Ông Trump và tháng cầm quyền đầu tiên

Thứ tư, 22/02/2017 09:43

(Cadn.com.vn) - Tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Donald Trump sau 1 tháng cầm quyền đầu tiên ở mức thấp nhất trong lịch sử. Nhưng “ở phía bên kia của đồng xu”, cử tri vẫn ủng hộ ông, ủng hộ một Quốc hội do  đảng Cộng hòa kiểm soát, đó mới là điều quan trọng.

Tháng cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Trump chứng kiến tranh cãi nhiều hơn so với bất kỳ vị chủ nhân Nhà Trắng nào trong lịch sử đương đại  Mỹ. Trong khi nhiều người chỉ trích ông sai lầm, có người lại cho rằng ông cũng có những quyết định rất đúng. Và theo một số ý kiến khác, còn quá sớm để chấm điểm cho vị tổng thống tỷ phú này.

Biểu tình phản đối Tổng thống Trump diễn ra liên tục trong 1 tháng đầu tiên
nhà lãnh đạo này lên nắm quyền. Ảnh: AFP

Hoàn thành cam kết tranh cử về các vấn đề trong nước

Phong cách thẳng thắn khiến ông Trump trở thành nhân vật trung tâm chỉ trích trên các phương tiện truyền thông trong hơn 1 năm qua. Và những tranh cãi vẫn tiếp tục trong tháng đầu tiên ông nắm quyền. Tổng thống Trump tiếp tục gây chiến gay gắt chưa từng có với các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ.

Nhưng một điều không thể phủ nhận là 30 ngày qua đã chứng kiến việc ông Trump nhanh chóng hoàn thành những cam kết đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử về các vấn đề trong nước, cho dù đó là những sắc lệnh bị chỉ trích hay được ủng hộ. Giới chuyên gia cho rằng, cái đúng của ông Trump là tiếp tục theo đuổi mục tiêu chính sách bằng cách giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Nhưng điểm yếu của chính quyền Tổng thống Trump là quy hoạch yếu kém với một bộ máy làm việc còn chậm chạp.

 “Cảm xúc lẫn lộn”  về thương mại

Một trong những “đơn đặt hàng” đầu tiên của Tổng thống Trump với các doanh nghiệp là bãi bỏ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vốn có chữ ký của Mỹ, Canada và Mexico. Ông cũng ra lệnh bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận thương mại tự do cho Châu Á-Thái Bình Dương vốn được cựu Tổng thống Barack Obama thúc đẩy mạnh mẽ.

Những người kinh doanh Mỹ cho rằng, NAFTA, thực sự như Tổng thống Trump đã nói, là thỏa thuận xấu cho người Mỹ vì nó làm tổn thất việc làm rất lớn trong 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, không thể dùng một cái rìu để giết chết thương mại như thế bởi vì các chuỗi cung ứng của Mỹ-Mexico đang hòa quyện vào nhau thật chặt và việc bỏ NAFTA có thể dẫn đến tăng giá.

Về việc làm, cũng có những cảm xúc lẫn lộn về mối đe dọa gần đây của ông Trump về thuế biên giới. Một vài Cty hủy bỏ các kế hoạch xây nhà máy ở Mexico và chọn ở lại Mỹ. Những người ủng hộ nói rằng, cuối cùng cũng có người đứng lên giành lại quyền lợi cho người Mỹ sau nhiều thập kỷ việc làm “bị đánh cắp”, lương trì trệ và bức tranh kinh tế ảm đạm cho các khu vực nông thôn của nước Mỹ.

Nhưng xét theo nhiều khía cạnh, chủ nghĩa bảo hộ thương mại rất nguy hiểm, cuối cùng có thể dẫn đến tăng giá đối với các sản phẩm nhất định và gây tác động tiêu cực đến thương mại.

Ngoại giao chưa nổi bật

Tháng đầu tiên của ông Trump được đánh giá là “điều chỉnh tốt” vị thế của Mỹ trong các vấn đề quan trọng nhất định. Đáng chú ý, Tổng thống Trump đã chùn bước trong vấn đề NATO khi tái khẳng định sự ủng hộ đối với liên minh này bất chấp những lời chỉ trích trước đó cho rằng, NATO “lỗi thời”.

Trong chuyến thăm gần đây đến tham dự một hội nghị an ninh Châu Âu tại Đức, cả Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tái khẳng định cam kết của Washington với NATO. Với Trung Quốc, Tổng thống Trump ban đầu kích thích Bắc Kinh bằng cách tuyên bố Nhà Trắng cần xem xét lại chính sách “một Trung Quốc”. Nhưng sau cùng, ông ve vãn Bắc Kinh với cam kết tôn trọng chính sách trên.

Trở ngại lớn nhất đối với các sáng kiến chính sách đối ngoại của ông Trump có lẽ là làn sóng kháng cự mạnh mẽ mà ông vấp phải trong nỗ lực thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Nga. Michael Flynn, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump, đã buộc phải từ chức vào tuần trước với cáo buộc che giấu Nhà Trắng về cuộc hội thoại giữa ông và Đại sứ Nga tại Mỹ liên quan đến các lệnh trừng phạt của Washington đối với Moscow (Tổng thống Trump hôm 20-2 đã đề cử tướng Lục quân H.R. McMaster vào vị trí này).

Khả Anh