Ông Trump, Erdogan “hóa giải” căng thẳng

Thứ năm, 14/11/2019 13:32

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có cuộc hội đàm quan trọng vào ngày 13-11, cuộc gặp rất được chờ đợi trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đến Nhà Trắng ngày 13-11.  Ảnh: AP

Dù là đồng minh thân cận trong NATO nhưng quan hệ Mỹ - Thổ đang chìm sâu căng thẳng khi Ankara gần đây đang dần xa lánh Washington và chuyển hướng sang Nga trong các vấn đề an ninh và gần đây nhất là cuộc chiến của Ankara chống lại lực lượng người Kurd ở đông bắc Syria.

Những vấn đề hóc búa

Ông Trump và Erdogan có chương trình nghị sự đầy khó khăn trên bàn hội đàm ngày 13-11, bao gồm quyết định mua một hệ thống phòng không của Nga và cả cuộc tấn công của nước này vào lực lượng người Kurd - đồng minh của Mỹ nhưng Ankara từ lâu đã coi là tổ chức khủng bố.

Vấn đề người Kurd ở Syria là nội dung hội đàm căng thẳng nhất. Trước thềm cuộc gặp, một quan chức cấp cao Mỹ thừa nhận, Washington cho đến nay không có bất kỳ kế hoạch nào về việc chấm dứt liên minh với lực lượng người Kurd ở Syria. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là vấn đề hóc búa nhất. Thương vụ mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga mới là bài toán khiến ông Trump đau đầu nhất. Washington vẫn cố gắng thuyết phục Ankara hủy bỏ thương vụ này, dù Nga đã chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ một phần thiết bị quân sự tối tân.

Theo báo Washington Post, Tổng thống Trump đã đề nghị người đồng cấp Erdogan một hợp đồng thương mại trị giá 100 tỷ USD và một “giải pháp thay thế” để tránh các lệnh trừng phạt mà Washington cam kết áp đặt với Ankara bởi thương vụ mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Washington mới đây cảnh báo sẽ tiếp tục trừng phạt mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục thỏa thuận trên. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Ankara sẽ chấm dứt thỏa thuận với Moscow theo ý muốn của Washington, khi Ankara vẫn luôn khẳng định rằng, hợp đồng mua S-400 đã chốt.

Và còn một vấn đề khác khiến quan hệ Mỹ - Thổ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, đó chính là việc Ankara yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ, nhưng Washington cho đến nay chưa giải quyết. Ankara đã cáo buộc giáo sĩ Gulen đứng sau âm mưu đảo chính bất thành lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.

Cơ hội cho ông Trump?

Trước thềm cuộc gặp, ông chủ Nhà Trắng ca ngợi Ankara là đồng minh quan trọng của Washington trong nhiều thập kỷ, đưa ra minh chứng về mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa hai nước và cho rằng, cả hai có đủ điểm chung để vượt qua sự khác biệt của họ.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ cho rằng, ông Trump không nên mời ông Erdogan đến Nhà Trắng. Tháng trước, với con số áp đảo, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật để trừng phạt các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội của nước này vì cuộc chiến ở đông bắc Syria. Các nghị sĩ Mỹ cáo buộc chính phủ của ông Erdogan đã bỏ tù hơn 80.000 công dân Thổ Nhĩ Kỳ, đóng cửa hơn 1.500 tổ chức phi chính phủ với lý do liên quan đến khủng bố và sa thải hoặc đình chỉ hơn 130.000 công chức bị cáo buộc liên quan đến vụ đảo chính bất thành năm 2016. “Đây không phải là thời gian hay địa điểm để mở rộng lòng hiếu khách và trao đổi những điều tốt đẹp với một nhà lãnh đạo bảo thủ”, AP dẫn lời thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, một đảng viên Dân chủ ở New Hampshire cho biết.

Tuy nhiên, cuộc họp báo diễn ra sau cuộc gặp được cho sẽ tạo cho ông Trump một sân khấu đủ lớn để chống lại các phiên điều trần luận tội nhằm vào ông tại Hạ viện. Trong ngày ông Trump gặp ông Erdogan, Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ bắt đầu điều trần công khai đầu tiên liên quan cuộc điều tra luận tội ông chủ Nhà Trắng. Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump là cuộc điều tra luận tội thứ 4 đối với một tổng thống trong lịch sử nước Mỹ. Các phiên điều trần tuần này sẽ diễn ra trong hai ngày 13 và 15-11 và được truyền hình trực tiếp với 3 nhân chứng tham gia. Các phiên điều trần trong tuần tới sẽ diễn ra trong các ngày 19, 20, và 21-11 với sự tham gia của 8 nhân chứng.

Trong phản ứng đầu tiên, ông Trump nói rằng, cuộc điều tra là “tham nhũng” và “bất hợp pháp”, đồng thời khẳng định ông không làm gì sai. “Đảng Dân chủ ở Washington, chuyên theo đuổi những trò lừa bịp và những cuộc săn phù thủy ảo tưởng, sẽ không đi đến đâu cả. Đừng lo lắng về điều đó”, ông tự tin nói trong bài phát biểu trước Câu lạc bộ kinh tế New York hôm 12-11 (giờ Mỹ).

KHẢ ANH