Nước cờ của Mỹ và cục diện chiến tranh Thổ - Syria
Một phái đoàn quan chức cấp cao Mỹ đã đến Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 17-10, với nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết: gây sức ép buộc Ankara chấp nhận ngừng bắn ở miền đông bắc Syria.
Theo AP, Phó Tổng thống Mike Pence, dẫn đầu phái đoàn, gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien, đã thảo luận với Tổng thống Tayyip Erdogan về cuộc tấn công quân sự của Ankara ở đông bắc Syria.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (phải) và Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Thổ Nhĩ Kỳ vào chiều 17-10. Ảnh: AP |
Không phải là việc của Washington?
Chuyến đi hòa giải này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố bác bỏ vai trò của Washington trong cuộc chiến của Ankara tại Syria. Theo ông Trump, Washington không có nhiệm vụ phải bảo vệ các thành viên lực lượng người Kurd, nhóm đồng minh đã hy sinh hàng ngàn người để cùng sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống lại nhóm cực đoan IS.
Thậm chí, Tổng thống Trump nói rằng, quân nổi dậy người Kurd (đảng Công nhân người Kurd – PKK), lực lượng đã gây ra tình trạng bất ổn chống Ankara trong nhiều thập kỷ qua, “gần như” là một nguy cơ khủng bố lớn hơn nhóm cực đoan IS. “PKK, vốn là một bộ phận của người Kurd, như bạn biết, gần như tồi tệ như khủng bố và là nguy cơ khủng bố lớn hơn theo nhiều cách so với IS”, ông Trump nêu rõ. Theo ông, người Kurd ở Syria đã không còn là “những thiên thần”. Ông nói: “Chúng ta trả rất nhiều tiền cho họ để chiến đấu cùng chúng ta. Họ đã không làm tốt khi mà không chiến đấu cùng với chúng ta”. Ông Trump cũng bảo vệ cái mà hàng chục nghị sĩ đã gọi là sự phản bội của Mỹ đối với các đồng minh người Kurd bằng việc khẳng định, Washington phải tự mình rút ra khỏi các cuộc chiến không có hồi kết.
Mặc dù ra tuyên bố áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan chiến dịch quân sự của nước này ở miền bắc Syria, Tổng thống Trump phủ nhận bật đèn xanh cho Ankara xâm lược Syria, nhấn mạnh, cuộc tấn công lần này không phải là việc của Washington. Trao đổi với báo giới, ông Trump nêu rõ: “Tôi đã không bật đèn xanh cho Ankara... Chúng ta không phải là một đặc vụ giữ trật tự. Đã đến lúc chúng ta phải về nhà… Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria, đó là việc giữa Ankara và Damascus. Đó không phải là việc của Mỹ”.
Và ông chủ Nhà Trắng hoan nghênh những nỗ lực của Nga và chính phủ Assad lấp đầy khoảng trống còn lại sau khi ông ra lệnh rút gần như toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo không hồi kết
Cho đến nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn phớt lờ sức ép của thế giới yêu cầu dừng cuộc tấn công vốn cướp đi sinh mạng của hàng chục dân thường và khiến hơn 300.000 người phải sơ tán. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) Rami Abdel Rahman ngày 17-10 nêu rõ: “Hơn 300.000 dân thường phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi chiến dịch bắt đầu diễn ra”.
Trong bối cảnh các cuộc tấn công đang diễn ra ác liệt và lo ngại bùng nổ cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất, các lực lượng người Kurd đông bắc Syria ngày 17-10 kêu gọi mở một hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi thị trấn biên giới đang là điểm nóng vốn bị các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bao vây. Giới chức người Kurd cũng đã kêu gọi các tổ chức quốc tế gửi các chuyên gia đến “để điều tra một số trường hợp bị thương trong các vụ tấn công” cũng như “các cơ sở y tế ở đông bắc Syria thiếu các nhóm chuyên gia”. Theo SOHR, lời kêu gọi một lối thoát cho dân thường từ Ras al-Ain được đưa ra sau khi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria tấn công một cơ sở y tế ở thị trấn này, khiến các bệnh nhân và nhân viên của cơ sở bị mắc kẹt bên trong.
Lo ngại cho người dân Syria càng gia tăng khi các lãnh đạo lực lượng người Kurd cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các vũ khí bị cấm như bom napalm và đạn phốt-pho trắng. Trong một thông báo, chính quyền người Kurd cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã phải dùng tới những vũ khí này do vấp phải sức kháng cự bất ngờ của lực lượng người Kurd ở thị trấn biên giới then chốt Ras al-Ain. Tuy nhiên, cáo buộc này vẫn chưa thể được xác minh một cách độc lập.
KHẢ ANH