Phải làm rõ sai phạm tại các dự án BOT
Ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT)”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.
Trạm thu phí Cai Lậy (ảnh lớn) bị các tài xế phản ứng bằng cách thanh toán phí |
BOT là hướng đi đúng đắn
Trình bày báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc thực hiện các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua đã khiến diện mạo về hệ thống giao thông, đặc biệt là hệ thống đường, cầu có sự chuyển biến rõ rệt, phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động hơn 171.000 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là hơn 154.000 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2%. Đến nay, 55 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác với tổng mức đầu tư gần 138.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT. Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần, việc huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế nói chung, đồng thời giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, tồn tại từ việc ban hành chính sách đến thực tế triển khai.
Rà soát vị trí đặt trạm thu phí dự án BOT
Thảo luận tại phiên họp, mặc dù đánh giá cao tác động của hình thức BOT lên cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với nhận định, hình thức này vẫn còn một số điểm bất cập, chủ yếu do yếu tố chủ quan. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu vấn đề về việc những con đường độc đạo do cha ông để lại nhưng vẫn bị thu phí. Nhiều đoạn đường rất ngắn nhưng vẫn làm theo hình thức BOT dẫn tới nhân dân phản ứng. Để giải quyết tình trạng này, ông Giàu đề xuất cân nhắc lại việc thu phí trên những tuyến đường độc đạo. Trường hợp cần thiết, mở tuyến đường mới có thu phí bên cạnh tuyến đường cũ để người dân lựa chọn.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ví dụ, có những tuyến đường đã được đầu tư bằng ngân sách, tức là đã dùng tiền thuế của người dân để làm đường, sau đó nhà đầu tư chỉ tráng một lớp lên trên rồi lập trạm thu phí khiến người dân phản ứng. Ngoài ra, có những tuyến đường có rất nhiều trạm thu phí như từ Hà Nội về Thái Bình chỉ khoảng 100km mà có đến 4 trạm thu phí; lại có những dự án hết thời hạn thu phí ở đường chính, nhà đầu tư mở tiếp đường tránh để thu phí để nhanh “hồi vốn”. Sự thiếu kiên quyết của cơ quan Nhà nước trong những trường hợp này đã làm ảnh hưởng tới người dân.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, người dân rất đồng thuận với việc thu phí, quan trọng là thu như thế nào để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và mức thu như thế nào cho hợp lý. Bên cạnh đó, khoảng cách đặt trạm thu phí cũng cần xem xét lại. Theo quy định, cứ 70km đặt một trạm thu phí. Tuy vậy, theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, có 88 trạm thu phí thì chỉ có 9 trạm có khoảng cách từ 60 đến 70km, tức là chỉ có 10% được đặt đúng quy định. “Với những trạm không đảm bảo khoảng cách, đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân như hiện nay thì phương án giải quyết như thế nào”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Nhà nước cần mua lại quyền thu phí ở những trạm không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km trở lên để tránh bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt, cần tổng rà soát để xây dựng quy hoạch về công trình giao thông thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, để có thể thực hiện chủ trương này bài bản trong thời gian tới. Ngoài ra, Nhà nước cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm, giám sát chặt thu phí giao thông đường bộ để đảm bảo minh bạch, công khai.
Hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư BOT
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT thời gian qua. Đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện, đồng bộ. Trong khi chưa có đánh giá tổng kết về việc xây dựng, triển khai pháp luật, đầu tư lại khá ồ ạt. Việc triển khai quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực chưa nhất quán, thiếu quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ. Quá trình lập, thẩm tra, phê duyệt dự án BOT còn bất cập, dẫn tới nhiều dự án điều chỉnh tăng mức đầu tư. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều hạn chế; hầu hết các dự án thời gian qua là chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh và hiệu quả đầu tư của dự án.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư BOT; nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Đối tác công tư để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ; tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm Nhà nước và tư nhân thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất trong quá trình triển khai dự án BOT thời gian qua. Đặc biệt, vấn đề giao quá nhiều quyền cho nhà đầu tư dẫn tới sai sót, gây bức xúc trong dư luận ở những nơi có công trình cũng cần được xem xét cụ thể... Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần kiểm điểm, làm rõ những sai phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát hiện và thu hồi thất thoát lãng phí gây ra; rà soát lại quy hoạch và tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hình thức đầu tư PPP nói chung và đầu tư BOT nói riêng.
THU THỦY – TTXVN
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Cai Lậy, người dân không phản ứng Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa làm rõ thêm vấn đề được dư luận quan tâm tại Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang). Ông Nghĩa khẳng định, các dự án giao thông nói chung đều xuất phát từ nhu cầu địa phương, nhiều địa phương mong muốn có tuyến tránh để có cơ hội mở rộng thị trấn, thị tứ, thành phố. Dự án Cai Lậy đã thực hiện lấy đầy đủ ý kiến từ hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội đến chính quyền địa phương. Với chuyện ở Cai Lậy thì người dân tại chỗ không có phản ứng mà chỉ có 7 doanh nghiệp ở địa phương khác phản ứng và có hiện tượng dàn xe tại chỗ để dựng chuyện. Chiều 15-8, đại diện Bộ tiếp nhà đầu tư dự án Cai Lậy để xem lại phương án tài chính, có thể sẽ giảm phí từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng. Phương án này nhà đầu tư cũng đồng tình, nhưng sẽ phải kéo dài thu phí từ 7 năm lên 12 - 13 năm, vì tổng mức đầu tư không thay đổi. ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Từ ngày 1-10, xử phạt lỗi vi phạm đậu đỗ xe ngày chẵn, lẻ thêm 6 tuyến đường Đây là ý kiến chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng tại văn bản vừa gửi các sở, ban ngành về việc đồng ý chủ trương bổ sung một số tuyến đường triển khai cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ trên địa bàn quận Hải Châu và Thanh Khê, gồm: Đường Phan Bội Châu; Xuân Diệu (đoạn từ đường 3 Tháng 2 đến đường Đinh Công Tráng); Dũng Sĩ Thanh Khê (đoạn từ đường Trần Cao Vân đến đường Thanh Khê 6); đường Thanh Khê 6 và Đặng Thai Mai. UBND TP giao Sở GTVT từ nay đến hết tháng 8-2017 phải hoàn thành việc lắp đặt biển báo cấm đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ tại các tuyến đường nói trên. Giao CATP chủ trì, chỉ đạo các lực lượng phối hợp với Thanh tra Sở GTVT và các đơn vị liên quan tổ chức ra quân hướng dẫn nhắc nhở người tham gia giao thông trong thời gian từ ngày 1-9 đến 30-9, sau đó sẽ tiến hành xử phạt vi phạm kể từ ngày 1-10. CÔNG HẠNH ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- |