Ông Trump và NATO

Thứ sáu, 01/04/2016 09:04

(Cadn.com.vn) - Ứng viên Tổng thống Mỹ gây tranh cãi Donald Trump tỏ rõ cái sự "ghét ra mặt" đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một điều mà chưa ứng viên tổng thống nào thể hiện. Điều này làm dấy lên lo sợ Washington sẽ nỗ lực để rời bỏ tổ chức này, một khi ông Trump lên làm tổng thống, khiến nó nguy cơ tan rã.

Trong tuyên bố gây chú ý, ông Trump cho rằng, thời kỳ Chiến tranh Lạnh của NATO, vốn có trụ sở tại Brussels, Bỉ, đã "lỗi thời" sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng tại "trái tim NATO" hôm 22-3. Bởi theo ông, khối gồm 28 nước này được thành lập vào một kỷ nguyên khác, khi mà mối đe dọa chính đối với phương Tây là Liên Xô. Vị tỷ phú New York còn nói thêm rằng, NATO không liên quan và không phù hợp để chống khủng bố và cái giá mà Mỹ đang phải trả là quá đắt.  Ông này đồng thời kêu gọi cải tổ toàn bộ liên minh quân sự, vốn được coi là một hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Trump cũng chỉ trích Tổng thống Barack Obama vì những gì mà ông mô tả như là một phản ứng yếu kém đối với IS, cho rằng, ông chủ Nhà Trắng không đủ năng lực giải quyết các mối đe dọa. Ông Trump phần nào thu hút sự ủng hộ của những cử tri trẻ với những quan điểm đối ngoại, đối nội khá mới mẻ và bất ngờ của mình.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những tuyên bố của ông có thể trở thành hiện thực hay không một khi ông được bầu vào Nhà Trắng. Bởi lẽ, một tổng thống không có quyền đơn phương hủy bỏ các thỏa thuận quân sự lớn, chẳng hạn như NATO. Tất nhiên, một sự phản đối từ một Tổng thống Mỹ như thế chắc chắn có thể làm suy yếu và phá hoại tính khả thi của những hiệp ước, nhưng để "giết chết" nó là hoàn toàn khó khả thi. Đó là chưa kể đến việc một sự thay đổi đáng kể ở NATO sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với Mỹ.

Việc NATO tan rã sẽ gửi tín hiệu rất tiêu cực trên toàn thế giới bởi vì nó sẽ chứng minh rằng Mỹ không phải là một đồng minh đáng tin cậy và các quốc gia không có thể dựa vào Washington khi xảy ra chuyện. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, không nên quá lo lắng bởi một vị tổng thống cũng cần vượt qua nhiều cửa ải trước khi đi đến quyết định "tháo dỡ" tổ chức gần 70 năm tuổi này, nhất là cửa ải Quốc hội luôn đầy khó khăn.

Bắt đầu từ ngày 31-.3 (giờ Mỹ), Tổng thống Barack Obama tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại thủ đô Washington với sự tham gia của 56 phái đoàn. Ngoài ưu tiên thảo luận việc ngăn ngừa chủ nghĩa khủng bố hạt nhân, quan điểm của ông Trump về NATO cũng có thể được đưa ra bàn thảo, đặc biệt phía sau hậu trường bởi đây không phải là lần đầu tiên ông Trump chỉ trích NATO mà trước đó đã kêu gọi cắt giảm hỗ trợ tài chính đối với tổ chức này.

Thanh Văn