TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Phải làm gì khi đối tác làm giả giấy tờ để giao dịch?

Thứ hai, 05/08/2024 14:52

*Bạn đọc hỏi: anh Nhật Tân - Giám đốc Công ty DB hỏi: Ngày 2/4/2024, Công ty tôi ký kết hợp đồng mua bán với Công ty CA, trong đó, Công ty CA là bên bán hàng và xuất hóa đơn GTGT cho Công ty tôi. Đến nay, Công ty tôi vẫn chưa nhận hàng nên cũng chưa thanh toán giá trị các đơn hàng theo hóa đơn GTGT. Dù vậy, ngày 15/5/2024, Công ty tôi đã thanh toán các chi phí phát sinh hơn 100 triệu đồng qua tài khoản cá nhân của Giám đốc Công ty CA. Sau đó, chúng tôi phát hiện Công ty CA làm giả hồ sơ giấy tờ, bao gồm hóa đơn GTGT và giấy phép khai thác khoáng sản để giao dịch với Công ty tôi. Bây giờ, Công ty tôi muốn lấy lại số tiền chi phí phát sinh hơn 100 triệu đồng kia thì phải làm thế nào?

Luật sư Đặng Văn Vương
Luật sư Đặng Văn Vương


*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:

Giả định rằng các thông tin anh cung cấp là sự thật. Hành vi làm giả giấy tờ của Công ty CA để giao dịch mua bán hàng hóa với Công ty DB có thể tiếp cận dưới góc độ hình sự và dân sự.

1. Góc độ hình sự

Hành vi làm giả hóa đơn GTGT và giấy phép khai thác khoáng sản có dấu hiệu cấu thành “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, hành vi cung cấp thông tin gian dối và sử dụng giấy tờ giả nhằm mục đích lừa dối Công ty DB để chiếm đoạt tiền của Công ty DB (thực tế, Công ty CA không có hàng hóa để bán theo hợp đồng) thì có dấu hiệu cấu thành “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

2. Góc độ dân sự

Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch vô hiệu do bị lừa dối như sau: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.

Theo đó, Công ty CA đã có hành vi cố ý đưa ra thông tin sai sự thật bằng cách làm giả hóa đơn GTGT và giấy phép khai thác khoáng sản khiến Công ty DB tin tưởng, xác lập giao dịch mua bán và thanh toán chi phí phát sinh hơn 100 triệu cho Công ty CA. Do đó, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên là vô hiệu do hành vi lừa dối của Công ty CA.

Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, khi hợp đồng vô hiệu, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Như vậy, Công ty CA phải có nghĩa vụ trả lại số tiền hơn 100 triệu mà Công ty DB đã thanh toán vào ngày 15/5/2024. Đồng thời, Công ty CA - bên có lỗi trong tình huống này phải bồi thường thiệt hại cho Công ty DB.

3. Hướng giải quyết

Trong trường hợp của Công ty DB, anh Nhật Tân có thể tham khảo các hướng dẫn dưới đây để tiến hành các bước cần thiết nhằm thu hồi lại số tiền hơn 100 triệu đồng từ phía cá nhân Giám đốc Công ty CA hoặc Công ty CA một cách hiệu quả và hợp pháp.

Bước 1: Cảnh báo Giám đốc Công ty CA và Công ty CA về trách nhiệm hình sự

Để có thể lấy lại số tiền một cách êm thắm mà không phải tham gia vào các giai đoạn tố tụng kéo dài và phức tạp, Công ty DB nên liên hệ làm việc trực tiếp với Giám đốc Công ty CA và Công ty CA. Trong quá trình làm việc, Công ty DB nhấn mạnh rằng việc làm giả hóa đơn GTGT và giấy phép khai thác khoáng sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời yêu cầu Giám đốc Công ty CA và Công ty CA hoàn trả số tiền đã thanh toán để tránh đẩy sự việc đi xa hơn và rủi ro trách nhiệm pháp lý,

Bước 2: Tố giác tội phạm nếu Giám đốc Công ty CA và Công ty CA không hoàn trả tiền

Nếu Giám đốc Công ty CA và Công ty CA không thiện chí hợp tác hoặc không hoàn trả tiền cho Công ty DB sau quá trình làm việc ban đầu, Công ty DB có thể nộp đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để xác minh, xử lý hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức của Giám đốc Công ty CA, đồng thời yêu cầu Giám đốc Công ty CA trả lại số tiền đã nhận. Việc thu hồi tài sản trong quá trình giải quyết tố giác tội phạm thường nhanh chóng và hiệu quả hơn trong so với việc khởi kiện dân sự, đặc biệt khi bên vi phạm có ý định tẩu tán tài sản hoặc chây ỳ trong việc trả tiền.

Bước 3: Khởi kiện dân sự nếu không thể giải quyết qua tố cáo hình sự

Trong trường hợp Cơ quan cảnh sát điều ra ra thông báo hoặc quyết định không khởi tố vụ án do không có dấu hiệu tội phạm thì Công ty DB có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và buộc Giám đốc Công ty CA và Công ty CA hoàn trả số tiền đã nhận.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425

Thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động đầu tư vốn

*Bạn đọc hỏi: chị Liên - Kế toán Công ty CP TT, hỏi: Công ty chúng tôi đang trong quá trình làm thủ tục góp vốn vào Công ty CP MG để đầu tư kinh doanh bất động sản. Trường hợp Công ty CP MG kinh doanh có lãi và chia lợi nhuận cho các cổ đông (trong đó, có Công ty CP TT) thì công ty tôi có phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản lợi

Xe chưa làm biển số có bán được không?

*Bạn đọc hỏi: chị Bích Trân, trú tại Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng) hỏi: Tôi đã đặt cọc 100 triệu đồng để mua 1 chiếc ô tô của hãng F. từ Đại lý ô-tô TT. Nhưng sau đó, tôi gặp khó khăn về tài chính nên không muốn mua nữa. Tuy nhiên, nếu không mua thì tôi sẽ mất số tiền đã đặt cọc cho đại lý này.

Thôi quốc tịch Việt Nam cho con mà không cần sự đồng ý của người mẹ, có được không?

*Bạn đọc hỏi: anh X., trú Q.Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) hỏi: Tôi là người mang quốc tịch Hàn Quốc, sau thời gian làm việc và sinh sống tại Việt Nam, tôi đã tìm hiểu và kết hôn với chị L. là người Việt Nam. Tuy nhiên, qua quá trình chung sống, sự hòa hợp giữa chúng tôi dần mất đi, tình yêu mờ nhạt và khó tránh khỏi những mâu thuẫn trầm trọng, gia đình