Ông Nguyễn Bá Thanh trong lòng dân (5)

Thứ năm, 12/02/2015 09:58

* BÀI CUỐI: Giữ lửa ở trong tim

(Cadn.com.vn) - Hơn 300 cán bộ, đa phần là cán bộ trẻ, tập trung về Hội trường Trường Chính trị TP Đà Nẵng (nằm trên đường Hồ Nghinh, Q. Sơn Trà). Cái nóng mùa hè năm 2009 phía bên ngoài dường như cũng không hơn không khí ở bên trong…

Đó là buổi đối thoại giữa ông Nguyễn Bá Thanh với lứa cán bộ đầu tiên ở Đà Nẵng, mà có lẽ cũng đầu tiên ở Việt Nam có được đặc quyền hiếm thấy: Được quyền chọn cơ quan công tác! Đó là những cán bộ chương trình đào tạo, xét tuyển, thi tuyển chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn Đà Nẵng.

Không đứng ở khu vực riêng, tôi chọn một chỗ ngỗi ngay giữa hàng trăm cán bộ trẻ háo hức tranh luận, chờ đợi. Và cũng nhờ vậy mà cho đến bây giờ chúng tôi vẫn không thể nào quên không khí được tạo nên bởi những cán bộ trẻ, học viên đầy tâm huyết ngày ấy.

Ông Nguyễn Bá Thanh thường xuyên đi thực tế, nắm rõ tình hình ở cơ sở.
Trong ảnh: Ông Nguyễn Bá Thanh kiểm tra tại hiện trường trạm XLNT KCN Dịch vụ Thủy sản.
Ảnh: P.V

Lúc đó, hầu như ai cũng chuẩn bị sẵn một vài câu hỏi lẫn chủ đề để tranh luận với ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh cũng không làm họ thất vọng, mở đầu cuộc đối thoại, ông nói ngay: Sẵn sàng giải đáp, tranh luận bất kỳ chủ đề nào, sẵn sàng tiếp thu bất kỳ ý tưởng mới nào có lợi cho thành phố!". Lập tức, một cán bộ trẻ hỏi: Muốn làm lãnh đạo thì phải có quan hệ. Muốn có quan hệ phải uống được bia rượu. Vậy có công bằng với những người tửu lượng kém hay không? Ông Nguyễn Bá Thanh đáp ngay: "Ai nói vậy? Tôi là Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, là lãnh đạo cao nhất thành phố đây, mà tôi có uống được bao nhiêu đâu, chỉ vài ly thôi!". Rồi ông bảo, có vẻ hơi quen thuộc nhưng qua giọng nói, cách nói của ông thì trở nên rất sinh động vô cùng, rằng, cán bộ phải phấn đấu, mở rộng quan hệ là đúng, nhưng phải dùng tài năng, tâm huyết chứ không phải ngồi đó nhìn qua nhìn lại, đứng núi này trông núi nọ. Ông chốt: "Phải giữ được lửa ở trong tim!".

Lời nói của ông Nguyễn Bá Thanh có thể kiểm chứng được không?

Chúng tôi biết một câu chuyện thế này. Có một trí thức xin đầu quân về Đà Nẵng. Ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu gặp trực tiếp, dành cho vị này 15 phút để trình bày xem dự định làm được gì cho TP Đà Nẵng. Trước những ý tưởng xuất sắc của vị trí thức này, ông Nguyễn Bá Thanh đã dành hẳn 2 giờ đồng hồ ngồi nghe, trao đổi . Ngay sau đó, vị trí thức được nhận về, bổ nhiệm chức trưởng phòng và khoảng 3 tháng sau thì bổ nhiệm làm phó giám đốc một cơ quan tương đương cấp sở. Và chúng tôi cũng biết, vị trí thức nói trên cũng không cần phải uống bia rượu quá nhiều!.

Một dẫn chứng khác, chẳng đâu xa, từ chính đội ngũ cán bộ trẻ trong buổi đối thoại nêu trên. Từ năm 2008, Thành ủy Đà Nẵng đăng thông báo tuyển chọn cán bộ đi bồi dưỡng. Sau khi qua vòng sơ tuyển, các ứng viên được cử đi học, có lương hẳn hoi. Dựa trên kết quả học tập, nếu đạt xuất sắc, học viên có quyền chọn nơi làm việc và được bổ nhiệm ngay vào cương vị lãnh đạo! Cách làm đột phá ấy của Đà Nẵng tất nhiên là do tập thể Thành ủy và các cơ quan tham mưu tích cực thực hiện, triển khai, nhưng chắc rằng cũng có phần đáng kể, nếu không nói là quyết định của người đứng đầu Nguyễn Bá Thanh.

Không chỉ những buổi nói chuyện trong bốn bức vách hội trường, ông Nguyễn Bá Thanh để lại dấu ấn đặc biệt với những buổi nói chuyện tường thuật trực tiếp trên truyền hình, trong đó có buổi nói chuyện đầu tiên diễn ra tối 24-7-2003. Xin trích tường thuật của một nhà báo tại thời điểm đó:

"Qua hơn 28 năm sau ngày giải phóng, lần đầu tiên Đà Nẵng có một buổi nói chuyện "vô tiền khoáng hậu" như vậy. Suốt gần 2 tiếng rưỡi đồng hồ, các cán bộ công chức Đà Nẵng, chen nhau ngồi cả xuống đất vì hội trường không đủ ghế, lắng nghe vị tân Bí thư Thành ủy nói chuyện. Họ bật cười vì những câu nói tếu, rồi chợt đau nhói khi ngẫm lại ý nghĩa thâm sâu đằng sau nó. Để rồi tự thấy mình trở nên lành mạnh hơn, có nhiều dũng khí hơn để làm việc và cống hiến!...

Không hề vòng vo, ông vào đề luôn: "Sở dĩ có cuộc gặp hôm nay là vì một sự kiện quan trọng vừa diễn ra: Đà Nẵng được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1. Tất nhiên chỉ mới "là" đô thị loại 1 thôi, còn để "làm" cho nó thực sự trở thành đô thị loại 1 được người khác tâm phục khẩu phục thì còn gian nan lắm. Nhưng chưa chi đã có người vội nảy sinh tư tưởng chủ quan, và tôi rất sợ từ điều đó sẽ dẫn tới 4 cái mất lớn hơn!". Cái mất đầu tiên, ông sợ, là mất thời cơ - điều mà Đà Nẵng đã tạo ra và tận dụng rất tốt khi từ một TP "cấp huyện" (đô thị loại 2 thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) trở thành TP trực thuộc TƯ, và hơn 6 năm sau đã là đô thị loại 1. "Nếu không làm mạnh hơn nữa, Đà Nẵng sẽ mất cơ hội vượt lên trở thành TP động lực của miền Trung, chỉ sẽ là một anh làng nhàng trong khu vực mà thôi!".

Từ đó, ông lo đến cái mất thứ hai: "Nếu tốc độ phát triển của TP trì trệ, không đáp ứng sự trông đợi của nhân dân thì cán bộ sẽ bị kỷ luật, thuyên chuyển công tác. Chưa kể, nhiều người tranh thủ quơ quào, kiếm chác còn sẽ bị luật pháp trừng phạt. Vậy là mất cán bộ!". Một khi cán bộ thoái hóa, biến chất như vậy sẽ dẫn đến cái mất gì nữa? "Mất lòng dân - ông nhấn mạnh - Và một khi dân không còn tin chúng ta nữa thì cái mất thứ tư đau lòng hơn cũng rất dễ xảy ra: Mất chế độ!".

Buổi nói chuyện nổi tiếng tiếp theo của ông Nguyễn Bá Thanh là ở Cung Tiên Sơn năm 2011, trước gần như toàn bộ cán bộ cấp trưởng, phó của TP Đà Nẵng, khoảng 4.500 người. Buổi nói chuyện được tường thuật trực tiếp trên truyền hình để người dân TP theo dõi. Đà Nẵng thời điểm đó thật lạ lùng! Gần như tất cả các quán cà-phê, quán nhậu có tivi đều bật kênh địa phương, mở loa to hết cỡ. Bước ra đường, ai cũng hỏi ai xem ông Thanh nói gì, rồi thảo luận, rồi tấm tắc khen, cũng có chê, bàn ra tán vào, cũng có thờ ơ, cũng thế này thế khác (xứ Quảng hay cãi mà!)…, nhưng nhìn tổng thể thì đó quả là sự lạ, tiếng của ông Thanh lan tràn trên truyền hình, báo chí, internet…, và bài nói chuyện đó còn lan tỏa, được bàn tán rất lâu sau đó, cho đến tận bây giờ vẫn chưa ngớt.

Nguyễn Lê

THAY LỜI KẾT

Khi bài viết này đăng kỳ cuối, đường phố Đà Nẵng đã được trang hoàng lộng lẫy hơn, rực rỡ hơn, chuẩn bị đón chào năm mới. Dòng người, nhịp sống dường như cũng hối hả, rộn ràng. Trong cái hối hả mùa xuân về, người dân thành phố có lẽ càng nhớ đến ông nhiều hơn, với nhiều cung bậc cảm xúc thân thương, tinh khiết. Bài viết này cũng xuất phát từ đó, từ tấm lòng của người dân dành cho ông, một người - nói như một nhạc sỹ trong bài viết - để lại dấu ấn sâu đậm ở từng góc phố, con đường, công trình Đà Nẵng hôm qua, hôm nay và mai sau.