Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại

Thứ tư, 03/07/2013 08:31

* Kỳ 1: Ông cụ ở Quận 2

(Cadn.com.vn) - Bắt đầu từ câu hỏi của một bạn đọc lớn tuổi sau khi đọc các loạt bài về Cụm điệp báo A10 trên Báo Công an TP Đà Nẵng trong các năm từ 2009 - 2011, rằng “làm sao mà một đám học trò Quảng Nam – Đà Nẵng biến thành điệp viên hết vậy?”, chúng tôi dành gần 3 năm để tìm hiểu kỹ hơn về mạng lưới tình báo của ta ở Sài Gòn trước năm 1975. Và, thật lạ, gần như tất cả đều dẫn đến một con người - ông Mười Hương.
 

“Thế hệ chúng tôi mỗi khi gặp vấn đề gì  hóc búa đều đến gặp ông cụ xin chỉ bảo” - Huỳnh Huề

Cuối giờ chiều một ngày tháng 4-2009, tôi một mình lang thang trong Khu di tích Căn cứ T.Ư Cục miền Nam, thuộc H. Tân Biên, Tây Ninh, nằm trên vành đai biên giới Việt Nam – Campuchia. Cả một trảng rừng mênh mông trong áng trời xế bóng chiều hôm màu mỡ gà thật là kỳ thú. Bước trên lá khô xào xạc trong rừng chiều biên giới, trong tôi có một cảm giác vừa thân quen vừa lạ lẫm, lại vừa thân thương không sao diễn tả hết. Những con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn tôi qua rất nhiều căn nhà lá được phục chế nằm dưới tán lá rừng. Mỗi căn nhà gắn với tên một con người, đều là những nhân vật có tên trong sách lịch sử, như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... Trong số ấy, tôi phát hiện ra một căn nhà gắn bảng tên Trần Quốc Hương - người duy nhất còn sống được ghi tạc chốn này. Lòng bảo lòng, một ngày nào đó phải tìm gặp ông.

Ấy vậy mà cũng phải mất đến mấy năm sau tôi mới có cơ hội.

Một ngày cuối tháng 5-2011, tôi được Thiếu tướng Huỳnh Huề (thường gọi thân mật là Ba Hoàng), Anh hùng LLVTND Việt Nam, dẫn lối đến thăm ông Trần Quốc Hương, tức ông Mười Hương. Lúc đó Thiếu tướng Ba Hoàng mới chuyển công tác từ vị trí Giám đốc CA tỉnh Đắc Lắc về làm Cục trưởng thuộc Tổng Cục An ninh 2, Bộ CA. Ông Ba Hoàng là người xứ Quảng, thời chiến vào Sài Gòn học, cùng một nhóm anh em đồng hương xăng xái hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên. Khi ông Mười Hương lập Cụm Điệp báo A10 ở Campuchia, phân công ông Mười Thắng (hiện sống ở TPHCM) làm Cụm trưởng, mấy anh em xứ Quảng móc nối lại với nhau hoạt động, Ba Hoàng làm Cụm phó, phối hợp “đánh” vào tận văn phòng Phó Thủ tướng VNCH Nguyễn Văn Hảo, dinh Hoa Lan (nơi ở của Tổng thống Dương Văn Minh), cơ quan tình báo kỹ thuật CIA, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bưu điện Sài Gòn, lõm chính trị Bảy Hiền...

 

 

Ông Mười Hương và tác giả. Ảnh: Ba Hoàng 

Trở lại với ông Mười Hương, cho đến lúc ngồi trong phòng khách ở Q.2, TPHCM, tôi vẫn lâng lâng cảm giác giống như khi một mình lang thang trong rừng chiều biên giới năm nào, khác chăng là có thêm phần bối rối, có lẽ bởi sự nhỏ bé của mình với tầm vóc quá lớn của người sắp gặp. Trong căn phòng trang trí giản dị còn lưu dấu của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các vị Ủy viên Bộ Chính trị, các vị bộ trưởng, các nhà tình báo, các sỹ quan cao cấp của CAND, QĐND, các trí thức đương đại... đến thăm hỏi, trao đổi với vị chủ nhà có dáng người nhỏ nhắn, tinh anh. Ngay hôm tôi đến thì cũng có khách là vợ chồng cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, cháu ruột của nhà cách mạng Tạ Quang Bửu, trên đường ra công cán ở Côn Đảo ghé vào thăm ông.
 

Ký sự nhân vật

Ông TRẦN QUỐC HƯƠNG (Mười Hương)

* Huân chương Sao Vàng

* Huân chương Hồ Chí Minh

* Huân chương Quân công hạng Nhất

* Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thế nhưng, khi ông Mười Hương xuất hiện, mọi cảm giác “sợ” trong tôi tan biến, sau cái khoát tay. “Thôi... Thôi... Có công chuyện gì thì cũng gác lại đã. Bây giờ tôi muốn nghe các anh nói về vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của ta trên biển. Mấy ngày nay tôi không ngủ được cũng vì cái chuyện này”. Thấy khách còn bối rối, ông giải thích thêm: “Ở đây có một ông bộ trưởng, một ông tướng, một ông nhà báo, tôi muốn nghe quan điểm của các ông. Đất nước có chuyện thì phải xúm vào mà tính trước đã, còn chuyện của mình lúc nào tính chả được!”. Vậy là, câu chuyện của chúng tôi cuốn ngay vào đề tài Biển Đông. Ông chăm chú nghe từng người nói. Đôi mắt sáng như xoáy vào tận tâm can, như muốn hiểu cho thật tận tường cặn kẽ mọi quan điểm, suy nghĩ của từng người. May cho tôi, bởi hôm trước đã có dịp trò chuyện với Tiến sỹ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu có tiếng về Hoàng Sa – Trường Sa, chủ bút Tập san Sử Địa ở miền Nam trước 1975, nên còn nhớ được đôi điều để trình bày với ông Mười Hương, chứ nếu không cũng đến là xấu hổ!

Tôi chợt nghĩ, thuở xưa, chắc ông Mười Hương cũng đã nhìn xoáy vào tận tâm can của những lính lê dương để thu phục họ rời hàng ngũ thực dân ra giúp chính phủ Cụ Hồ, hoặc xoáy vào tâm can của những nhà tình báo huyền thoại Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn để chỉ đạo họ, hoặc xoáy vào tâm can của Ngô Văn Cẩn, Ngô Đình Nhu để mà đấu trí, hoặc xoáy vào tâm can những học trò xứ Quảng để biến họ thành Cụm Điệp báo A10...

Sau khi nghe hết thảy các ý kiến, đến lượt mình, ông Mười Hương nói: “Sống cạnh nước lớn phải làm được hai chuyện. Thứ nhất, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn, sống có trước có sau, đừng vì chuyện lặt vặt mà sinh ra cãi vã xích mích. Những chuyện cãi vã lặt vặt chẳng giải quyết được cái gì cho ai cả, tốt nhất là dẹp nó đi cho đỡ vướng. Thứ hai là cũng đừng có nhún nhường quá, phải có đối sách rõ ràng, dứt khoát, cái gì hợp tác thì hợp tác, cái gì bị xâm hại thì phải quyết liệt đấu tranh tới cùng”.

Cuộc trò chuyện về chủ đề Biển Đông vẫn còn kéo dài nữa, gia chủ yêu cầu khách cùng mình thảo luận từng chi tiết nhỏ nhất, đặt ra nhiều khả năng, phân tích theo lý lẽ riêng của từng người. Và mỗi khi hết phần trình bày của mình, ông lại muốn nghe ý kiến của từng người trong cuộc về các lập luận của ông. Mọi lý lẽ, thông tin, chuyện xưa, chuyện nay mà ông nêu ra trong câu chuyện sinh động vô cùng.

Thiếu tướng Huỳnh Huề ghé tai nói với tôi: “Thế hệ chúng tôi mỗi khi gặp vấn đề gì hóc búa đều đến gặp ông cụ xin chỉ bảo”.

“Ông cụ” là từ mà nhiều điệp viên trong Ban An ninh T.Ư Cục miền Nam và An ninh Sài Gòn – Gia Định (T4) trước đây gọi thân mật ông Mười Hương.

Trời đã ngả về chiều, mồ hôi lấm tấm trên vầng trán gia chủ, giọng nói ông trầm xuống. Ông bà cựu Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc đã từ biệt để kịp ra Côn Đảo. Ông Mười Hương tựa lưng vào ghế, buột miệng: “Tính ra tôi ở miền Nam cũng đã được hơn nửa thế kỷ rồi đấy. Vậy mà có lần tôi phải nói với cô Phương Thảo (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM – N.L) rằng, có một việc không bao giờ tôi làm được, ấy là nhại giọng miền Nam. Nhiều ông tài thật, nói được cả giọng Bắc, giọng Nam. Tôi thì có lúc thử rồi nhưng thấy nó lố bịch thế nào ấy, nên thôi”...

Nguyễn Lê
(còn nữa)