Phân luồng học sinh để giảm lãng phí và thất nghiệp

Thứ sáu, 08/01/2016 09:42

(Cadn.com.vn) - Từ 20 năm trước, ý tưởng phân luồng học sinh đã được đưa ra bàn thảo và mọi người đều nhất trí đó là vấn đề cần thiết. Nhưng rồi, đề xuất đó vẫn chỉ nằm trên giấy. Bây giờ, khi có đến 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (theo số liệu công bố ngày 25-12-2015 của Bộ LĐ-TB&XH) thì vấn đề phân luồng lại được đặt ra một cách cấp thiết và được xem như biện pháp giảm lãng phí và tình trạng thất nghiệp. Thế nhưng, việc phân luồng không dễ thực hiện vì còn quá nhiều rào cản.

Mới chỉ là phân ban

Hơn 10 năm trước, Bộ GD-ĐT triển khai áp dụng chương trình phân ban. Theo đó, có ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội; môn nâng cao, tự chọn theo ban... nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo năng khiếu, sở trường. Nhiều người cho rằng đó là một cách phân luồng học sinh, nhưng thật ra đó mới chỉ là phân ban chứ không phải phân luồng. Và nay, chương trình phân ban cũng đã coi như phá sản khi học sinh hầu như chỉ chọn ban khoa học tự nhiên, còn ban khoa học xã hội nhiều trường sạch bóng học sinh! Thế nên, nếu coi phân ban là phân luồng học sinh thì chính sách này đã thất bại hoàn toàn.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương có tư tưởng chạy theo thành tích trong việc phổ cập giáo dục. Thực tế chỉ cần phổ cập xong THCS là được, đến đó thì dựa trên tình hình thực tế như lực học của học sinh, điều kiện kinh tế gia đình, và cả ước mơ, sở thích... để tiến hành phân luồng. Thế nhưng, nhiều địa phương  muốn lập “thành tích phổ cập bậc THPT”, điều này đã tiếp tay “giết” chết việc phân luồng học sinh sau THCS khi chỉ tiêu vào lớp 10 của các địa phương gần như “hốt trọn” số học sinh tốt nghiệp lớp 9. Trong khi đó, ở bậc THPT còn có nhiều trường bán công, tư thục “vét” thêm số học sinh không vào được trường công nữa, thành ra số học sinh đi học nghề sau THCS chỉ lèo tèo.

Đến khi tốt nghiệp THPT thì cơ hội phân luồng một lần nữa bị “bóp chẹt” do Bộ GD-ĐT cho phép mở quá nhiều trường ĐH, CĐ, đến nỗi không lấy đâu ra người học thì nói gì đến phân luồng đi học nghề!

Cần phân luồng học sinh sau THCS và THPT để giảm lãng phí nhân lực và tình trạng thất nghiệp. Ảnh: G.D 

Đi học nghề là... đường cùng!

Người Việt có nhiều đức tính tốt đẹp nhưng bên cạnh đó cũng có không ít tật xấu, trong đó bệnh sĩ, bệnh háo danh là rào cản lớn cho việc phân luồng. Trong tập quán suy nghĩ của nhiều người, việc con em mình không thể học chữ “chính thống” gần như là điều khó chấp nhận, là một sự xấu hổ cho gia đình. Cha mẹ và gia đình Việt Nam chưa quen với suy nghĩ hãy để con mình học những gì các em thích mà thường là thích hướng con em mình học vì... cha mẹ, vì truyền thống gia tộc... Việc các em chưa có bằng này, bằng nọ như người ta mà đã rẽ sang học nghề là một hành vi đáng lên án! Nhiều người biết sức học con em mình yếu, biết con em có năng khiếu học nghề nhưng vẫn nhất quyết bắt con theo học văn hóa, đường cùng mới đi học nghề.

Một giáo viên dạy THCS cho biết, bản thân khi còn phụ trách công tác hướng nghiệp ở trường, sau khi sinh hoạt hướng nghiệp cho các em học sinh lớp 9 năm học đó, đã bị nhiều phụ huynh của trường khiếu nại lên phòng giáo dục vì lý do “cô đó nói sao hay quá, giờ con tôi nhất định đòi đi học nghề chứ không chịu thi lớp 10. Con tôi “có chuyện gì” thì nhà trường phải chịu trách nhiệm.

“Đơn giản chỉ vì trong bài hướng nghiệp tôi đã nêu rõ thực trạng xã hội Việt Nam thừa thầy, thiếu thợ, đặc biệt là thợ có tay nghề và chuyên môn bậc cao. Tôi đã chỉ ra có nhiều con đường học tập, tại sao phải mòn mỏi, lê lết theo đuổi việc học chữ mà sức mình có hạn, để rồi khi ra trường không thể học lên nữa lại thất nghiệp và chạy xe ôm hoặc phải làm việc tay chân?”, giáo viên này buồn bã nói lý do bị phụ huynh khiếu nại.

Tâm lý thích làm thầy chứ không thích làm thợ là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan ở xã hội Việt Nam. Nhiều người có trong tay tấm bằng đại học, thạc sĩ rồi thì cứ tưởng mình ngon, nhất quyết chỉ làm những công việc “sang trọng”, việc nhẹ lương cao. Tư tưởng này khiến cho không nhiều người chịu đi học nghề, thành ra dẫn tới thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Trong khi đó, cơ chế, chính sách của chúng ta có nhiều bất cập, đặc biệt là chính sách nhân lực chú ý bằng cấp quá nhiều. Muốn làm chuyên viên chính phải có chứng chỉ này chứng chỉ kia. Trả lương cho cán bộ cũng phụ thuộc bằng cấp rất nhiều: học CĐ lương thấp hơn ĐH; học ĐH lương thấp hơn người học sau ĐH khiến cho hiện nay người ta còn nháo nhào đi học sau ĐH, mới sinh ra cảnh thạc sĩ còn không có việc làm. Trong cơn lốc học hành ấy, ai sẽ đi học nghề để chấp nhận lương thấp? 

Từ đó có thể thấy, thất bại trong việc phân luồng học sinh lỗi không chỉ một mình Bộ GD -ĐT!

Thay đổi đồng bộ

Phân luồng học sinh là biện pháp quan trọng nhằm giảm lãng phí và thất nghiệp. Phải quyết liệt làm cho được việc này. Theo đó, sau THCS ít nhất phải có 1/4 số học sinh tốt nghiệp lớp 9 đi học nghề, đến bậc THPT phải có 1/3 số học sinh tốt nghiệp 12 đi học nghề... là con số hợp lý.

Để giải thành công bài toán phân luồng cần sự thay đổi đồng bộ từ tâm lý phụ huynh, dư luận xã hội đến chiến lược phát triển bền vững của Bộ GD-ĐT, và cơ chế, chính sách của Nhà nước. Theo đó, phải tìm cách khắc phục việc lớn như cơ chế chính sách về lương, chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm của Nhà nước, cùng với đó là một đề án phân luồng khoa học và hợp lý của Bộ GD-ĐT. Đồng thời rà soát thẩm định lại năng lực của các trường ĐH, CĐ, kiên quyết dừng tuyển sinh nếu không đảm bảo điều kiện, cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở những ngành đã dư thừa, quy định về quy mô đào tạo, đầu tư mạnh cho các trường nghề; tâm lý của người dân và của xã hội sẽ thay đổi theo chính sách; khuyến khích tạo điều kiện kinh tế tư nhân phát triển mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động.

Phạm Được