Pà bam, Đinh buôn - “tiếng khóc” của người Ve
(Cadn.com.vn) - Hiện nay trong kho nhạc cụ khá đa dạng của dân tộc Ve, 2 nhạc cụ Pà bam và Đinh buôn vẫn luôn giữ vai trò quan trọng. Đồng thời, chúng là điểm sáng nổi bật thể hiện cội nguồn, vẻ đẹp của văn hóa của người Ve.
Ông Pháo đang biểu diễn một khúc nhạc bằng Pà bam – “tiếng khóc” khi cha mất |
SỰ TÍCH PÀ BAM VÀ ĐINH BUÔN
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Pháo (người dân tộc Ve, sinh năm 1934) trú tổ 1, thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam sau một hồi lòng vòng hỏi đường. Theo lời giới thiệu của ông Trần Dư, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin H. Giằng ngày xưa (Nam Giang bây giờ), ông Pháo là người cao tuổi có uy tín trong thôn làng; một nghệ nhân biết làm và biểu diễn được nhiều nhạc cụ truyền thống, biết nhiều phong tục tập quán của người dân địa phương; một người tích cực hoạt động văn hóa, có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của người Ve trên địa bàn Nam Giang nói riêng, của các dân tộc ở địa phương nói chung.
Ông Pháo năm nay tuổi đã tròn 80, tóc bạc trắng nhưng da dẻ vẫn hồng hào, tràn đầy sức sống. Ông Pháo bồi hồi kể: Ngày xưa lâu lắm, ở một làng nọ có hai anh em vì gia cảnh nghèo khó, nên thường bị bọn nhà giàu trong làng hắt hủi, xua đuổi. Đã vậy hai anh em lại vô cùng bất hạnh khi bố bị bệnh mất sớm, để lại ba mẹ con bơ vơ, không nơi nương tựa. Khi bố chết, bọn nhà giàu đầy quyền lực không cho họ than khóc để tỏ chữ hiếu, bày tỏ sự tiếc thương mà nói rằng hai anh em gây ồn ào trong làng, rồi chúng bắt phạt và cấm không cho khóc.
Quá đau đớn, bức xúc nhưng họ không làm gì được bọn nhà giàu. Để tỏ lòng thương nhớ bố, hai anh em liền nghĩ ra cách lấy một đoạn cây lách (một loại cây thân nhỏ như thân cây đót, ruột rỗng, khi nở hoa có màu đỏ rất đẹp) thổi. Cũng từ đó mỗi lần nhớ bố, hai anh em lại lấy ống lách ra thổi, đó chính là cây sáo Pà bam của người Ve bây giờ. Mỗi lần âm thanh của Pà bam cất lên (păm pồ pà pa...) nghe buồn não nề, như rên rỉ, ai oán hòa vào vô vàn âm thanh phong phú nơi núi rừng. Bất hạnh lại ập đến với hai anh em nhà nghèo bởi sau đó ít lâu mẹ của họ cũng vội vã đi theo chồng về “nơi chín suối”. Bây giờ hai anh em mới thực sự bi đát, khi không còn một chỗ dựa nào khác. Quá đau buồn, hai anh em gào khóc nhưng những tên nhà giàu lại phạt nặng hai anh em thân cô thế cô vì tội khóc lóc thảm thiết gây ồn ào trong buôn làng. Không thể khóc thành tiếng, họ lại nghĩ ra cách lấy một ống nứa dài, một đầu để trống còn một đầu đục lỗ xuyên qua mấu để thổi thay thế tiếng khóc nhớ mẹ của mình. Gần đầu để trống có đục 3 lỗ nhỏ (như lỗ của sáo thường), khi thổi sẽ dùng tay bịt – thả tạo những âm thanh đa dạng. Đó chính là Đinh buôn ngày nay.
Tiếng của Đinh buôn nghe còn não nề hơn tiếng Pà bam, lúc trầm lúc bổng, nghe vừa lẻ loi, vừa cô độc. Đó như là tiếng than trách, rên rỉ (“Cha cũng mất mà mẹ cũng mất, bỏ hai đứa con ở lại bơ vơ – một câu hát trong bài hát tưởng nhớ cha mẹ của người Ve) giữa núi rừng bao la bát ngát, thấm vào từng gốc cây ngọn cỏ, lạnh lùng và cô độc.
“THANH NIÊN KHÔNG MẶN MÀ”
Nói về cách làm Pà bam và Đinh buôn, ông Pháo cho biết tuy nhìn bề ngoài chúng khá đơn giản, nhưng kỳ thực việc chế tạo không hề dễ dàng, nếu không nói là khá khó khăn. Để Pà bam phát ra âm “chuẩn”, “chất” trước hết cần chọn được đốt cây lách vừa già vừa thẳng. Đồng thời độ dài phải đúng 3 chắp (nắm) tay chồng lên nhau, cộng với 3 đốt ngón tay người lớn. Tuy vậy “Phải làm hàng chục cái mới chọn được một cái thổi ra âm chất lượng”, ông Pháo nói. Việc làm Đinh buôn cũng khá khó, phải chọn ống nứa già vừa phải. Còn về độ dài, tùy tay người dùng dài ngắn mà làm, nói chung khi thổi tay người dùng phải sải hết cỡ. Các lỗ trên thân Đinh buôn cũng phải theo tỷ lệ nhất định.
Thế hệ ông Pháo rất yêu thích những nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Ông kể: “Tới thế hệ mình, Pà bam và Đinh buôn không chỉ thổi ở trong các lễ tang, khi có người chết, mà nó đã dần dần trở thành nhạc cụ, thành “món ăn tinh thần” trong cuộc sống hằng ngày của dân làng mình. Hồi còn trẻ, mỗi lúc buồn là mình lại thổi một trong hai nhạc cụ ấy, mỗi lần thổi là mỗi lần say sưa”. Ở thế hệ ông, Pà bam và Đinh buôn đã ăn sâu vào đời sống của mọi người dân tộc Ve, được thổi bất cứ khi nào có chuyện buồn, nhất là trước khung cảnh mùa thu. “Khi tiếng của các nhạc cụ ấy cất lên, lúc đầu ai nghe cũng cảm thấy buồn man mác, nhưng rồi sau đó lòng lại trở nên nhẹ nhõm, êm ả lạ thường”, ông Pháo nói. “Bây giờ ít người biết làm, ít người thổi lắm. Mà người biết làm toàn là người già thôi, thích thổi cũng chỉ người già. Còn thanh niên hầu như không mặn mà gì nữa”, ông Pháo lo lắng.
Ông Trần Dư phân tích thêm: “Hai nhạc cụ Pà bam và Đinh buôn tuy khá đơn giản như những món ăn tinh thần của người Ve sau những giờ phút lao động mệt mỏi, là một phần không thể thiếu được trong các lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, mừng lúa mới... Về phía thanh niên, chỉ có một số ít thích, còn phần lớn không quan tâm nữa”.
Cao Nguyên