Ở nơi gần “đèn” nhưng không sáng

Thứ năm, 05/12/2013 11:37

(Cadn.com.vn) - Có một nghịch lý mà người dân thôn Ku Pùa, xã Đakrông, H. Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã và đang phải chấp nhận: hy sinh nhiều thứ cho các dự án thủy điện Rào Quán và Đakrông, nhưng họ vẫn sống trong cảnh “lấy sao thay điện”.

ĐÈN KHÔNG SÁNG NỔI CHÂN ĐÈN

Ku Pùa là thôn nghèo đặc biệt của xã Đakrông. Cả thôn có 41 hộ dân với 100% là đồng bào người Pa Kô, Vân Kiều. Cái thôn nằm ở nơi địa thế đặc biệt là hợp lưu của ba dòng nước lớn nhỏ Đakrông, Ba Lòng, Rào Quán tạo thành một ngã ba nước. Khi những dự án thủy điện manh nha khởi công ai cũng mừng vì ngỡ sẽ hết cảnh bản làng  “lấy sao thay đèn”, nhưng đã bao năm nay, khi các thủy điện đã phát điện đâu vào đấy thì người dân vẫn mòn mỏi chờ điện.

Than vãn tại sao ở các bản vùng sâu vùng xa vẫn có điện mà mình ở ngay trung tâm xã lại tối tăm thế này, cụ ông Hồ Văn Vương (80 tuổi) giận dỗi nói: “Tại sao làm xong thủy điện lại không có điện nhỉ? Già này gần chết rồi thì còn đòi gì nữa, nhưng vô lẽ họ để con cháu của già này mãi sống trong tăm tối thế này sao?”.

Những chiếc máy phát điện ném vào xó nhà của dân bản.

Cụ Vương bảo, cụ cũng hiến đất, hiến cả con sông Đakrông mà một đời  lênh đênh đánh cá trên đó để làm thủy điện nhưng tại sao làm xong rồi người ta lại quên mình thế này”. Mang câu hỏi của cụ Vương đến hỏi Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông Hồ Nha, ông Nha lắc đầu: “Không hiểu tại sao lại không có điện ở nơi gần trung tâm xã nữa, dân kiến nghị lên mình, UBND xã lại quyết tâm kiến nghị lên trên, nhưng tối vẫn hoàn tối. Việc của mình là “xin” điện cho bà con chứ mình có sản xuất ra điện được đâu mà bảo rằng cho với không, tùy thuộc vào mấy ông thủy điện thôi”.

Cả “gia tài” này không sử dụng được vì không có điện.

Đến thăm nhà anh Hồ Văn Phiên (40 tuổi) thì vừa lúc anh đi nương về. Chưa kịp tắm rửa, đón khách anh đã xin lỗi ngồi vào bàn ăn cơm: “Phải ăn cơm chiều thôi. Chờ đến giờ tối mới ăn thì thấy gì nữa, miếng thịt, cọng rau có thấy gì đâu mà gắp. Ăn vào trong miệng thì biết đó là cái gì thôi, biết ngon đó nhưng chả thấy gì”. Nói đến đây, anh vứt đũa, nhảy xô vào góc nhà sàn mà lôi ra hai cái máy phát điện mini do Trung Quốc sản xuất dây nhợ nhùng nhằng: “Điện ở đây này, nhưng rồi vứt cả. Máy móc gì đâu mà mua cả triệu bạc về dùng được ba bữa lại ném xó”.

Câu chuyện về điện đóm ngày càng thu hút người dân trong bản. Ai cũng xê tới tranh nhau nói. Có người chỉ tay về cái còi cảnh báo xả lũ của thủy điện Rào Quán nói: “Tại sao lại bảo chúng tôi và thủy điện không có liên quan với nhau? Chúng tôi phải nhường đất nhường sông để người ta làm thủy điện, cái cuối cùng mà chúng tôi nhận được là cái còi cảnh báo xả lũ kia kìa, mỗi lần nghe âm thanh “toe toe” là cha nào con nấy bồng bế nhau chạy lên đồi”. “Hai cái thủy điện Rào Quán và Đakrông khi chưa làm thì “hứa hươu hứa vượn” đến khi làm xong dân tìm xin điện lại khó khăn đến vậy?”, người khác chen vào.

Khách ra về sớm vì chủ không muốn khách cùng chịu cảnh tối tăm.

THƯỚC ĐO GIÀU NGHÈO LÀ … ÁNH SÁNG!

Đối với người dân thôn Ku Pùa, mức độ giàu nghèo không phải đo bằng thóc gạo, tiền bạc mà là... ánh sáng. Nhà nào mà buổi đêm phát ra ánh sáng là nhà ấy “có điều kiện”. Vì muốn có được một phút sáng le lói đó, họ phải đầu tư nhiều thứ kể cả tiền bạc và công sức. Một thống kê nhanh được đưa ra, cả thôn chưa có ai học hết bậc phổ thông, nghĩa là đến lớp 8,9 thì nghỉ học, thất học. Vì sau giờ đến trường không ai có thể kiên trì đốt củi mà viết nổi con chữ cả. Ngay cả gia đình khá giả nhất của thôn khi nghe tin lưới điện sẽ vào đây thì dốc túi mua hẳn tivi và dàn âm thanh để rồi chất đống trên tủ. Hễ mỗi lần các bản khác (có điện) có việc cưới hỏi, ma chay lại lình kình sang nhà để mượn hệ thống âm thanh loa đài!

Chia tay khách, già Vương bảo: “Nếu mà anh xin được điện cho cái thôn này thì cả thôn sẽ mổ lợn để thiết đãi. Nếu già chết trước khi có điện thì con cháu của già sẽ làm thay”. Nói đoạn, già giục đứa cháu trai dẫn đường cho khách ra khỏi bản, kẻo trời tối thì...

Bùi Đức Tú