Ông Trump bị chỉ trích về chính sách đối với các băng đảng Mexico
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tuyên bố lên kế hoạch chính thức định danh các băng đảng ma túy Mexico là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, động thái của ông vấp phải sự phản đối của các thành viên nội các và các trợ lý hàng đầu từ chính phủ.
Tổng thống Trump trong một lần đến thăm biên giới Mỹ- Mexico. Ảnh: SkyNews |
Nhiều quan chức lo ngại, việc định danh như vậy có thể gây tổn hại cho mối quan hệ Mỹ-Mexico, có khả năng ảnh hưởng đến sự hợp tác của Mexico với các kế hoạch của ông Trump nhằm ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy qua biên giới.
Một mối quan ngại quan trọng khác là việc định danh như vậy có thể giúp người di cư dễ dàng giành được quyền tị nạn ở Mỹ bằng cách tuyên bố họ đang chạy trốn khủng bố, một quan chức chính quyền cấp cao và hai nguồn tin khác cho biết. Ông Stephen Miller, một trong những cố vấn có ảnh hưởng nhất của Nhà Trắng và là kiến trúc sư đứng sau các chính sách của Trump về nhập cư, là một trong những quan chức bày tỏ quan ngại trong các cuộc thảo luận trước hai cuộc họp cấp cao dẫn đến các khuyến nghị bỏ kế hoạch của ông Trump.
Hôm 9-12, tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng, ông tạm thời trì hoãn kế hoạch theo yêu cầu của Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho rằng, tuyên bố của tổng thống không phải là một sự đảo ngược chính sách mà là một động thái mang tính chiến lược. Mối đe dọa về việc định danh các băng đảng ma túy Mexico là các tổ chức khủng bố là đòn bẩy cực kỳ hữu ích trong việc đạt được sự hợp tác hơn nữa từ Mexico, quan chức này cho biết. Quan chức này cho rằng việc thay đổi kế hoạch tùy thuộc vào sự hợp tác của Mexico về các vấn đề như siết chặt hoạt động buôn lậu ma túy ở biên giới và kiểm soát nhập cư.
Chính phủ Mexico cho rằng, việc đánh đồng các băng đảng ma túy của nước này với IS và Al-Qaeda có thể mở ra cánh cửa cho sự can thiệp của quân đội Mỹ. Trong một cuộc họp với Tổng chưởng lý William Barr hôm 5-12, Tổng thống Obrador đã bày tỏ sự phản đối kế hoạch của ông Trump, cho biết hiến pháp Mexico sẽ không cho phép sự can thiệp của nước ngoài như vậy. Sau khi kế hoạch bị trì hoãn, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã đánh giá cao về quyết định của ông Trump.
Phá vỡ hợp tác
Ông Trump từng tuyên bố việc nhập cư và buôn bán ma túy trái phép qua biên giới Mỹ-Mexico là một vấn đề quan trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên cũng như trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020. Định danh một nhóm là tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO) nhằm mục đích chặn nguồn tài chính của nó thông qua các biện pháp trừng phạt, bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các thành viên và cộng sự của nhóm.
Tuy nhiên, yếu tố mang tính quyết định sự thành công của chính sách ngăn chặn người nhập cư qua biên giới của ông Trump phụ thuộc chủ yếu vào sự hợp tác của Mexico. Đầu năm nay, Mexico đã đồng ý triển khai hàng ngàn binh sĩ bảo vệ quốc gia để ngăn chặn người di cư di chuyển về phía bắc tới biên giới Mỹ sau khi ông Trump đe dọa sẽ áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa từ Mexico. Ngoài ra, Mexico đã tiếp nhận hàng chục ngàn người di cư được gửi trở về nước từ Mỹ.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, ông Trump và nhiều trợ lý hàng đầu đã muốn trấn áp nạn buôn bán ma túy và nhập cư bất hợp pháp trong một thời gian và đang xem xét các phương pháp mới, bao gồm cả kế hoạch định danh FTO. “Tổng thống và các quan chức cấp cao tin rằng họ cần có một tư thế cực kỳ hung hăng đối với các băng đảng và đang xem xét việc sử dụng các công cụ chưa được sử dụng trước đó”, quan chức này cho biết.
Nhiều hệ lụy
Theo hai cựu quan chức khác, các thành viên Nội các đã đề nghị việc định danh các băng đảng ma túy Mexico là FTO lần đầu tiên trong một cuộc họp của chính quyền hôm 8-11, 4 ngày sau khi 9 phụ nữ và trẻ em Mỹ bị sát hại trong một cuộc phục kích mà các quan chức Mexico khẳng định là tranh chấp lãnh thổ giữa các băng đảng đối thủ ở miền bắc nước này.
Một báo cáo của Tổ chức Di sản bảo thủ công bố hôm 19-12 đã cảnh báo rằng việc định danh các băng đảng ma túy Mexico là FTO sẽ làm suy yếu các chính sách nhập cư của ông Trump. Tên gọi khủng bố có thể cho phép vô số người xin tị nạn chính trị ở Mỹ, báo cáo cho biết. Các nhóm người tị nạn có thể mở rộng ra ngoài Mexico bởi các băng đảng Mexico không chỉ có thành trì trong nước mà chúng còn có đại diện ở mọi châu lục.
Jason Blazakis, quan chức Cục Chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ giai đoạn 2008-2018, cho rằng ngoài việc gây tổn hại đến quan hệ Mỹ-Mexico, việc định danh FTO có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mexico bằng cách khiến các doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi nước này hoặc xem xét lại việc đầu tư ở đó. Đóng băng tài sản và cấm đến Mỹ có thể ảnh hưởng đến các quan chức, chỉ huy quân sự và doanh nhân Mexico liên minh với các băng đảng. “Bạn đang làm mờ đi ranh giới giữa tội phạm và khủng bố”, ông Blazakis, hiện là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, California, nhận định.
AN BÌNH
Người dân Đức coi Tổng thống Trump là mối “nguy hiểm nhất”
Mặc dù Washinton là một trong những đồng minh thân cận nhất của Đức, nhưng niềm tin của người dân nước này vào Mỹ đã giảm đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đây là kết quả thăm dò mới nhất do Viện nghiên cứu YouGov tiến hành và được công bố ngày 26-12. Trước đó, một cuộc thăm dò với nội dung tương tự cũng do Viện nghiên cứu YouGov thực hiện hồi tháng 7-2018 cho thấy 48% số người Đức được hỏi nhận thấy Tổng thống Trump “nguy hiểm” hơn nhà lãnh đạo Kim Jong-un.