"Nước mắt" sông Bồ

Thứ ba, 28/04/2020 19:16

Nhiều người ở TT- Huế ví, nước mắt vui sông Bồ có màu trong xanh, nước mắt buồn có màu vàng đục... Khoảng hơn 1 tháng trở lại nay, nước sông Bồ luôn đục ngầu vì tình trạng khai thác cát trái phép...



Trục vớt sà lan của các đối tượng sử dụng để khai thác cát trái phép trên sông Bồ.

Khốn khổ vì "sa tặc"

Những ngày trung tuần tháng 4, người dân ở Thanh Lương 2 (P. Hương Xuân, thị xã Hương Trà, TTHuế) rất bức xúc trước tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Bồ đoạn qua khu vực này. Theo ghi nhận, hai bên bờ sông đoạn qua P. Hương Xuân bị sạt lở nghiêm trọng kéo dài hàng trăm mét. Nặng nhất là đoạn ngang khu vực Thanh Lương 2 khi hai bên bờ sông, mỗi bên bị "ngoạm" vào hơn 25m. Để giữ đất, giữ nhà và cả tính mạng, người dân Thành Lương 2 cắt cử hàng chục trai tráng suốt đêm canh giữ, đẩy đuổi "sa tặc". Ngoài ra, người dân còn chặt hàng trăm gốc tre thả sát mép sông làm vật cản, ngăn không cho "sa tặc" vươn vòi ở những khu vực sạt lở. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, số tre cũng bị chặt phá. Ông Phan Huy Mân, người dân Thanh Lương 2 thường xuyên tham gia đẩy đuổi "sa tặc" bức xúc: "Khúc sông ngang qua P. Hương Xuân trước đây chỉ rộng khoảng 50m. Bây chừ, sông được nới rộng khoảng 100m. Mỗi bên đã bị "sa tặc" làm xói lở chừng 25m. Nếu tính ngang đoạn đi qua P. Hương Xuân, người dân nơi đây đã mất hàng ngàn mét đất bởi nạn hút cát trộm".

Ngày 23-4, CA thị xã Hương Trà phối hợp với chính quyền địa phương trục vớt 1 sà lan lớn bị chìm trên sông Bồ đoạn qua P. Hương Xuân. Chiếc sà lan này chính là tang vật của vụ hút cát trộm diễn ra vào rạng sáng 9-4. Thời điểm đó, tổ bảo vệ tài nguyên khoáng sản P. Hương Xuân phát hiện ở đoạn khu vực cồn Nổi chảy qua sông Bồ xuất hiện 4 thuyền, sà lan khai thác cát trái phép. Các thuyền và sà lan khai thác hết công suất khiến máy nổ rền vang cả một vùng. Khi tổ bảo vệ xua đuổi thì 3 chiếc thuyền hút cát lậu đã nhanh chóng bỏ chạy, chiếc sà lan còn lại bị chìm xuống sông do người khai thác cũng bỏ trốn nhưng chưa kịp tắt máy hút cát. Ngay sau đó, người dân truy đuổi thì bắt giữ được đối tượng điều khiển sà lan này. Thượng tá Nguyễn Việt Phương- Trưởng CA thị xã Hương Trà cho biết, trước đó khoảng 3 tuần, chính chiếc sà lan này đã bị UBND P. Hương Xuân xử phạt về hành vi khai thác cát trái phép. "Lần này, chiếc sà lan sau khi được trục vớt, cơ quan điều tra sẽ căn cứ để giám định, xác định hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan".

Theo nhiều người dân ở Thanh Lương 2 cho biết, những ngày qua, không chỉ khai thác trái phép cát ở 2 biền sông và mặt trước cồn Nổi mà các đối tượng còn vươn vòi ở khu vực phía sau cồn Nổi. "Cồn Nổi là nơi người dân P. Hương Xuân canh tác hoa màu, trước đây có diện tích 15ha, do khai thác cát trái phép dẫn đến sạt lở nên hiện, diện tích của cồn Nổi chỉ còn khoảng 5ha. Nước mắt người dân mất đất không biết bao lần đổ xuống sông Bồ, nhưng "sa tặc" vẫn bất chấp nỗi thống khổ này của chúng tôi", một hộ dân canh tác ở cồn Nổi cho biết.

Nhiều vị trí ở sông Bồ sạt lở nghiêm trọng do nạn "sa tặc".

Ngang nhiên, manh động

Do nguồn cung cát xây dựng trên địa bàn TT-Huế hiện khan hiếm, giá cát rất cao nên các đối tượng vẫn bất chấp pháp luật tiếp tục khai thác cát trái phép. Điều đáng nói, có nhiều đối tượng từng bị xử phạt nhưng rồi vẫn tái phạm. Thượng tá Nguyễn Việt PhươngTrưởng CATX Hương Trà cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, đơn vị đã xử lý liên tiếp 9 vụ khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 1 vụ (2 đối tượng) với tội danh "Khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép". Những vụ còn lại đang tạm giữ các phương tiện để điều tra, xử lý.

Liên quan đến tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Bồ, ông Hà Văn Tuấn- Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho hay, trong thời gian qua, CA thị xã Hương Trà đã xử lý rất nhiều vụ việc thách thức với lực lượng chức năng, thách thức với lực lượng CA; thu giữ nhiều tang vật liên quan đến nạn khai thác cát trái phép.

Không "nóng" như tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Bồ qua thị xã Hương Trà nhưng ở H. Quảng Điền, tình trạng khai thác trên sông này vẫn tiếp tục diễn ra, nhiều đối tượng tỏ ra manh động. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cường- Trưởng CAH Quảng Điền, CAH và các lực lượng chức năng đã lập đoàn liên ngành kiểm tra, đẩy đuổi "sa tặc" theo kế hoạch 1 tuần 3 lần. Chỉ trong quý I - 2020, lực lượng triển khai 45 đợt tuần tra, xử lý 14 vụ khai thác cát sỏi trái phép trên sông Bồ. Theo CAH Quảng Điền, có lần, cán bộ huyện đến khảo sát tình hình sạt lở và trao đổi với một số người dân quanh khu vực này. Khi trở về, nhà của một trong những người dân nói trên bị một số đối tượng ném đá, hư hỏng.

Theo chính quyền P. Hương Xuân cho biết, nhằm ngăn chặn nạn "sa tặc", cuối tháng 4 này, chính quyền và người dân trên địa bàn sẽ bắc một cầu tre, dài 30- 40m, nối từ bờ thuộc địa phận Thanh Lương 2 qua cồn Nổi - nơi canh tác rau màu của người dân đã bị sạt lở hơn 10ha/15ha do nạn khai thác cát trái phép. Cây cầu này có tác dụng ngăn cản những chiếc sà lan, thuyền máy lớn của "sa tặc" chuyên đến khu vực này hút trộm cát nhưng không làm ảnh hưởng đến việc đi lại trên sông của người dân. Đồng thời, sẽ giúp nông dân thuận tiện hơn trong sản xuất, hạn chế được sạt lở tiếp diễn do có đóng cừ ở chân cầu. "Kinh phí làm cầu được trích từ ngân sách của phường và quỹ hoạt động của Hội đồng làng Thanh Lương, tre và nhân công do bà con trong làng ủng hộ", một lãnh đạo UBND P.Hương Xuân cho biết. Trước đó, để phản đối doanh nghiệp khai thác cát vượt quá độ sâu và ngoài phạm vi khiến bờ sông sạt lở cuốn trôi nhà cửa, vườn tược; tháng 5- 2019, người dân P. Hương Vân (Hương Trà) đóng hàng rào cọc tre xuống dòng sông để ngăn chặn tàu thuyền chở cát qua lại. Sự việc này đã ảnh hưởng đến thủy nội địa và sau đó, người dân được vận động tháo dỡ, trong khi đó doanh nghiệp mà dân phản ánh cũng bị xử phạt hơn 1 tỷ đồng và buộc phải khắc phục lại nguyên trạng. 

H. LAN