NGÀY LÀM VIỆC THỨ 13, KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương

Thứ ba, 04/11/2014 07:43

(Cadn.com.vn) - Chiều 3-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình 4 dự án: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Thú y.

Trước đó, vào buổi sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền
địa phương.

Hai phương án về HĐND

Tờ trình về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Binh trình bày nêu rõ: sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (sau đây gọi là Luật năm 2003), HĐND và UBND các cấp đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của HĐND và UBND các cấp trong thời gian qua và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Luật năm 2003 đã bộc lộ những vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Dự án luật được xây dựng trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương cấp tỉnh, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính bảo đảm gắn kết thống nhất giữa HĐND và UBND cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu...

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương điều chỉnh các vấn đề về tổ chức đơn vị hành chính; về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương; về tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND và mối quan hệ giữa HĐND, UBND với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Dự án Luật xây dựng 2 Phương án: Không tổ chức HĐND ở quận, phường; Tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về tổ chức đơn vị hành chính, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); còn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định. Ủy ban pháp luật là cơ quan thẩm tra có quan điểm, theo quy định của Hiến pháp thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Vì vậy, một số vấn đề có tính nguyên tắc về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như điều kiện, trình tự thành lập, giải thể, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này,... cần được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm tính thống nhất. Còn những nội dung đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động cũng như các chính sách ưu đãi đối với các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ được quy định ở văn bản khác.

Đánh giá dự thảo Luật vẫn còn nhiều quy định về các trình tự, thủ tục, về hoạt động của chính quyền địa phương..., Ủy ban pháp luật cho rằng Luật tổ chức chính quyền địa phương chỉ nên tập trung quy định những vấn đề về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những nguyên tắc hoạt động chính, còn những vấn đề về trình tự, thủ tục, cách thức hoạt động thì cần được cân nhắc kỹ và chỉ đưa vào luật những quy định thật sự cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những nội dung cụ thể khác liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương sẽ được quy định trong các văn bản khác. Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

* Trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nêu rõ: Dự án luật đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật kết cấu gồm: 8 chương, 50 điều.

* Tờ trình dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) khẳng định Dự án luật đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, bảo đảm giành thắng lợi trong mọi tình huống. Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có 8 chương và 60 điều

* Theo Tờ trình của dự án Luật Thú y do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trình bày, sau 10 năm thi hành, Pháp lệnh Thú y 2004 đã bộc lộ một số hạn chế. Ở tầm Pháp lệnh, các quy định chỉ mang tính cụ thể trước mắt, chưa xác lập những quy định pháp luật với tầm nhìn chiến lược cho một giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định đáp ứng yêu cầu thực tế trong hoạt động thú y như đẩy mạnh xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của một công cụ pháp lý quan trọng trong hoạt động thú y trong thời kỳ mới. Do vậy cần thiết phải xây dựng Luật Thú y thay thế Pháp lệnh thú y 2004. Dự thảo Luật Thú y gồm có 7 Chương, 121 Điều.

Thu Thủy – TTXVN

Tăng hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp

Đọc Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội nước ta thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế. Mặt khác, các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng sẽ khắc phục bất cập hiện hành, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đồng thời đảm bảo chính sách được áp dụng đồng bộ với những quy định của Luật Đầu tư, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Khi thực hiện dự án luật nêu trên, ước tính tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp năm 2015 khoảng 3.900 - 4.000 tỷ đồng và mỗi năm tăng chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng. Để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước, số thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Cụ thể, theo ước tính, năm 2015 tăng 571 tỷ đồng, năm 2016 tăng 2.773 tỷ đồng, năm 2017 tăng 4.395 tỷ đồng, năm 2018 tăng 6.436 tỷ đồng, năm 2019 tăng 9.312 tỷ đồng; đồng thời khi sản xuất kinh doanh phát triển sẽ tăng thu trong trung và dài hạn.

Băn khoăn về quyền yêu cầu thi hành án

Thảo luận về quyền yêu cầu thi hành án (các điều 7, 30, 31, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự) có hai loại ý kiến khác nhau.

Có ý kiến đề nghị giữ hai cơ chế như quy định của Luật hiện hành là cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự, nhằm tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên đương sự (được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 6 của Luật Thi hành án dân sự), tạo điều kiện để họ lựa chọn về thời gian, phương thức thi hành án; đồng thời làm cơ sở pháp lý cho việc từng bước thực hiện xã hội hóa công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại.

Một số ý kiến đề nghị để bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án và cụ thể hóa quy định tại Điều 106 Hiến pháp, thì cơ quan có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án mà không quy định đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người được thi hành án từ bỏ quyền lợi hoặc các đương sự thỏa thuận được việc thi hành án thì họ làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định chấm dứt việc thi hành án.

Hôm nay, 4-11, dự kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Thu Thủy – TTXVN