Ở vùng nông thôn mới

Thứ sáu, 25/12/2015 10:17

(Cadn.com.vn) - Không khí Giáng sinh năm 2015 ở xã Hòa Sơn (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) dường như vui hơn, ấm áp hơn khi địa phương vừa được chính quyền các cấp công nhận là xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bà con giáo dân...

Là địa bàn trung du, miền núi với hơn 75% giáo dân, xã Hòa Sơn bước vào xây dựng NTM có xuất phát điểm rất thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất nông nghiệp-lâm nghiệp nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng không đồng bộ, xuống cấp... Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, những con đường đất đá gồ ghề, lởm chởm “nắng bụi, mưa bùn” đã được thay thế bằng hệ thống đường bê-tông đạt chuẩn, những ngôi nhà ẩm thấp, dột nát đã được ngói hóa khang trang, đời sống người dân đổi thay ngay từ cách nghĩ đến việc làm... Bởi, hơn ai hết người dân hiểu được giá trị của việc xây dựng NTM là vì dân, do dân và của dân.

Không khí Giáng sinh tràn ngập cả những vùng quê xa xôi của Hòa Sơn.

Đối với Hòa Sơn, việc triển khai thực hiện đề án phát triển sản xuất xây dựng NTM là nhiệm vụ đầu tiên, bức thiết nhưng cực kỳ khó khăn vì tập quán sản xuất manh mún đã ăn sâu vào nếp nghĩ của từng người dân. Song với cách làm sáng tạo, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhiều phong trào thi đua phát triển sản xuất thiết thực được phát động mạnh mẽ đến từng khu dân cư, tạo nên sự dịch chuyển mau lẹ. Nếu như ở thời điểm năm 2011, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13,9 triệu đồng/năm thì đến năm 2015 đạt 27,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo từ 13,6% (năm 2011) thì đến năm 2015 giảm còn 3,77%. Trong tổng số huy động nguồn lực xây dựng NTM với kinh phí 111,6 tỷ đồng thì nhân nhân đóng góp hơn 39 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 35,3%)... Bên cạnh đó, việc học tập của con em luôn được người dân địa phương quan tâm. Hàng năm, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Một điều đáng ghi nhận ở Hòa Sơn là đội ngũ cán bộ cơ sở luôn sâu sát với dân, hiểu dân, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân. Những vấn đề người dân thắc mắc, chưa hiểu đều được cán bộ giải thích cặn kẽ. Những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đều được hòa giải kịp thời... Với những kết quả đạt được, nhiều thôn có giáo dân sinh sống như An Ngãi Đông, An Ngãi Tây 1, An Ngãi Tây 2, Tùng Sơn, Phú Thượng, Phú Hạ, Hòa Khê vẫn giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” 5 năm liền (2011-2015)...

Nhận định về những đóng góp của bà con giáo dân đối với sự phát triển KT-XH địa phương, anh Trần Kim Đính-Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, những năm qua, với sự hỗ trợ, giúp sức từ chính quyền các cấp và tinh thần đoàn kết lương giáo, bà con giáo dân đã có những đóng góp to lớn. Hiện địa phương đang thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, chúng tôi chắc chắn rằng bà con giáo dân sẽ tiếp tục tích cực đóng góp công sức vào nỗ lực chung của toàn xã... Là một trong những thôn giáo dân làm tốt công tác vận động, đóng góp từ vật chất cho đến ngày công lao động, hơn ai hết ông Lê Trinh-Trưởng thôn Phú Thượng rất hạnh phúc trước những thành quả từ sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể giáo dân trong thôn. “Đến nay, diện mạo thôn, xóm đổi mới. Cuộc sống bà con ngày càng được nâng cao, các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo được tổ chức thường xuyên. Cho nên, niềm vui Giáng sinh năm nay của bà con giáo dân dường như được nhân lên gấp bội”, ông Trinh chia sẻ.

Đến các vùng quê Hòa Sơn trong những ngày này, đâu đâu cũng thấy đèn hoa rực rỡ, giăng kết từ nhà thờ, nhà nguyện, hai bên đường khu vực những xóm đạo đến từng nhà giáo dân-nông dân. Một mùa Giáng sinh an lành nữa lại ngập tràn các xứ đạo ở vùng đất NTM Hòa Sơn.

An Dương