Ô nhiễm môi trường doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Cẩm Lệ: Đã có lời giải

Thứ sáu, 10/07/2015 10:32

(Cadn.com.vn) - Sau gần 1 năm khởi động đề án, đầu tháng 6-2015, UBND TP Đà Nẵng thống nhất Tờ trình số 131/TTr-UBND ngày 22-4-2015 của UBND Q. Cẩm Lệ về việc phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Đây là tin vui không chỉ đối với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ mà với chính quyền Q. Cẩm Lệ trong việc triển khai xây dựng "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015".

Theo ông Hà Giang, Chủ tịch Hội doanh nghiệp (HDN) Q. Cẩm Lệ, hiện nay hầu hết DN và cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn Q.Cẩm Lệ nằm trong các khu dân cư (KDC) nên nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Bức xúc nhất là vấn nạn ô nhiễm môi trường (bụi, tiếng ồn) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Về phía DN, do tác động của quá trình đô thị nên mặt bằng sản xuất rất hạn chế, nhà xưởng, kho, bãi chứa... không đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng tăng. Nhiều DN vì gây ô nhiễm cho KDC buộc phải đóng cửa dừng sản xuất.

Qua khảo sát của Phòng Kinh tế Q. Cẩm Lệ, hiện nay toàn quận có hơn 300 DN nhỏ và cơ sở sản xuất nhỏ cần di dời ra khỏi KDC với dự kiến mặt bằng mới khoảng 20 ha. Hầu hết các DN này có quy mô sản xuất nhỏ, không đủ sức thuê đất tại KCN Hòa Cầm. Trước thực trạng này, HDN Q.Cẩm Lệ nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo quận và thành phố về việc xây dựng Cụm công nghiệp Cẩm Lệ để di dời các DN này ra khỏi KDC, cùng một lúc giải được 2 bài toán mặt bằng sản xuất và ô nhiễm môi trường, góp phần quan trọng vào việc xây dựng bộ mặt đô thị Q. Cẩm Lệ văn minh, hiện đại. 

Quyết định số 3152/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nêu rõ, Cụm công nghiệp Cẩm Lệ được xác định nằm tại khu đất thuộc P.Hòa Thọ Tây (Q.Cẩm Lệ), có tổng diện tích 267.545m2; phía Đông giáp KCN Hòa Cầm, phía Tây giáp khu đất quy hoạch Trường Đại học Duy Tân, phía Nam giúp KDC hiện trạng và phía Bắc giáp KCN Hòa Cầm mở rộng. Theo phương án xây dựng, phát triển Cụm công nghiệp Q.Cẩm Lệ đến năm 2020, diện tích phân kỳ xây dựng giai đoạn 1 là 163.957m2, giai đoạn 2 là 103.588m2 với tổng số 394 lô.

Việc xây dựng Cụm công nghiệp Cẩm Lệ giúp các DN có mặt bằng thuận lợi để xây dựng nhà xưởng sản xuất, hạn chế tình trạng ô nhiễm KDC. 

Theo kết luận của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, TP giao cho UBND Q.Cẩm Lệ chủ trì phối hợp Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố, Trung tâm phát triển quỹ đất và các ngành liên quan nghiên cứu xây dựng dự án theo chủ trương, định hướng cho đối tượng DN nhỏ và vừa trên địa bàn quận với các điều kiện cụ thể về giá cho thuê, chu kỳ tăng giá, vai trò các bên liên quan… để tổ chức kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo theo quy định. Đảm bảo thu hồi lại các diện tích đất đã thuê bên ngoài của các DN sau khi vào sản xuất tại Cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Về phương thức triển khai, thành phố hỗ trợ kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và các chi phí khác liên quan đến việc di dời, giải tỏa đền bù trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng.

Việc UBND TP Đà Nẵng đồng ý phê duyệt dự án xây dựng Cụm công nghiệp Q.Cẩm Lệ là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong định hướng phát triển của Q.Cẩm Lệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài việc giải bài toán ô nhiễm môi trường để Q.Cẩm Lệ hướng đến xây dựng "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015", Cụm Công nghiệp còn giúp các DN ở địa phương an tâm sản xuất và thu hút các nhà đầu tư đến Q.Cẩm Lệ làm ăn, góp phần tạo thêm nguồn thu cho địa phương.

Nguyên Thảo