Pakistan - Ấn Độ có thể hòa hợp?

Thứ ba, 06/10/2015 10:50

(Cadn.com.vn) - Cả Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif đều muốn giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước, nhưng xem ra mong muốn này không mấy khả quan.

Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2013, ông Sharif cho biết, trong nhiệm kỳ thứ 3 này, cải thiện quan hệ với New Delhi là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông.

Một năm sau, khi ông Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, ông dường như cũng có mục tiêu tương tự nên ngay lập tức mời ông Sharif đến thăm New Delhi. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Pakistan tham dự lễ nhậm chức của một Thủ tướng Ấn Độ. Nhưng hơn 1 năm rưỡi, các quan chức hai nước thậm chí không muốn gặp nhau để giải quyết vấn đề. Dường như không còn hy vọng cho mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan.

Quyền kiểm soát Kashmir vẫn là điểm gây tranh cãi hiện nay giữa Ấn Độ và Pakistan.

Đấu súng ở Kashmir

Quân đội Pakistan và Ấn Độ liên tục bắn đạn pháo qua bên kia biên giới nằm trên phần lãnh thổ tranh chấp ở Kashmir.

Hôm 5-10, các phiến quân đã giết 3 binh sĩ Ấn Độ ở Kashmir, vụ việc khiến hai bên thêm căng thẳng. Người phát ngôn quân đội Ấn Độ, Đại tá N.N. Joshi cho biết, các đối tượng tình nghi là phiến quân sát hại 3 binh sĩ nước này trong cuộc đọ súng đêm 4-10. Từ năm 1947, cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố kiểm soát Kashmir. Sau nhiều thập kỷ giao tranh quyết liệt và nổi dậy kéo dài, Pakistan hiện đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Kashmir và Ấn Độ chiếm 2/3.

Vụ Mumbai

Pakistan hiện đang phải đối phó với Taliban, nhưng theo quan điểm Ấn Độ, Islamabad không cho thấy bất kỳ động thái nào chống lại Lashkar-e-Taiba, nhóm phiến quân được cho là đứng sau các hoạt động khủng bố liên tiếp ở Ấn Độ, trong đó có vụ đánh bom Mumbai năm 2008. Thật vậy, nghi phạm bị cáo buộc chủ mưu vụ Mumbai, Zaki-ur-Rehman Lakhvi, được thả khỏi nhà tù Pakistan hồi tháng 4. Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Ấn Độ mô tả việc thả Lakhvi là "sự xúc phạm các nạn nhân vụ tấn công Mumbai". Kể từ đó, hai nước thường xuyên cáo buộc lẫn nhau.

Từ chối đàm phán

Bất chấp những bất đồng trên, ông Modi và ông Sharif gặp nhau bên lề hội nghị ở thành phố Ufa của Nga hồi tháng 7 với mong muốn bắt đầu đối thoại trở lại. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, các cố vấn an ninh quốc gia của hai nước nên gặp nhau để thảo luận một số vấn đề, trong đó có cách thức để tiến hành xét xử các nghi phạm Mumbai. Nhưng các nhà đàm phán Pakistan rút lui trước khi đối thoại bắt đầu. Nhiều người cho rằng, quân đội Pakistan - vốn kiểm soát các chính sách đối ngoại quan trọng - yêu cầu chính phủ Islamabad rút khỏi đối thoại trừ khi vấn đề Kashmir nằm trong chương trình nghị sự.

Các nỗ lực thất bại

Ông Nawaz Sharif từ lâu rất muốn cải thiện quan hệ với New Delhi. Ông từng tìm kiếm thỏa thuận vào năm 1998, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Tuy nhiên, nỗ lực này thất bại khi quân đội Pakistan xâm nhập qua đường kiểm soát trong cuộc xung đột Kargil. Các sáng kiến hòa bình sau đó cũng thất bại. Tướng Musharraf cố gắng đạt thỏa thuận vào năm 2001, song Ấn Độ từ chối. Hiện nay, Pakistan đang cảm thấy mất tinh thần bởi ông Modi ngày càng tự tin trên trường quốc tế. Khi tiềm lực của Ấn Độ ngày càng lớn, chiến dịch giành sự ủng hộ quốc tế đối với vụ tranh chấp Kashmir của Islamabad tuyệt vọng hơn bao giờ hết.

An Bình
(Theo BBC)