Nước Mỹ và bài toán “an toàn hơn”

Thứ năm, 13/09/2018 10:57

“Liệu nước Mỹ có được an toàn hơn hay không?” luôn là câu hỏi lâu năm cho các chính trị gia, các chuyên gia phân tích và nhà báo. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, mức độ lo ngại của Mỹ vẫn còn cao, mặc dù mức độ khủng bố kể từ sau vụ 11-9 đã “xuống thấp đáng kể”.

Cảnh sát điều tra hiện trường vụ khủng bố San Bernardino ở Mỹ hồi tháng 12-2015.   Ảnh: Getty Images

Cuộc chiến chống khủng bố bùng nổ từ sau cú sốc 11-9 ở Mỹ, vụ tấn công vốn khiến gần 3.000 người chết, hơn 6.000 người khác bị thương. Khi những đám khói vẫn còn phảng phất ở Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và trụ sở Bộ Quốc phòng - những nơi hứng chịu tấn công - chính phủ của Tổng thống George W. Bush đã hành động và bắt tay vào một chiến dịch chống khủng bố toàn cầu - chủ yếu là chống thế lực thánh chiến - và tiếp tục cho đến ngày hôm nay.

Và mỗi kỷ niệm ngày 11-9 là dịp nhắc nhở và phản ánh về cuộc chiến tranh với những câu hỏi: liệu cuộc chiến có bị thổi phồng không? Có đi quá xa? Có xứng đáng với chi phí đã bỏ ra và hàng ngàn người đã phải bỏ sinh mạng hay không?

1.500 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố

Với số tiền ước tính 1.500 tỷ USD chi cho việc chống lại những kẻ cực đoan Hồi giáo trên toàn thế giới, người Mỹ hiện có an toàn hơn không? Hay chính sách đối ngoại của nước này chỉ phục vụ để tạo ra nhiều kẻ thù hơn trong khi nỗi sợ hãi và chia rẽ chính trị làm suy yếu tự do dân sự và dân chủ ở ngay trong nước này?

Nỗi sợ và sự không chắc chắn theo sau thảm kịch năm 2001 là chưa từng thấy. Chưa bao giờ nước Mỹ phải hứng chịu vụ tấn công khủng bố gây thương vong lớn như vậy. Không rõ ngay đây có phải chỉ là sự cố một lần hay là khởi đầu của một thực tế mới - những cuộc tấn công lớn đã cướp đi hàng ngàn mạng sống. Điều này giải thích, ở một mức độ nào đó, điều mà một số nhà quan sát hiện nay nhận thấy rõ là phản ứng phóng đại của chính quyền Tổng thống Bush lúc đó. Khủng bố chống lại Mỹ không phải là mới, nhưng quy mô của 11-9 lại khác. Các giới chức Mỹ chắc hẳn không biết điều gì sẽ xảy ra - những vụ đánh bom quy mô lớn, nhiều cuộc tấn công bằng máy bay hoặc thậm chí là sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. “Các kịch bản đó có thể sẽ bị bác bỏ vào ngày 10-9 nhưng đến ngày 12-9 đã trở thành các giả định hợp tác”, Brian Michael Jenkins, một nhà phân tích chống khủng bố tại tập đoàn RAND, nói với tạp chí Newsweek.

Trong khi cuộc xâm lược của Mỹ ở Afghanistan được hàng chục đồng minh ủng hộ, các đường xung đột đã trở nên mờ nhạt khi “đôi giày” của Mỹ đã hành quân khắp thế giới để tiếp tục cuộc chiến - ít nhất trên danh nghĩa - là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Nhưng khi làm như vậy, các lực lượng Mỹ đi trên một con đường lâu dài mà không có thông số rõ ràng về chiến thắng hoặc một kế hoạch rút lui rõ ràng. Trong các trường hợp khác, cụ thể là chiến tranh Iraq, Mỹ đã bị phân tâm khỏi chiến dịch chống lại lực lượng thánh chiến, và hành động của nó trớ trêu thay tạo ra không gian mới và cả nhiên liệu cho những kẻ khủng bố hành động và tuyển dụng trong thời gian dài.

Vẫn không an toàn?

Nhưng thay vì nỗi sợ hãi “leo thang thẳng đứng”, Mỹ và các đối tác toàn cầu đã nhìn thấy một “sự leo thang ngang” khi ảnh hưởng của các phiến quân khủng bố  lan rộng hơn và truyền cảm hứng cho nhiều cuộc tấn công hơn.

Sự trỗi dậy của nhóm khủng bố IS là minh chứng rõ nét nhất trong khi sự hiện diện trực tuyến của nó ảnh hưởng đến “những con sói đơn độc”, thậm chí cả những kẻ chưa bao giờ liên lạc với nhóm. Các cuộc tấn công cường độ thấp hoặc đơn độc như vậy vẫn chiếm ưu thế, nhưng không thể so sánh với các hoạt động tập trung của Al-Qaeda. 17 năm trôi qua, Al-Qaeda vẫn cho thấy chúng ngày càng mạnh hơn, trong đó giới chuyên gia quân sự đổ lỗi do các chính sách của Washington ở Trung Đông. 17 năm sau vụ khủng bố, Ayman al-Zawahri - một thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda – vẫn mạnh miệng kêu gọi người Hồi giáo trên toàn thế giới tiếp tục cuộc chiến chống lại nước Mỹ. Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 30 phút hôm 11-9, Ayman al-Zawahri miêu tả Mỹ là một kẻ thù tôn giáo của người Hồi giáo.

“Liệu nước Mỹ có được an toàn hơn hay không?” luôn là câu hỏi lâu năm cho các chính trị gia, các chuyên gia phân tích và nhà báo. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, mức độ lo ngại của Mỹ vẫn còn cao, mặc dù mức độ khủng bố kể từ sau vụ 11-9 đã “xuống thấp đáng kể”. Từ năm 2001, hơn 100 người thiệt mạng trong các vụ khủng bố ở Mỹ, 49 người trong số đó bị sát hại vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở Orlando vào năm 2016.

Người Mỹ không xa lạ gì với chủ nghĩa khủng bố. Ví dụ, trong thập niên 1970, có hàng trăm vụ đánh bom của các nhóm như Underground Weather, Mặt trận Giải phóng Thế giới, những người ly khai Puerto Rico… Nhưng mức độ hoạt động như bây giờ là điều không thể tưởng tượng được. Gần 200 kẻ thánh chiến, hoặc đã cố gắng thực hiện một cuộc tấn công tại Mỹ, hoặc đã bị bắt giữ vì âm mưu làm như vậy.

Chính sách chống khủng bố của ông Trump như thế nào?

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump được khen là đã “chính xác” khi ưu tiên phá vỡ quyền nắm giữ lãnh thổ của IS tại Iraq và Syria, trong khi các cuộc tấn công không người lái chống lại Al-Qaeda đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, luôn có nhiều điều cần phải thực hiện trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố Hồi giáo. Chẳng hạn như IS đang cố gắng trở lại và cuối cùng mong muốn nắm quyền một lần nữa. Giới phân tích cho rằng, chính quyền Mỹ phải chủ động chuẩn bị cho mối đe dọa này. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích cho rằng, ông Trump dường như không đặt mối đe dọa khủng bố ở vị trí ưu tiên. “Ông Trump đã tỏ ra rất ít quan tâm đến Syria, Iraq, IS, Al-Qaeda hay Afghanistan kể từ khi lên nắm quyền”, một chuyên gia nhận định.

Mối lo khủng bố vẫn còn đó. Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định, một cảnh tượng như cuộc tấn công 11-9 là không thể. Một âm mưu lớn giống vụ 11-9 là không thể bởi vì hầu hết những kẻ cực đoan dường như nhận ra rằng việc tổ chức một vụ tấn công quy mô dễ bị phát hiện hơn.

KHẢ ANH