Phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ hai, 30/10/2023 17:53
Ngày 30-10, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh nêu thực trạng, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm về tiến độ triển khai và giải ngân vốn. Đại biểu đề nghị phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương để thực hiện hiệu quả hơn.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận hội trường.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận hội trường.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh cho biết, trong giai đoạn 2021-2023, Quốc hội ưu tiên nhiều nguồn lực bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia nhưng việc tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ triển khai và giải ngân vốn còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khung cơ chế chính sách, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, chưa phát huy hết trách nhiệm của các chủ thể.

Theo đại biểu Minh, cần nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát và kịp thời tham mưu ban hành, sửa đổi các cơ chế chính sách chưa phù hợp theo hướng phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tránh chồng chéo các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành tham mưu hướng dẫn.

Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn Nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 chưa giải ngân hết đến 31-12-2024; cho phép các địa phương được chủ động quyết định việc điều chỉnh vốn giữa các nội dung, dự án, lĩnh vực chi trong kế hoạch vốn, dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cần sớm ban hành sửa đổi Bộ tiêu chí Nông thôn mới phù hợp với thực tiễn, theo hướng một số tiêu chí giao cho địa phương quy định.

Đại biểu đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu xem xét quy định kéo dài thời gian được hưởng các chính sách an sinh xã hội cho người dân ở các xã khu vực II, III sau khi đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Dân tộc có hướng dẫn cụ thể hơn về việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ đất sản xuất tại Dự án 1; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện nội dung hỗ trợ kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu trong Tiểu dự án 1, Dự án 3 để địa phương có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Đại biểu Minh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét lại quy định về tỷ lệ số lao động bắt buộc là người dân tộc thiểu số tại các doanh nghiệp khi tham gia vào dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng cường hơn nữa cơ hội tham gia của các doanh nghiệp có tiềm lực, có mong muốn hỗ trợ đồng bào nhưng lại ở ngoài vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, giải quyết khó khăn của các địa phương nơi mà không có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện năng lực đặt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Theo ĐNO