Ông Ích Khiêm và những hàm oan

Thứ tư, 23/02/2011 00:00

1. “Thiếu niên” bao nhiêu tuổi?

(Cadn.com.vn) - Sử sách và người đời truyền tụng rằng Ông Ích Khiêm đỗ cử nhân lúc 15 tuổi nên vua Thiệu Trị ban khen câu nói nổi tiếng “Thiếu niên đăng cao khoa”. Về ông Khiêm đỗ cử nhân lúc trẻ và câu khen trên thì không ai chối cãi được song “thiếu niên” lúc đó có đúng 15 tuổi không?

Về năm sinh của Ông Ích Khiêm, đến nay vẫn tồn tại nhiều tài liệu ghi không thống nhất nhau. Trong sách “Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam”, hai tác giả Thái Doãn Hiểu và Hoàng Liên thì ghi ông sinh năm 1831, một số bài viết đang hiện hành trên Internet thì ghi ông sinh năm 1840 (?). “Quốc triều hương khoa lục” của Cao Xuân Dục thì ghi ông đỗ cử nhân lúc 15 tuổi theo đó cho biết ông sinh năm 1832. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhất là căn cứ vào cuốn gia phả của họ Ông hiện lưu tại nhà Ông Ích Trưng - hậu duệ của Ông Ích Khiêm thì thấy ghi ông sinh nhằm vào ngày 21 tháng 12 năm Mậu Tý 1829. Cuốn gia phả trên do ông nội của ông Khiêm viết. Điều đáng nói là, Ông Văn Yển viết lại gia phả của tộc Ông chỉ sau khi Ông Ích Khiêm đỗ cử nhân đúng 1 năm, lẽ nào ông lại chép sai năm sinh của cháu mình? Chúng tôi cũng nêu thắc mắc với các hậu duệ họ Ông là Ông Ích Liễn, Ông Ích Trưng thì họ đều trả lời: “Không hiểu vì sao?”.

Theo chúng tôi, ông Yển đã ghi chính xác tuổi của Ông Ích Khiêm, bởi quyển gia phả trên cho biết, trong số những người tham gia biên soạn, góp ý, hiệu đính có cả Ông Ích Khiêm. Lập luận trên của chúng tôi hoàn toàn đúng với ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn, khi viết “truyện về Ông Ích Khiêm” trong “Đại Nam liệt truyện”. Nếu người đọc tinh ý, sẽ thấy các quan ngự sử của Quốc sử quán triều Nguyễn đã sửa cái sai trước đó khi chép rằng: “Khiêm lại bị cách chức phát đi an trí ở Bình Thuận rồi mất ở trong ngục, bấy giờ 55 tuổi” . Như vậy, lấy năm mất của Ông Ích Khiêm trừ đi tuổi thọ là 55 thì năm sinh sẽ là 1829!

Ông Ích Liễn và Ông Ích Trưng –hậu duệ của Ông Ích Khiêm. 

2.  Sao dám gọi vua Tự Đức là “đứa”?

Chuyện kể rằng, khi Tự Đức cho triệu hồi Ông Ích Khiêm ra Huế để bổ làm quan, người của triều đình đến thì Ích Khiêm không có ở nhà. Ra đồng tìm, thì thấy Khiêm đang cởi trần, ngồi trên cáng, hò hét bọn trẻ chơi trò “cờ lau tập trận”. Lúc vào chầu, Khiêm ôm cột đứng nhìn, vua Tự Đức thấy Khiêm còn quá trẻ con, bèn ra một vế đối: “Tự chữ cất vần đầu còn tử con, con nhà ai đứng đó?”. Khiêm liền khấu đầu quỳ lạy và thưa: “Xin tâu, nếu bệ hạ cho phép thần đối, thần đối lại, lỡ có quá lời, bệ hạ có bắt tội không?”. Tự Đức cười và đề nghị Khiêm cứ đối. Khiêm bèn đối rằng: “Chi chưn cắt ngang lưng còn đinh đứa, đứa nào hỏi tao chi?”. Đây là một sản phẩm đích thực của văn học dân gian! Bởi, dưới thời nhà Nguyễn nói riêng và các triều đại phong kiến phương Đông nói chung, mỗi khi vào chầu vua, kẻ bề tôi lúc nào cũng phải cúi gằm, nhìn chằm chằm vào mảnh kính nhỏ khảm trên chiếc hốt cầm khư khư bằng hai tay, ngắm sao cho hai cánh chuồn của chiếc mũ mình đang đội phải cân đối, khi muốn tâu điều gì phải phủ phục, cúi đầu nhìn xuống đất chứ không hề có chuyện ôm cột đứng, nhìn thẳng “long nhan thiên tử”, nếu không sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho các quan ngự sử tâng công! Chỉ có trong văn học dân gian, vua - tôi mới có cái cách trò chuyện “tay ba” như vậy mà thôi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, câu đối trên có lẽ xảy ra giữa Ông Ích Khiêm và Cao Bá Quát thì đúng hơn, còn tại sao lại là Cao Bá Quát xin được bàn ở dịp khác. Ông Ích Khiêm là một nhà nho học, lại rất hiểu lẽ cương thường “quân, sư, phụ” nên xin đừng gán những cái không đúng vào ông, làm giảm phẩm cách của ông.

3. Có hay không chuyện “trên chó, dưới chó”

Nói đến các giai thoại về Ông Ích Khiêm không thể không nhắc chuyện “trên chó, dưới chó”. Chuyện rằng, có lần, Ông Ích Khiêm mời một số quan đến nhà riêng dự tiệc. Trong bữa tiệc ấy, những món ăn đều có vị lạ nhưng rất ngon miệng. Có người hỏi: “Các món ăn nấu bằng thịt gì ngon quá?”. Ông Ích Khiêm đưa tay chỉ bàn trên, bàn dưới và đáp tỉnh bơ: “Trên chó, dưới chó. Toàn là chó cả!”. Ăn xong, Ông Ích Khiêm dặn người nhà không được bưng nước lên, phải chờ ông “gọi năm lần, bảy lượt” mới được đem lên. Chờ mãi không thấy nước uống, các quan sốt ruột hối thúc. Ông Ích Khiêm liền chửi: “Bọn bây thực vô tích sự! Cứ vục đầu mà ăn, không thèm lo nghĩ đến chuyện nước non chi cả!”. Nghe vậy, các quan lục tục lủi thủi ra về... Từ giai thoại trên, tác giả Trần Xuân An trong cuốn “Truyện sử ký” của mình về “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” đã không xin ý kiến Ông Ích Khiêm mà “tự ý mời thêm” hai quan đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đến dự món “ngu trung” (theo cách diễn giải của tác giả để chỉ thịt chó) và đi đến kết luận: “Sự thật về án phạm, về cái chết ở ngục Bình Thuận của Ông Ích Khiêm là đúng như bản án Bộ Hình đã nghị xử, đã tuyên bố, cho thi hành án và do chính bản thân Ông Ích Khiêm” .

Trước hết, cần xét xem giai thoại ấy từ đâu mà có. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dật sử, chuyện kể về Ông Ích Khiêm trong các sách, báo, tạp chí trong nước từ năm 1945 về trước không thấy ai đề cập đến giai thoại này. Giai thoại “trên chó, dưới chó” lần đầu tiên được “văn bản hóa” trong tập bản thảo “Quảng Nam Xưa và Nay” (chép tay chưa phổ biến) của cụ cử nhân Hán học Hồ Ngận, viết từ năm 1947 đến 1962 như tác giả đã tự bạch. Kế đó, Thái Bạch với cuốn “Giai thoại văn chương Việt Nam”, do Sống Mới xuất bản năm 1961 và Lãng Nhân với “Giai thoại làng Nho”, do Nam Chi tùng thư xuất bản năm 1966, đã “chính thức hóa” giai thoại này. Hầu hết các tác giả trên, đều chép là “tương truyền” và chỉ rõ là “mời các quan” hoặc “một số quan” chứ không nêu đích danh ông quan nào, cũng không thấy ghi mời “quan đại thần” nào. Trong các sách, báo xuất bản từ sau năm 1975 đến nay, giai thoại “trên chó, dưới chó” được tác giả Nguyễn Đắc Xuân diễn giải khá sinh động trong cuốn “Hương Giang cố sự” và gần đây nhất là tác giả Trần Xuân An trong sách vừa dẫn. Như vậy, những tác giả tương đối gần với cái chết của Ông Ích Khiêm và viết nhiều bài về ông như: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Bá Trác, Phan Thứ Khanh, Phan Khôi… không ai nghe và chép giai thoại này.

Cần nhớ rằng, sau khi lành bệnh “tâm hỏa”, khi Pháp sắp đánh kinh đô Huế, đang ở quê nhà tại Hòa Vang, Ông Ích Khiêm được Tự Đức triệu hồi về kinh, vào thời điểm ấy, ông gần như làm lại từ đầu, thì lấy tư cách gì để mời các quan đến dự tiệc, nhất là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết – những người rất căm ghét ông, nói gì đến dự bữa tiệc thịt chó do ông đãi. Lại nói, một viên tướng một đời trận mạc, luôn bị ghen ghét, đố kỵ, nay thăng mai giáng như Ông Ích Khiêm thì lấy đâu ra tiền để đãi các quan. Mà nếu các quan có đến dự, lẽ nào không đem theo kẻ hầu người hạ (lưu ý rằng cho đến chết, Ông Ích Khiêm chỉ có đúng 50 lạng bạc!); đó là chưa nói, lẽ nào các quan quý Ông Ích Khiêm đến nỗi bất chấp luật lệ triều đình “quần tam, tụ ngũ”, coi thường sự soi xét của các quan ngự sử, ngay giữa chốn kinh kỳ? Hà cớ gì các quan (dù chỉ là chức quan nhỏ chứ chưa nói đến các đại thần) lại đem quan tước, một đời phấn đấu của mình để dự một bữa tiệc do một viên quan bị thất sủng như Ông Ích Khiêm khoản đãi? Cho nên, “trên chó, dưới chó” là một giai thoại độc đáo, phản ánh đúng nghĩa khí cương cường của Ông Ích Khiêm mà người đời sau gán cho ông sau khi ông chết, để thể hiện sự phẫn uất vì vua quan nhà Nguyễn làm mất nước Nam vào tay Pháp lúc bấy giờ mà thôi.

Ông Ích Khiêm đã chết oan, con người trung nghĩa đó ngàn lần chịu oan ức, người đời sau, xin đừng làm thương tổn hương hồn ông thêm một lần nữa!

Lưu Anh Rô