêu nước, về sự hy sinh dũng cảm của đồng bào trên dải Trường Sơn này. Ngay cả việc đặt tên cho anh cũng đã ẩn chứa cả một thời gian khó, oanh liệt. Ta Cô, theo tiếng Vân Kiều có nghĩa là “không biết sống, chết thế nào”. Lúc ấy, bố anh tham gia cách mạng, hoạt động bí mật, hiếm khi về nhà. Mẹ anh là bà Hồ Thị Mom cũng hoạt động cách mạng, sau khi sinh anh, chưa kịp đặt tên thì bị địch bắt đưa vào giam tại Đà Nẵng. Mấy anh em anh đều phải gửi ông bà nội nuôi dưỡng. Lúc ấy, thấy đứa cháu đói sữa, khóc ngặt nghẽo, lại bom đạn ác liệt, không biết sống chết thế nào nên bản đặt tên là Ta Cô. Thời điểm bố cùng dân công xã âm thầm gùi cõng đạn dược và cả xe tăng từ Lào về, Ta Cô còn bé không rõ nhưng người anh trai là Hồ Xuân Cùm (1956, hiện là thượng tá CA về hưu) thì loáng thoáng nghe dân bản rỉ chuyện. “Bố tôi nói với họ lần đầu thấy xe nớ (xe tăng-P.V), súng đạn khó mà hạ được lắm. Việc gùi cõng phải là người khỏe mạnh, bố tôi cao to, sức vóc lắm nên mới được chọn”, ông Cùm tự hào.
Anh Hồ Ta Cô (trái) và anh trai Hồ Xuân Cùm- những người con của chiến binh Pả Cùm gùi xe tăng vào trận đánh. |
Lời của anh em anh Hồ Ta Cô bỗng đưa chúng tôi trở lại hình ảnh chiếc xe tăng số hiệu 268 của Tiểu đoàn 198 được đặt trang trọng tại Di tích Làng Vây khiến bất kỳ ai ngược xuôi đường 9 cũng muốn dừng lại đôi chút để hiểu thêm chiến công lẫy lừng năm ấy. Mở mặt trận Đường 9–Khe sanh trước Tết Mậu Thân năm 1968 là một chiến thuật vô cùng lợi hại của quân Giải phóng nhằm nghi binh, thu hút lực lượng quân Mỹ ra đường 9 để tiêu diệt, tiêu hao sinh lực và giam chân, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu tiến công bất ngờ vào các thành phố, trung tâm đầu não của Mỹ và chính quyền VNCH, trọng điểm là Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng. Chuẩn bị việc tổ chức chiến trường cho đòn tiến công chiến lược, ngoài lực lượng tại chỗ của Mặt trận B5 và nhiều đơn vị chủ lực được gấp rút điều vào thì ở đây, lần đầu tiên Binh chủng Tăng - Thiết giáp tham gia chiến trường Nam vĩ tuyến 17. Để đạt được mục tiêu chiến lược đặt ra, ngay từ tháng 8–1967, Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã được lệnh sử dụng và điều động xe tăng vào chiến đấu ở miền Nam. Từ Đại đội 3 và Đại đội 9 PT76 của Trung đoàn xe tăng H03 tổ chức thành Tiểu đoàn thiếu, mang phiên hiệu 198.
Theo kế hoạch, từ ngày 1-10-1967, Tiểu đoàn 198 bắt đầu hành quân cơ động vào chiến trường Quảng Trị. Sau hơn 50 ngày vượt qua sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, hành trình 1.300km đường rừng, những cỗ xe tăng của quân Giải phóng đã đến tập kết ở Nậm Khang, cách cứ điểm Huội San của địch 7km về phía Tây và một bộ phận khác đến tập kết ở biên giới Việt-Lào gần đường 9. Sau khi diệt thành công cứ điểm Tà Mây dọc đường 9 trên đất Lào, Tiểu đoàn 198 tiếp tục tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, một cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ Đường 9 của Mỹ và quân đội VNCH. Để phá tan cứ điểm này, ngoài Tiểu đoàn 198 và quân chủ lực Trung đoàn 24 (Sư 304), Trung đoàn 101 (sư 325), Bộ tư lệnh Mặt trận còn bổ sung thêm một Đại đội đặc công, một đội súng phun lửa tăng cường khả năng phá chướng ngại vật của loại xe tăng lội nước PT76. Với một đội hành quân này, ta chủ trương bằng mọi giá phải giữ bí mật, tạo sự bất ngờ, giành thế chủ động trên chiến trường. Một trong những “bí ẩn” trong chiến thắng Làng Vây chính là gùi xe tăng qua sông Sê Pôn, áp sát cứ điểm Làng Vây.
Hình ảnh xe tăng 268 kiêu hãnh tham gia trận Làng Vây được trưng bày tại Di lích lịch sử căn cứ Làng Vây. |
Anh Ta Cô nhớ bố anh cùng với cụ Pả Máng, Pả Mo thường hay kể, vì sông Sê Pôn sâu, không có cầu, để giảm áp lực bè vận tải xe tăng qua sông nên đạn dược cùng nhiều thiết bị như bánh xích được tháo gỡ riêng lẻ. Sau khi lên bờ bên kia, dân bản tiếp tục bí mật gùi đến điểm tập kết để lắp ráp lại. Ngày 7-2- 1968, bộ đội Tăng thiết giáp đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, đột kích, đột phá, thọc sâu vào chi viện cho bộ binh và các lực lượng khác tiêu diệt và bắt sống gần 600 tên địch, thu toàn bộ vũ khí trang bị, làm chủ cứ điểm Làng Vây. Đúng 5 tháng sau, quân Giải phóng đã biến cứ điểm Tà Cơn thành “Địa ngục trần gian” đối với quân Mỹ, toàn bộ vùng trời và mặt đất Tà Cơn bị xiết chặt, địch phải kéo dài rút quân tới 11 ngày. Ngày 9-7-1968, cờ Giải phóng tung bay trên sân bay Tà Cơn, toàn Hướng Hóa được giải phóng.
Tháng 2–2018 vừa qua, Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm đánh thắng trận đầu ngay tại Di tích căn cứ Làng Vây. Trong không khí xúc động, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nam, Tư lệnh Binh chủng một lần nữa bày tỏ tri ân sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền cùng đồng bào các dân tộc H.Hướng Hóa đối với bộ đội xe tăng cả trước, trong và sau trận đánh Làng Vây. Trong tâm khảm của những người về chiến trường xưa, Pả Cùm, Pả Mo, Pả Máng... đều là những “chiến binh” lẫy lừng, là điểm tựa vững chắc trên bước trưởng thành, xứng mãi niềm tự hào của người lính binh chủng Tăng - Thiết giáp, QĐND Việt Nam.
Bảo Hà
Kỳ tới: “Đô thị vàng” Khe Sanh - Hướng Hóa