Ông Putin - Kim xích lại gần nhau
Chủ đề chính của cuộc gặp lần này chắc chắn là giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và đảm bảo an ninh cho khu vực Đông Bắc Á. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận các khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười bắt tay trước khi bắt đầu cuộc hội đàm lịch sử. Ảnh: Reuters |
Đúng 11 giờ 10 ngày 25-4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu cuộc gặp tại trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) thuộc tỉnh Vladivostok, với mục tiêu tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn trong bối cảnh cả hai đều muốn chống lại ảnh hưởng của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra khoảng 2 tháng sau khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc ở Hà Nội mà không đạt thỏa thuận nào, và nhất là trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang bị khóa trong cuộc đối đầu hạt nhân với Washington và Tổng thống Putin muốn đưa Moscow tiến lên như một người chơi quyền lực hơn trong ván cờ Triều Tiên.
Mỹ không phải là duy nhất
Giới quan sát cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh này là minh chứng cho thấy, Washington không phải là cường quốc duy nhất có đủ lực lượng để tham gia với Bình Nhưỡng trong ván bài hạt nhân.
Trong dấu hiệu bất ngờ và cho thấy sự quan tâm đến mối quan hệ với Triều Tiên, Tổng thống Putin - nhà lãnh đạo vốn nổi tiếng vì luôn chậm trễ trong nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới - đã xuất hiện rất sớm trước thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh này. Ông Putin có mặt khoảng 30 phút trước lịch trình và “chờ đợi” ông Kim Jong-un. Khi ông Kim ra khỏi xe, Tổng thống Putin chào mừng ông nhiệt liệt và ông Kim đáp lại bằng lời cảm ơn ông Putin vì lời mời đến Nga. Thói quen chậm trễ của Tổng thống Putin đã nổi tiếng toàn thế giới kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2000. Gần đây nhất, ông bắt Tổng thống Trump đợi gần 1 tiếng khi hai bên có cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki hồi tháng 7-2018. Ông Putin cũng bắt Thủ tướng Đức Angela Merkel đợi 4 tiếng 15 phút vào năm 2014.
Kết thúc cuộc họp kín kéo dài 2 giờ đồng hồ, lâu hơn dự kiến, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều ngày 25-4, cả hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan Bán đảo Triều Tiên và cho rằng, LHQ và các nước nên nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế áp đặt với Bình Nhưỡng, tùy thuộc vào tiến triển trong việc giải trừ hạt nhân. Không có thông tin về việc ký kết văn kiện chung. Cả hai nhà lãnh đạo cũng không tổ chức họp báo sau hội đàm.
Những mục tiêu của Nga - Triều
Chủ đề chính của cuộc gặp lần này chắc chắn là giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và đảm bảo an ninh cho khu vực Đông Bắc Á. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận các khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Trong số các vấn đề có thể nằm trên bàn đàm phán là số phận của khoảng 10.000 lao động Triều Tiên làm việc tại Nga và phải rời đi vào cuối năm nay theo các lệnh trừng phạt. Lực lượng lao động này là một trong những nguồn xuất khẩu quan trọng và đem về nguồn ngoại tệ lớn cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã yêu cầu Moscow tiếp tục sử dụng lao động sau thời hạn trên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên, quốc gia vốn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong năm nay, cũng rất muốn Moscow tiếp tục hoặc tăng cường viện trợ. Nga đã cung cấp khoảng 25 triệu USD viện trợ lương thực cho Triều Tiên trong những năm gần đây. Nga cũng đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, nhưng Mỹ cáo buộc họ cố gắng giúp Bình Nhưỡng trốn tránh một số biện pháp - cáo buộc mà Moscow phủ nhận.
Đối với Tổng thống Putin, hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để thúc đẩy chương trình nghị sự của Nga về việc chống lại ảnh hưởng quốc tế của Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với tờ People Daily của Trung Quốc hôm 25-4, ông Putin đả kích “các quốc gia tuyên bố lãnh đạo toàn cầu duy nhất”, theo đó sử dụng các biện pháp tống tiền, trừng phạt, cố gắng áp đặt các giá trị của họ bằng vũ lực đối với nước khác.
KHẢ ANH